Chu đáo trong công tác chuẩn bị thi
Theo lịch thi lớp 10 THPT đã điều chỉnh, ngày thi thực tế lùi lại 2 ngày so với dự kiến trước đó. Số ngày lùi về cơ bản không gây biến động đến tinh thần thí sinh hay kế hoạch ôn tập của các trường. Việc lùi ngày có ý nghĩa quan trọng cho công tác tổ chức thi bởi khâu chuẩn bị về nhân lực, cơ sở vật chất càng chu đáo thì càng bảo đảm quyền lợi cho thí sinh. Hiện 184 điểm thi đã được chuẩn bị sẵn sàng, các đoàn thanh tra của Sở đang tích cực kiểm tra để chắc chắn mọi điều kiện tốt nhất cho ngày thi.
Cả thí sinh và giám thị coi thi đều phải thực hiện nghiêm quy định phòng dịch |
Em Nguyễn Ngọc Anh, HS lớp 9, trường THCS Nguyễn Trãi, quận Hà Đông cho biết: “Em rất đồng tình với việc lùi ngày thi; thay vì thi vào thứ 5, thứ 6, nay chuyển sang thi vào thứ 7, Chủ nhật. Thi vào ngày nghỉ nên điều kiện giao thông thuận lợi hơn cho thí sinh, giảm ách tắc và bố mẹ em cũng được nghỉ để đưa em đi thi. Em sẽ được quan tâm, động viên nhiều hơn và không lo muộn giờ thi. Mọi điều kiện về kiến thức và tinh thần của em hiện đều rất tốt”.
Hợp lý về cả khung kiến thức và thời gian tiếp xúc
Thay đổi thứ 2 trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 là thời gian làm bài và hình thức làm thủ tục thi. Nếu như kế hoạch trước đó, HS làm thủ tục trực tiếp, nay chuyển thành trực tuyến giúp giảm tiếp xúc giữa người làm công tác thi và HS, phụ huynh; đảm bảo an toàn cho công tác phòng chống dịch.
Với lịch thi được điều chỉnh, HS dự tuyển vào lớp 10 trường công lập không chuyên chỉ phải đến điểm thi vào 2 buổi sáng; thời gian làm bài được rút ngắn lại từ 15 đến 30 phút (tuỳ từng môn).
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cho biết: Về cơ bản, phạm vi đề thi vẫn giữ nguyên như đã công bố, gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình giáo dục cấp THCS hiện hành, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 và không đưa vào các nội dung đã được giảm tải; trong đó môn Ngoại ngữ (không chuyên) và môn Lịch sử (không chuyên) là 30 câu/đề thi (giảm bớt 10 câu/đề so với kế hoạch cũ). Việc giảm bớt một số câu ở từng phần trong cấu trúc đề thi vẫn đảm bảo sự phân hóa của đề thi để lựa chọn được những thí sinh có đủ năng lực theo yêu cầu của công tác tuyển sinh.
Thí sinh thực hiện nghiêm quy định 5K, đeo khẩu trang suốt thời gian làm bài |
Cô giáo Nguyễn Khánh Vân - Phó Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình cho biết, thời lượng này hoàn toàn trùng khớp với thời lượng HS trên địa bàn TP đã thi trong các kỳ thi định kỳ. Như vậy, dạng đề, thời lượng thi đối với HS không phải là mới. Việc giảm thời gian, giảm số câu của đề cũng phù hợp với việc HS ôn tập trực tuyến trong thời gian qua.
Theo cô Khánh Vân, HS dự thi trong điều kiện phòng dịch. Ngoài áp lực phòng thi như thường lệ còn có những bất tiện khác như phải đeo khẩu trang trong toàn bộ thời gian làm bài, phòng thi không bật điều hòa… Vậy nên việc giảm thời lượng trong phòng thi là một cách bảo đảm sức khỏe cho cả thí sinh, giám thị và các bộ phận phục vụ thi.
Còn phụ huynh Đào Mai Nga, quận Hoàng Mai chia sẻ: “Tôi đánh giá cao và trân trọng nỗ lực, quyết tâm tổ chức kỳ thi của Hà Nội theo đúng kế hoạch bởi chỉ có tổ chức thi mới đảm bảo công bằng cho mọi thí sinh, cũng là cách công nhận những cố gắng, vất vả của thầy trò trong suốt 4 năm học cấp THCS nói chung và năm học lớp 9 nói riêng”.
Không để thí sinh bị bỏ lại phía sau
Căn cứ phương án thi mới, các thí sinh đăng ký dự thi được chia thành 3 nhóm: Nhóm 1 là thí sinh thuộc diện F0, F1; nhóm 2 là thí sinh thuộc diện F2 đang trong thời gian cách ly, diện lưu trú tại địa bàn bị cách ly, phong tỏa hoặc diện khác mà không được đến trường thi do ảnh hưởng của dịch Covid-19; nhóm 3 là các thí sinh còn lại, được phép đến trường thi (thời gian để phân loại đối tượng thí sinh tính đến 17h ngày 11/6/2021).
Tương ứng 3 nhóm là 3 phương án: Thí sinh thuộc nhóm 1 được tuyển thẳng vào trường công lập đã đăng ký dự tuyển (nguyện vọng 1, 2 và 3) phù hợp với nơi cư trú của thí sinh. Nguyện vọng trúng tuyển thẳng của thí sinh nhóm 1 được bổ sung ngoài chỉ tiêu đã được giao của trường, không ảnh hưởng đến thí sinh nhóm khác. Thí sinh thuộc nhóm 2 sẽ áp dụng phương thức xét tuyển theo học bạ (điểm trung bình chung 4 năm THCS và điểm 4 môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Ngoại ngữ năm lớp 9) được quy đổi số điểm tương ứng (theo hướng dẫn).
Mang tâm lý lo ngại với kỳ thi lớp 10 được tổ chức trong hình hình dịch bệnh căng thẳng; vì vậy khi Hà Nội đưa ra phương án tách biệt hẳn những thí sinh có “F” như trên đã được rất nhiều HS và phụ huynh đồng tình bởi điều này giúp loại bỏ nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho các HS khác và cho cả cộng đồng.
“Việc xét tuyển với học sinh F2 theo tôi là hợp lý vì số HS thuộc diện này không nhiều; các HS thuộc diện cách ly hoặc ở khu vực bị phong tỏa nếu đi thi sẽ khó kiểm soát; hơn nữa, kết quả học bạ ở 4 năm THCS của HS phải tốt, học lực tốt mới có khả năng được xét tuyển vào các trường THPT. Quyết định xét tuyển HS diện F2 mang tính tình thế nên không có chuyện xảy ra tiêu cực trong vấn đề học bạ HS. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, theo tôi phương án này là tối ưu và hoàn toàn chấp nhận được”- phụ huynh Hà Huy Vinh, trú tại quận Ba Đình cho biết.
Chỉ còn ít ngày nữa là tới kỳ thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội; song song với đẩy mạnh ở tất cả các khâu tổ chức thi, những thành viên Ban chỉ đạo đã và đang tiếp tục bám sát tình hình dịch Covid-19, sẵn sàng phương án dự phòng trên tinh thần bảo đảm an toàn, đảm bảo quyền lợi tối đa cho thí sinh trong mọi tình huống.