Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vừa ký ban hành Quyết định số 598/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử và kiến trúc - nghệ thuật quốc gia đặc biệt tháp Bình Sơn, thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.
Được xây dựng từ thời Trần, tháp Bình Sơn là một trong những di tích lịch sử và nghệ thuật – kiến trúc có giá trị quan trọng bậc nhất của Việt Nam.
Tòa tháp đất nung đời Trần cao nhất còn được gìn giữ
Tháp Bình Sơn (còn gọi là tháp Then, tháp chùa Vĩnh Khánh) nằm trong khuôn viên chùa Vĩnh Khánh ở thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, là công trình tiêu biểu cho kiến trúc chùa tháp thời Lý – Trần và là tòa tháp đất nung đời Trần cao nhất còn lại đến ngày nay.
Tương truyền, ngọn tháp nguyên bản có 15 tầng, trên nóc tháp có một hình khối búp hoa sen chưa nở bằng đất nung tạo cho tháp một dáng vẻ thanh thoát vươn cao. Do những thăng trầm của lịch sử, phần chóp tháp đã bị vỡ, tháp hiện chỉ còn 11 tầng tháp và 1 tầng bệ, có chiều cao đo được 16,5 mét.
Toàn cảnh chùa Vĩnh Khánh và tháp Bình Sơn. Ảnh: Quốc Lê |
Tháp cấu tạo với bình đồ hình vuông nhỏ dần về phía ngọn với cạnh của tầng dưới cùng là 4,45 mét, cạnh của tầng thứ 11 là 1,55 mét. Theo khảo sát, tháp được xây dựng bằng 13.200 viên gạch nung, gồm 2 loại trong đó có một loại hình vuông kích thước là 0,22m × 0,22m, một loại hình chữ nhật kích thước 0,45m × 0,22m. Trong lòng tháp là một khoảng rỗng nhỏ chạy suốt chân tháp lên đến ngọn.
Mặt ngoài của tháp trang trí hoa văn rất phong phú, đẹp nhất là từ bệ tháp đến hết tầng 2, có chiều cao dưới 6 mét, là khoảng cách mắt thường có thể cảm nhận dễ dàng. Ở hai tầng này có họa tiết trang trí kỹ lưỡng, phức tạp mà nổi bật nhất là những hàng hoa cúc, cánh sen, lá đề, hoa mặt nhẵn, rồng chạm nổi, cùng mô típ “sư tử hí cầu”…
Những tầng trên trang trí thưa dần và hình dáng cũng đơn giản hơn với các họa tiết như hoa chanh, lá sòi (hoa dấu phảy)… Hoa văn trang trí tinh xảo trên mỗi hòn gạch chứng tỏ bàn tay người thợ vô cùng điêu luyện.
Cận cảnh hoa văn trang trí trên tháp Bình Sơn. Ảnh: Quốc Lê |
Một nét độc đáo khác của tháp Bình Sơn là tòa tháp này được xây dựng không cần vôi vữa. Để làm điều này, những người xây dựng tháp đã sử dụng những viên gạch được chế tác có mấu và có gờ chỉ để giữ lấy nhau, đó là phương pháp xây gạch khẩu ở chân bệ. Ngoài ra, còn một cách khác là mỗi viên gạch có một lỗ hình thang, hai viên gạch xếp sát nhau, tạo thành một mộng cá và người ta đổ chì vào mộng cá đó để giữ hai viên gạch với nhau, đó là phương pháp xây bằng cá chì.
Về mặt tín ngưỡng, có nhiều truyền thuyết liên quan đến tháp Bình Sơn, cho thấy vị trí đặc biệt của tháp trong văn hóa tâm linh và ý thức cộng đồng của người dân bản địa. Đầu tiên có thể kể đến truyền thuyết về xuất xứ cây tháp, vốn là một tháp lớn dựng trong vườn tháp ở giữa cánh đồng Nẫu xã Tứ Yên, Lập Thạch, sau một đêm mưa bão thì nhảy về vị trí hiện nay… Một truyền thuyết khác nói về chiếc giếng bên cạnh tháp với con vịt bằng vàng, là dấu tích nền móng một cây tháp khác có màu xanh bên tháp Bình Sơn, đã bay lên trời. Ngoài ra còn có truyền thuyết về thủ lĩnh địa phương Ngụy Đồ Chiêm, là con một người đàn bà bán quán nước chân tháp, đã ôm kiếm chạy vào cây tháp rồi biến mất khi bị quân triều đình đến đánh dẹp.
