Nhiều câu hỏi đặt ra: Đến thời điểm này, có bao nhiêu con lợn bị nhiễm bệnh và bị tiêu hủy? Công tác dập dịch tả lợn Châu Phi tại các địa phương có thêm biện pháp mới không? Tại sao có những địa phương có tình trạng lợn chết bị vứt ra đồng ruộng, thả xuống ao hồ, mương nước, thậm chí vứt trôi sông… tại các địa phương như Hải Phòng, Bắc Giang?
Mang câu hỏi gửi Cục Thú y, PV chỉ được trả lời: “Đã có văn bản chỉ đạo”, “đã báo cáo”; “chúng tôi đang bận dập dịch”…
Hàng loạt lợn chết do dịch tả lợn Châu Phi khiến lực lượng thú y gần như “làm việc không xuể“. Ảnh: Minh Phúc |
Do lơ là, một số địa phương đã để người dân “tự xử” lợn bệnh, dẫn đến tình trạng: Lợn chết bị vứt đầy bờ ruộng, góc mương… gây ô nhiễm nghiêm trọng, khiến mầm bệnh càng có điều kiện phát tán xa hơn, rộng hơn, trầm trọng hơn.
Trưa ngày 12.5, nhận được thông tin phản ánh tại một số địa phương có tình trạng tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết chưa kịp thời, để người dân phải tự tiêu hủy, tiêu hủy không xuể, người dân chở lợn vứt ra sông, kênh mương…, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đã xuống kiểm tra thực địa tại huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang.
Người dân tự vận chuyển lợn chết do dịch tả lợn Châu Phi theo phương pháp thủ công: Chở bằng xe cút kít. Ảnh: MP |
Tại đây, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã tận mắt chứng kiến xác lợn chồng chất trôi dạt và tấp vào các góc của kênh mương. Ông Dương Thanh Tùng - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh đang gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch vì lực lượng cán bộ "mỏng".
Kiểm tra chỉ đạo thực tế công tác phòng, chống bệnh dịch tả Châu Phi tại tỉnh Bắc Giang, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến chỉ đạo, lợn chết xảy ra ở địa bàn nào, thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Lãnh đạo huyện Phú Bình, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và lãnh đạo tỉnh Bắc Giang phải ngồi lại với nhau bàn cách xử lý, phải huy động thêm lực lượng, thậm chí phải huy động công an vào cuộc điều tra, xử lý những trường hợp vứt xác lợn chết bừa bãi ra môi trường như vậy.
Người dân vứt lợn chết ra môi trường. Ảnh: PV |
Tại Bắc Ninh, theo ông Phạm Công Quyện – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Gia Bình, dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra trên diện rộng, lực lượng thú y bị cắt giảm, nên không đủ nhân lực để dập dịch. Ông Quyện cho biết, sẽ chấn chỉnh lại để đảm bảo công tác phòng, dập dịch, ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi hiệu quả hơn.