Chuẩn bị lực lượng, chi viện khẩn trương chiến trường Nam bộ
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, ngay từ đầu tháng 1/1975, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân đã có nghị quyết về chấn chỉnh lực lượng. Theo đó, các Trung đoàn 125, 126, 172, 128, 171, K2, K3, K5, Trường Sĩ quan Hải quân, Trường Kỹ thuật Hải quân, Tiểu đoàn công binh công trình, cơ quan Quân chủng chấn chỉnh xong tổ chức cuối tháng 1/1975, biên chế đến tháng 3 hoàn chỉnh.
Bộ đội Hải quân xuống tàu tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975. Ảnh TL |
Thời gian này, số lượng tàu thuyền chiến đấu và trang bị kỹ thuật ở Nam Quân khu 4 được tăng thêm, các trạm ra đa được bổ sung thêm máy móc. Tàu chiến đấu của Trung đoàn 171 tăng cường tuần tiễu ở Bắc Vĩ tuyến 17, sẵn sàng đối phó với các hoạt động của địch, bảo vệ tuyến vận tải Cửa Việt - Đông Hà. Mọi cơ quan, đơn vị trong Quân chủng Hải quân luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu cao.
Tàu vận tải Quân chủng Hải quân chuyên chở vũ khí tham gia chiến dịch 1975. Ảnh TL |
Cùng với đó, để kịp thời phục vụ theo yêu cầu của sự phát triển chiến trường Nam bộ, Đoàn 125 đã huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện vận chuyển vũ khí và bộ đội vào sát nơi ta mở chiến dịch. Các tàu quay vòng tăng chuyến, tăng trọng tải, tranh thủ thời gian nhằm chở nhiều, chở nhanh để phục vụ kịp thời cho chiến trường. Ngày 20/2/1975, các tàu vận tải đổ bộ 424, 426, 428, 430 đã bắt đầu chở xe tăng và xe lội nước từ Bến Thủy vào Đông Hà. Các tàu vận tải loại 400 tấn là 681, 683, 685 cùng nhiều tàu vận tải loại 200 tấn cũng rời cảng Hải Phòng mang theo một khối lượng lớn các loại vũ khí trang bị, hàng hóa phục vụ chiến đấu từ Hải Phòng vào Đồng Hới an toàn. Tính đến ngày 20/3/1975, sau đúng 1 tháng từ chuyến hàng đầu tiên, Đoàn 125 đã kịp thời vận chuyển gần 3000 tấn hàng, 12 xe tăng chi viện kịp thời cho các đơn vị đánh địch.
Chuẩn bị đưa xe tăng, xe bọc thép lên tàu vào Nam theo đường biển. Ảnh TL |
Khoảng trung tuần những ngày tháng 4/1975 rực lửa, chiến dịch giải phóng Sài Gòn được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong khi cả nước dốc sức cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng thì nhiệm vụ của Quân chủng Hải quân là nhanh chóng vận chuyển bộ đội và phương tiện chiến đấu với số lượng cao nhất, thời gian nhanh nhất và an toàn, khẩn trương đáp ứng yêu cầu chiến đấu giải phóng các đảo và tiếp quản các cơ sở hải quân địch. Quân chủng đã điều động hơn 3900 cán bộ, chiến sĩ từ hậu phương ra tuyền tuyến, Đoàn 125 đã vận chuyển hơn 17.473 cán bộ, chiến sĩ, gần 7900 tấn hàng và 40 xe tăng cho các quân binh chủng mở cuộc tiến công.