Sau nhiều thế kỷ tồn tại, tháp Bình Sơn từng đứng trước nguy cơ sụp đổ vào thập niên 1960 do các trận lụt liên miên làm sói lở chân tháp. Nhu cầu tu bổ tháp được đặt ra cấp thiết trong bối cảnh miền Bắc đang trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt. Từ tháng 5/1972, quá trình phục chế tháp theo lối thủ công được thực hiện. Việc làm gạch để thay thế và bổ sung những chỗ bị vỡ trên tháp, bị nát, bị khuyết, bị lũ quét, phải kéo dài đến hai năm.
Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, kiến trúc và văn hóa, tháp Bình Sơn đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt từ năm 2015.
Tổ chức không gian bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích tháp Bình Sơn
Theo Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử và kiến trúc - nghệ thuật quốc gia đặc biệt tháp Bình Sơn, vùng bảo vệ di tích được tổ chức thành hai không gian chính: Khu vực tháp Bình Sơn ở phía Nam và khu vực chùa Vĩnh Khánh ở phía Bắc. Hướng tiếp cận từ đường tỉnh 307B ở phía Nam, qua cổng chính, theo đường trục chính của di tích, qua tháp Bình Sơn đến khu vực chùa Vĩnh Khánh.
Khu vực tháp Bình Sơn: Giữ nguyên vị trí Tháp hiện trạng; bảo đảm duy trì tầm nhìn từ các hướng đến Tháp. Tổ chức hệ thống cây xanh cảnh quan và sân quanh chân tháp thành điểm nhấn về cảnh quan.
Khu vực chùa Vĩnh Khánh: Nằm trên đường trục chính di tích, hướng về phía Nam. Khu nội tự, gồm các công trình: Tam Bảo, nhà Tổ và 02 dãy hành lang, sân chùa. Bố cục tổng thể theo kiến trúc chùa truyền thống miền Bắc Việt Nam. Khu ngoại tự (ở hai bên và phía sau khu nội tự), bố trí các hạng mục phụ trợ gồm: lầu hóa vàng, nhà phụ trợ, nhà vệ sinh. Bao xung quanh các công trình là hệ thống vườn hoa, cây xanh cảnh quan và mạng lưới đường dạo kết nối.
Tháp Bình Sơn là một điểm nhấn du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Quốc Lê |
Đối với vùng đệm phụ trợ cho di tích, tổ chức, chỉnh trang các không gian xanh, không gian ở và không gian công cộng của cộng đồng dân cư quanh khu di tích bảo đảm hài hòa về cảnh quan, hình thành không gian bổ trợ về hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ, góp phần tôn vinh, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển đô thị. Các không gian chính, gồm: Vườn hoa cảnh quan (bố trí phía Đông di tích); không gian trường học (phía Bắc di tích) và khu dân cư hiện trạng.
Theo Quy hoạch, sản phẩm du lịch chủ yếu gồm: Tham quan, tìm hiểu văn hóa - lịch sử di tích tháp Bình Sơn gắn với hoạt động trải nghiệm bằng công nghệ hiện đại (thực tế ảo và 3D mapping...), các hoạt động nghiên cứu, sáng tác tác phẩm kiến trúc, nghệ thuật liên quan đến di tích và văn hóa địa phương.
Du lịch văn hóa - tín ngưỡng gắn với việc trải nghiệm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, du lịch thiền... tại di tích.
Du lịch lễ hội: Đa dạng hóa các hoạt động trong phần hội của lễ hội chùa tháp gắn liền bản sắc văn hóa sông Lô. Phát triển chuỗi sự kiện văn hóa, du lịch gắn với các lễ hội truyền thống địa phương, lễ hội đường phố và sự kiện văn hóa, nghệ thuật đương đại.
Du lịch mua sắm gắn với sản phẩm lưu niệm về tháp Bình Sơn - chùa Vĩnh Khánh, sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của huyện Sông Lô; kết nối và nâng cao trải nghiệm của du lịch làng nghề của huyện Sông Lô…