Điểm nghẽn đáng lo ngại trong mắt Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ
Nền kinh tế Việt Nam có những điểm sáng hơn rất nhiều so với thế giới, kinh tế ổn định, môi trường kinh doanh đang được cải thiện nhanh, độ mở kinh tế cao. Tuy nhiên, có những điểm nghẽn đáng lo ngại đã được lãnh đạo Chính phủ và các chuyên gia chỉ ra cần khắc phục.
Điểm nghẽn đáng lo ngại
Nền kinh tế gần đây có những bước phát triển rất mạnh về nhiều mặt, tăng trưởng ở mức cao, lạm phát ổn định, thị trường chứng khoán (TTCK) gia tăng quy mô với tốc độ nhanh vượt kế hoạch và dự tính... Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) còn gặp nhiều khó khăn, qua đó chưa giúp nền kinh tế bứt phá và phát triển bền vững.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (ViEF), với chủ đề “Mở rộng thị trường vốn, tài chính Việt Nam - Giải pháp và thách thức” ngày 21/8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ băn khoăn về tình trạng sức khỏe của các chủ thể tham gia thị trường vốn và và tình trạng vốn “mỏng” của các doanh nghiệp.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, tính tới cuối 2016, có đến 53% DN đang hoạt động tại Việt Nam không có lợi nhuận, và chỉ có 47% có lợi nhuận và có nộp thuế TNDN.
Phó Thủ tướng đặt câu hỏi: “Vì sao DN Việt Nam hoạt động kinh doanh lại thiếu khả quan như vậy, phải chăng do vốn mỏng?” Phó Thủ tướng cho rằng, nhiều DN và dự án hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng (NH) và các nguồn vốn huy động khác cho nên chi phí tài chính rất cao. Chi phí này cộng với chi phí khác như chi phí tiếp cận thị trường, chi phí logistics, chi phí marketing… khiến DN kinh doanh chưa tốt.
Theo Phó Thủ tướng, kể cả các NHTM cung ứng vốn cho nền kinh tế thì vốn chủ sở hữu cũng còn hạn chế.
|
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại ViEF. |
Theo Phó Thủ tướng, cần đánh giá chủ thế tham gia thị trường tài chính, sức khỏe của chủ thể tham gia thị trường, trong nước và ngoài nước, sức khỏe của các tổ chức và cả các NĐT tư nhân. Tình trạng vốn mỏng của các DN, định chế tài chính và NH.
Đánh giá về thị trường tài chính, Phó Thủ tướng cho rằng, cần làm rõ điểm nghẽn lớn nhất là gì, phải chăng là tình trạng mất cân đối giữa thị trường tín dụng và thị trường vốn, sự mất cân đối trong cơ cấu thị trường tín dụng và thị trường vốn.
Trong hoạt động tín dụng, đó là sự mất đối giữa tỷ trọng về tín dụng với các dịch vụ giá trị gia tăng khác, NH hoạt động vẫn chủ yếu nhờ tín dụng.
Trong khi đó, gánh nặng huy động vốn của nền kinh tế vẫn đè lên NH, NH vẫn đang gánh và quá sức. Theo Phó Thủ tướng, cho dù TTCK phát triển khá nhanh trong thời gian qua, mục tiêu đến 2020 vốn hóa TTCK đạt 70% GDP nhưng đầu 2018 đã vượt xa mục tiêu. Tuy nhiên, thị trường còn mất cân đối giữa ngắn hạn và trung dài hạn. Thị trường trái phiếu DN cần phát triển nhanh, thị trường trái phiếu Chính phủ cũng cần được tái cơ cấu, cần có những quỹ như quỹ hưu trí.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, cần có giải pháp cung cấp vốn trung hạn, dài hạn cho nền kinh tế, các giải pháp cần đẩy mạnh trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn, tái cấu trúc. Giải pháp cho tăng cường năng lực hấp thu của các chủ thể tham gia thị trường. Củng cố hệ thống NH trong bối cảnh kinh tế khu vực và thế giới còn nhiều biến động.
Xây dựng các thị trường lành mạnh
Ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc điều hành bộ phận nghiên cứu, CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng, vấn đề mà Việt Nam gặp phải là sự thiếu vốn dài hạn.
Theo ông Mac Cana, vốn dài hạn là một trong những giải pháp cho các NH cần nâng vốn; đồng thời giúp NHTM cung cấp các gói vay thế chấp kỳ hạn dài. Sự thiếu nguồn vốn dài hạn trong nước có thể là một thách thức đối với tiến trình thoái vốn các DNNN.
Chuyên gia của HSC cho rằng, quỹ hưu trí tư nhân sẽ là một giải pháp cho việc cung cấp vốn dài hạn cho nền kinh tế. Đồng thời cấu trúc đầu tư của các quỹ này thường tập trung vào thị trường trái phiếu và cổ phiếu.
Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và vai trò quan trọng của Chính phủ trong việc phổ cập kiến thức và lợi ích của quỹ hưu trí tư nhân là những nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển quỹ hưu trí tư nhân.
Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng thừa nhận, cho dù TTCK phát triển rất nhanh và hoàn thành mục tiêu nhưng vẫn chậm hơn thế giới và chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Lý do khiến thị trường vốn Việt Nam chậm một phần là phụ thuộc vào giai đoạn phát triển của đất nước khi chuyển từ thời kỳ bao cấp sang kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Bên cạnh đó là do nhận thức xã hội và chưa có nền tảng để phát triển.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng cần tăng vai trò của thể chế phi ngân hàng, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển sản phẩm hưu trí tự nguyện, phát triển TTCK cả ở thị trường cơ sở và phái sinh, phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ, cũng như trái phiếu DN. Trong đó, cần xây dựng trung tâm giao dịch trái phiếu DN và đưa vào giao dịch ở thị trường trái phiếu bình thường để tăng tính thanh khoản cho thị trường trái phiếu DN.
Theo Phó Thủ tướng, điều quan trọng là cần có NĐT chuyên nghiệp, có tổ chức, không phân biệt là tư nhân hay quỹ đầu tư lớn. Cần thiết phải có hệ thống quản trị tốt, tăng cường giám sát đồng thời siết chặt lại thị trường theo hướng tạo điều kiện cho các NĐT tham gia thị trường một cách ổn định, có tổ chức và nâng cao hoạt động của thị trường.
Quá trình tái cấu trúc thị trường vốn tài chính cần gắn chặt với quá trình chuyển mình của nền kinh tế. Chính phủ cần tạo điều kiện cho thị trường phát triển rồi mới đặt vấn đề quản lý.
Cũng theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, thông điệp của Chính phủ là kiên trì, kiên quyết xây dựng TTCK lành mạnh, ổn định, sớm được công nhận là TTCK mới nổi vào năm 2020 để huy động hiệu quả các kênh vốn trung và dài hạn của quốc tế.
Hiện tại, Bộ Tài chính đang xây dựng đề án để thực hiện lộ trình trên. Chính phủ sẽ chỉ đạo và ban hành chiến lược về phát triển TTCK để có thể tái cơ cấu mạnh mẽ.