Khi triển khai một ban bay, nhiệm vụ của Đại đội Vệ binh bắt đầu bằng việc mở cổng sân đỗ cho các thành phần bảo đảm vào trong sân bay, sau đó bàn giao máy bay cho đội ngũ nhân viên kỹ thuật làm công tác chuẩn bị bay. Đại úy Nguyễn Mạnh Hùng - Đại đội trưởng Đại đội Vệ binh, Tiểu đoàn Bảo đảm Kỹ thuật Hậu cần sân bay, Lữ đoàn Không quân 918 (Quân chủng PK-KQ) mở đầu câu chuyện với chúng tôi.
Chiến sĩ Vệ binh Lữ đoàn Không quân 918 làm nhiệm vụ bảo vệ sân bay. |
Rồi, cũng như các thành phần bảo đảm khác, công việc của những chiến sỹ Vệ binh cũng hối hả không kém. Khi có giờ triển khai bay, cùng với việc đóng cổng sân bay ở đầu đường Nguyễn Sơn để “nội bất xuất, ngoại bất nhập”; Đơn vị tổ chức các tổ nhóm kiểm soát toàn bộ sân bay và các cổng gác. Để vào được khu để máy bay, tất cả lực lượng và phương tiện qua vọng gác đều được kiểm tra chặt chẽ. Các thành phần bảo đảm phải xuống xe để Vệ binh kiểm tra giấy tờ, lễ tiết tác phong, rũ sạch quần áo và không được mang theo các vật dụng không đúng quy định vào trong sân bay. Cùng với đó, các phương tiện vào sân bay phải đảm bảo không bị dính bùn đất, cát sỏi, các vật ngoại lai bám theo lốp xe. Các vật dụng không đúng quy định bên trong xe cũng được loại trừ.
Thực ra, khu vực sân đỗ luôn được lực lượng Vệ binh bảo vệ chặt chẽ 24/24 giờ. Khi ban bay trước đã kết thúc, lực lượng Kỹ thuật thực hiện xong nhiệm vụ và bàn giao lại cho Vệ binh. Máy bay lúc đó đã được niêm phong và nhiệm vụ của chiến sĩ Vệ binh là bảo vệ an toàn cho mục tiêu mình đã tiếp nhận. Để làm tốt công việc, chiến sĩ không chỉ được huấn luyện nêu cao tinh thần cảnh giác, kỹ năng bám sát mục tiêu và xử lý tình huống mà vũ khí trang bị cũng luôn sẵn sàng. Khu vực để máy bay là mục tiêu không được mất, chính vì vậy trong quá trình canh gác, chiến sĩ vệ binh được trang bị cả băng đạn sẵn sàng xử trí các tình huống xảy ra. Ở những vị trí canh trực thường được bố trí điện thoại, nếu không sẽ có kẻng. Trong mỗi ca trực, cán bộ của Đại đội Vệ binh sẽ thay nhau đi kiểm tra việc canh trực của chiến sĩ. Ngay cả cán bộ trong đơn vị, muốn vào khu vực đó cũng phải nắm được mật khẩu. Đại úy Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, mật khẩu sẽ thay đổi theo từng ngày, chiến sĩ gác sẽ được phổ biến mật khẩu trước khi đi thực hiện nhiệm vụ.
Chia sẻ những kỉ niệm về nghề, Đại úy Nguyễn Chiến Thành - Đại đội trưởng Đại đội Vệ binh 1, Tiểu đoàn Bảo đảm Hậu cần sân bay, Trung đoàn 921 cho biết, có lẽ, vất vả nhất là điều hành phương tiện ra vào sân bay. Có lần khi sân bay vừa tổ chức huấn luyện vừa tổ chức xây dựng mở rộng đường băng. Mặc dù đang đổ dở mẻ bê tông cần gấp nguyên liệu nhưng phương tiện bên ngoài chở vật liệu xây dựng không được che chắn cẩn thận nên các chiến sĩ Vệ binh đã kiên quyết không cho xe vào. Sau đó chỉ huy công trình phải chỉ đạo khắc phục ngay để đảm bảo tiến độ công trình. Cũng có lần trong huấn luyện đêm, khi máy bay lăn về thì lại có xe tra nạp nguyên liệu cơ động, do tầm nhìn hạn chế nên chạy không đúng làn đường có nguy cơ gây mất an toàn trong sân bay. Lúc đó, Đại úy Nguyễn Chiến Thành đã nhanh chóng thông báo trên loa và trực tiếp chỉ huy lực lượng Vệ binh ngăn chặn, điều tiết phương tiện đi đúng quy định.
