Vậy hiện ở Việt Nam, thực phẩm biến đổi gen tồn tại thế nào? Cùng điểm lại những thông tin này.
Thực phẩm biến đổi gen (Genetically Modified Organism, gọi tắt là GMO) được dùng để chỉ các loại thực phẩm có thành phần từ cây trồng, động vật được biến đổi gen.
GMO được chia thành 2 loại chính: Những cây trồng chống chịu được thuốc diệt cỏ: người trồng có thể phun thuốc diệt cỏ mà không làm hại cây trồng và những cây trồng tự sinh ra chất độc để diệt trừ côn trùng, sâu hại. Thực phẩm biến đổi gen có lợi hay hại vẫn là một vấn đề gây tranh cãi nhiều năm nay.
Thực phẩm GMO vào Việt Nam khi nào?
Năm 2005, Chính phủ Việt Nam có chủ trương phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, bao gồm công nghệ GMO. Mục tiêu giai đoạn 2011-2015 là “Đưa một số giống cây trồng biến đổi gen vào sản xuất”. Đến năm 2020 “Diện tích trồng trọt các giống cây trồng mới tạo ra bằng các kỹ thuật của công nghệ sinh học chiếm trên 70%, trong đó diện tích trồng các giống cây biến đổi gen chiếm 30-50%”. 3 giống cây được quan tâm đưa vào sản xuất là ngô, bông, đậu tương.
Từ năm 2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bắt đầu thực hiện thử nghiệm 7 giống ngô GMO. Đồng thời triển khai Luật an toàn thực phẩm năm 2010 và Nghị định số 38/2012 của Chính phủ, liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Khoa học Công nghệ đã hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn ghi nhãn với thực phẩm có tỷ lệ thành phần nguyên liệu biến đổi gen lớn hơn 5%.
Chủ trương chú trọng phát triển giống cây trồng biến đổi gen khiến người dân hoang mang. Ảnh minh họa: GMO. |
Đến tháng 3/2015, 3 giống ngô GMO đã được đồng loạt xuống giống tại 4 tỉnh phía Bắc và 4 tỉnh phía Nam. Sản phẩm thu hoạch đã được đưa vào sử dụng đại trà ở Việt Nam. Đến tháng 8/2016, Bộ NN&PTNN đã cấp phép cho 21 giống ngô và đậu nành GMO được phép trồng ở Việt Nam.
Tuy nhiên thông tin trên VTV, dù năm 2015 mới chính thức được gieo trồng trên diện rộng, nhưng thực phẩm GMO đã thâm nhập vào thị trường Việt Nam từ trước đó rất lâu.
Từ năm 2010, Trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) thực hiện một khảo sát các mặt hàng nông sản nguyên liệu và một số sản phẩm chế biến lưu hành tại TP.HCM, kết quả có 111/323 (chiếm gần 34,4%) mẫu sản phẩm dương tính với promoter 35S hoặc terminator nos - một dạng biến đổi gien. Trong 111 mẫu nói trên, có 45 mẫu bắp, 29 mẫu đậu nành, 15 mẫu khoai tây, 10 mẫu cà chua...
Từng trao đổi với báo chí, Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho biết mỗi năm Việt Nam nhập khẩu hàng triệu tấn bắp, đậu nành và khô dầu đậu nành từ Mỹ, Brazil, Argentina... về để chế biến thức ăn gia súc và làm thực phẩm, đó toàn là thực phẩm GMO. Phần lớn đậu nành nhập khẩu về Việt Nam để chế biến dầu ăn, nước đậu nành hay đậu phụ cũng toàn là hàng GMO.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trong 8 tháng đầu năm 2015, Việt Nam nhập khẩu hơn 4 triệu tấn bắp, giá trị nhập khẩu đạt 939 triệu USD, tăng 43% về khối lượng và tăng 25% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Hiện nay trên thế giới đã có 28 quốc gia cho phép trồng cây GMO (chủ yếu là đậu nành, bắp và cây bông) và mới đây Việt Nam là quốc gia thứ 29 cho phép trồng cây bắp GMO.
Những loại thực phẩm GMO được phép trồng, kinh doanh ở Việt Nam
Hiện nay 3 loại cây trồng biến đổi gen là ngô, đậu tương và bông vải (ba loại cây mà thế giới đang trồng nhiều nhất) đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép trồng đại trà ở Việt Nam. Thực hiện chỉ đạo này, từ năm 2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới bắt đầu thực hiện khảo nghiệm 7 giống ngô BĐG, trong đó 3 giống của công ty TNHH Syngenta, 3 giống của công ty TNHH Dekalb Việt Nam (công ty Monsanto) và 1 giống của công ty Pioneer Hibred Việt Nam.
Ngay sau khi Chính phủ cho phép trồng đại trà, giống bắp GMO đã được nhiều nông dân ở ĐBSCL và miền Đông Nam Bộ đưa vào trồng thương mại trên diện rộng. So với bắp lai thông thường, nhờ kháng được sâu bệnh, hạn chế tối đa cỏ dại nên bắp GMO có năng suất vượt trội, trái to, đều hạt. Tuy nhiên theo phản ánh của nhiều người dân, giá hạt giống ngô GMO vẫn cao gấp đôi so với giá giống ngô truyền thống.
Ba giống ngô biến đổi gen đang được trồng đại trà ở Việt Nam. Ảnh minh họa: Thế giới môi trường. |
Diện tích cây trồng biến đổi gen ngày càng tăng, lên đến 134 triệu ha trong năm 2009, trong đó đậu tương biến đổi gen chiếm 76 triệu ha. Ở Việt Nam đậu tương là cây thực phẩm quan trọng, diện tích gia tăng từ 120.000 ha năm 1995 lên 200.000 ha năm 2009, với năng suất tương ứng tăng từ 1,0 lên 1,4 tấn/ha.
Về thực phẩm GMO được phép kinh doanh ở Việt Nam theo quy định từ tháng 1/2016 về việc bắt buộc dán nhãn ghi rõ “biến đổi gen” bằng tiếng Việt trên bao bì các loại thực phẩm biến đổi gen. Theo đó, các loại thực phẩm có ít nhất 1 thành phần nguyên liệu biến đổi gen >5% tổng nguyên liệu đều phải ghi nhãn.
Nhiều loại thực phẩm biến đổi gen khác cũng được bán nhiều trên thị trường Việt. Ảnh: GMOFood. |
Tuy nhiên mặt hạn chế của quy định này là nó chỉ áp dụng được với các loại thực phẩm đóng gói sẵn như các loại trái cây, rau củ nhập ngoại...Còn đối với các loại thực phẩm tươi, khô, đông lạnh… các loại thức ăn chăn nuôi thì người tiêu dùng vẫn phải dè chừng về nguồn gốc.