Đánh địch bất ngờ từ hướng biển - tiếp quản các căn cứ hải quân
Vào đầu tháng 3/1975, trong khi lực lượng tàu chiến đấu của Trung đoàn 171 tăng cường hoạt động ở Bắc Vĩ tuyến 17 thì Đại đội 25 đặc công của K5 tiến sâu vào Huế đánh sập cầu An Lỗ trên đường số 1, tiếp đó đánh chìm 1 hải thuyền địch tại Cầu Hai. Những hoạt động mạnh của Hải quân ta đặt toàn bộ lực lượng Hải quân Ngụy vùng 1 duyên hải trong tình trạng báo động. Đến giữa tháng 3/1975, Bộ Tư lệnh Hải quân tăng cường cho K5 một số chiến sĩ đặc công và điều 2 tàu chiến từ Sông Gianh vào Cửa Việt để phối hợp đánh tàu địch trên khu vực sông, biển Trị - Thiên. Lúc này địch tăng cường số lượng lớn tàu chiến tại Vùng 1 duyên hải để thực hiện kế hoạch hành quân Bạch Đằng 2/1975 hòng yểm trợ và vận chuyển bộ binh Ngụy đang rút chạy.
Điều ít ai biết là ngay từ năm 1975, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã có biên đội tàu tên lửa Project 183R Komar để tham gia chiến dịch. Ảnh TL |
Sau khi Quảng Trị rồi Huế lần lượt bị thất thủ từ ngày 19 đến ngày 25/3/1975, địch tháo chạy ra biển tìm dường vào Đà Nẵng. Lúc này, một biên đội thuyền máy của K5 vượt qua hỏa lực dày đặc của địch vào thả thủy lôi tại cửa biển Thuận An (Huế), bịt chặt không cho tàu địch ra vào cảng. Hàng vạn quân địch lúc này trở nên hoang mang, hỗn loạn, bị các cánh quân trên bộ của ta tiêu diệt và bắt sống.
Ngày 26/3/1975, cùng với các cánh quân trên bộ, thuyền máy chở lực lượng đặc công K5 do đồng chí Trần Châu chỉ huy từ hướng biển đánh thẳng vào bán đảo Sơn Trà – Đà Nẵng khiến tàu địch phải dãn ra, hủy bỏ kế hoạch vận chuyển quân ngụy di tản. Trước những thắng lợi nhanh chóng trên chiến trường, vào đầu tháng 4/1975, Hải quân ta bắt đầu tiến vào chiếm đóng các căn cứ Quy Nhơn, Nha Trang, Cam Ranh và một số cảng nhỏ khác. Mũi tiến công trên biển bao gồm 3 tàu tên lửa của Tiểu đoàn 173 (Trung đoàn 172), 4 tàu tuần tiễu chiến đấu của Trung đoàn 171 và lực lượng tàu vận tải quân sự của Đoàn 125.
Cán bộ, chiến sĩ Việt Nam nạp đạn tên lửa P-15 Termit lên bệ KT-67 trên tàu Komar. Ảnh TL |
Ngày 4/4/1975, Quân chủng Hải quân được Quân ủy Trung ương chỉ thị cùng với Quân khu 5 nghiên cứu chỉ đạo, chớp thời cơ thực hiện gấp rút đánh chiếm các đảo do quân ngụy miền Nam chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa. Đồng chí Nguyễn Bá Phát, phái viên của Bộ Tổng Tham mưu và tổ công tác hải quân đi cùng do Khu ủy Khu 5 chỉ đạo trực tiếp.
Tiến quân ra biển, giải phóng Trường Sa và các đảo Tây Nam
Với tình hình chiến trường trên bộ chuyển hướng mau lẹ có lợi cho ta, Bộ Tư lệnh Hải quân quyết định sử dụng tàu của Đoàn 125 chở lực lượng ra giải phóng đảo. Chủ trương là giải phóng đảo Song Tử Tây trước, tiếp đến là các đảo khác, không cho địch kịp tăng viện, đối phó. Lực lượng giải phóng đảo có phiên hiệu Đoàn C75 do đồng chí Mai Năng, Anh hùng LLVTND, Trung Đoàn trưởng Trung đoàn 126 làm Chỉ huy trưởng. Đúng 4 giờ ngày 11/4/1975, toàn bộ lực lượng Đoàn C75 gồm 3 tàu 673, 674, 675 của Đoàn 125 chở Đội 1 của Trung đoàn 126 đặc công Hải quân, 1 phân đội hỏa lực của đặc công nước thuộc Tiểu đoàn 471, Quân khu 5 xuất phát từ Đà Nẵng đi giải phóng đảo Song Tử Tây.