Còn Thượng úy Lê Khắc Luận - Nguyên Chính trị viên Đại đội Vệ Binh 1, Tiểu đoàn Bảo đảm Kỹ thuật Hậu cần sân bay, Trung đoàn 923 thì cho biết, khi sân bay Sao Vàng chưa được xây dựng hệ thống tường bao bảo vệ, công việc của Đại đội Vệ binh rất khó khăn. Khu vực sân bay rộng lại có đất canh tác của nhân dân địa phương nên bà con vừa trồng hoa màu vừa chăn thả gia súc. Có ban bay máy bay đang chuẩn bị hạ cánh thì có một đàn bò phi ra đường băng. Lúc đó, các chiến sĩ Vệ binh lại phải cơ động cùng với các tổ tuần tra xua đuổi đàn bò kịp thời giải phóng đường băng. Rồi vào các vụ làm cỏ, tuốt lá mía, nhân dân đốt lá khô làm khói bụi bay vào sân bay, Đại đội Vệ binh lại phải nhắc nhở, vận động bà con, phòng tránh hỏa hoạn xảy ra.
Cùng với việc canh gác, thì lực lượng Vệ binh còn có một bộ phận tuần tra vòng ngoài nhằm bảo vệ an toàn tuyệt đối sân bay. Có nhiều nơi, khi đơn vị tổ chức huấn luyện bay, người dân do hiếu kỳ nên tụ tập đứng xem. Lúc đó, lực lượng tuần tra lại phải vận động giải tán đám đông. Trung tá Nguyễn Tuấn Anh - Trợ lý Bảo vệ An ninh, Phòng Chính trị Lữ đoàn 918 kể, năm 2012, anh đã phải trực tiếp cùng với lực lượng Vệ binh giải quyết một vụ việc. Số là, trong ban bay huấn luyện ngày 12/6/2012, khi đơn vị đang tổ chức huấn luyện bay thì có một người dân đi xe máy theo đường mòn từ phía Tư Đình (Long Biên) vào sân bay để ra siêu thị Big-C. Nhận thấy dấu hiệu gây uy hiếp an toàn bay, lược lượng tuần tra và các cơ quan chức năng đã kịp thời bắt giữ đưa người và phương tiện lạ nhanh chóng dời khỏi đường băng để máy bay hoạt động. Tìm hiểu nguyên nhân, người dân đã trình bày, từ nơi xa đến không hiểu biết về sân bay, thấy có lối mòn nên cứ thế phóng xe vào.
Theo Trung tá Nguyễn Ngọc Nam - Trợ lý Phòng Dân vận, người đã có nhiều năm gắn bó với Tiểu đoàn Vệ binh, thuộc Phòng Hành chính Hậu cần, Bộ Tham mưu Quân chủng, để thực hiện tốt nhiệm vụ canh gác, xử trí kịp thời các tình huống xảy ra, những chiến sĩ Vệ binh phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, lòng dũng cảm và kỷ luật nghiêm. Trong quá trình canh gác có rất nhiều yếu tố tác động đến tư tưởng, tâm lý của bộ đội, nhất là vào thời điểm ban đêm đứng canh gác một mình hay canh gác ở những khu vực gần với khu dân cư có nhiều người qua lại. Nếu chiến sĩ Vệ binh không chấp hành đúng quy định thì rất dễ vi phạm kỷ luật hoặc bị kẻ xấu lợi dụng mua chuộc.
Chiến sĩ Vệ binh sân bay không chỉ được nhắc đến là những người bảo vệ vành đai, phên dậu, sẵn sàng trấn áp những kẻ quá khích hay tội phạm. Trong những ban bay, dù không trực tiếp chăm sóc những con chim sắt như cán bộ, nhân viên Kỹ thuật; chỉ thực hiện nhiệm vụ ở vòng ngoài nhưng họ đã góp phần nâng những chuyến bay.