Tàu vận tải Đoàn 125 chở bộ đội Hải quân tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa. Ảnh TL |
Rạng sáng 14/4/1975, các tàu bắt đầu tiến sát đảo và chia thành 3 mũi đổ bộ, sau 2 giờ vật lộn với sóng nước nhưng chỉ mất 45 phút chiến đấu khi đã tiếp cận bờ, ta hoàn toàn làm chủ hòn đảo này và lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được chiến sĩ Lê Xuân Phát kéo lên đỉnh cột cờ tung bay trong gió, đánh dấu hòn đảo đầu tiên của Tổ quốc được giải phóng.
Do bị thất bại nặng nề trên đất liền nên việc tiếp tế và yểm trợ của địch cho các đảo giảm hẳn; khi tin chiến thắng từ bờ của quân giải phóng cứ liên tiếp bay tới và sau khi ta làm chủ đảo Song Tử Tây thì tinh thần của sĩ quan, binh lính địch trên các đảo còn lại hoang mang cực độ. Đây là thời cơ hết sức thuận lợi cho các lực lượng Hải quân ta. Những ngày sau đó, các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa lần lượt được giải phóng. Bộ đội đặc công Hải quân đã bàn giao 5 đảo giải phóng cho Tiểu đoàn 4 thuộc Sư đoàn 2, Quân khu 5 quản lý bảo vệ.
Một chiến sĩ Hải quân éo cờ giải phóng trên đảo Sơn Ca quần đảo Trường Sa sáng 25/4. |
Cùng với nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa, các đảo ven bờ như Cù Lao Thu (Phú Qúy – Bình Thuận hiện nay) được giải phóng ngày 26/4. Từ ngày 27 đến 29/4/1975, Quân chủng Hải quân điều các lực lượng tiến vào cảng Cam Ranh, Vũng Tàu siết chặt vòng vây từ hướng biển, không cho tàu địch và máy bay chi viện từ hướng biển. Đúng 11 giờ 30 phút, khi cờ giải phóng tung bay trên nóc dinh Độc Lập thì 13 giờ cùng ngày, lực lượng Quân chủng Hải quân tiến vào tiếp quản Bộ Tư lệnh Hải quân Ngụy ở trại Bạch Đằng, Công xưởng Ba Son, Bộ Tư lệnh Sư đoàn lính thủy đánh bộ, trại Trịnh Minh Thế và một số vị trí khác.
Bộ đội Hải quân NDVN tiếp quản Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy tại Sài Gòn, ngày 30/4/1975. Ảnh TL |
Sáng 1/5/1975, ta đưa lực lượng giải phóng Côn Đảo để giải thoát các chiến sĩ cách mạng bị địch giam cầm ở đây. Từ ngày 6/5 đến ngày 25/5, lực lượng Hải quân giải phóng các đảo Phú Quốc, Thổ Chu, Hòn Từ, Hòn Cao bắt toàn bộ quân phản động Campuchia (trước đó lực lượng này lợi dụng Ngụy quyền hoang mang nên đã đánh chiếm các hòn đảo này). Ngày 1/6/1975, Quân chủng Hải quân hiệp đồng với Quân khu 9 tiến công giải phóng các đảo Hòn Ông, Hòn Bà trên quần đảo Pô Lô vai vùng biển Tây Nam. Đúng 19 giờ ngày 13/6/1975, ta làm chủ quần đảo Pô lô vai.
Tới lúc này, nhiệm vụ của Quân chủng Hải quân trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mới thực sự kết thúc.