Gần 30 năm mới biết... mình là ai
Năm 1977, nhận được tin có 50 cán bộ của ta bị bắt, giam giữ và chuẩn bị đem bán ở bên Campuchia, chị Nguyễn Thị Lý - lúc ấy 16 tuổi được giao nhiệm vụ cùng đoàn lính tình nguyện, đội Thủy lợi giúp bạn 33A sang giải cứu. Cũng từ đây, cuộc đời chị rẽ sang một hướng khác mà phải gần 30 năm sau, chị mới tìm lại được chính mình, trả lời được cho câu hỏi: Mình là ai?
Giọng chị trầm buồn khi lần giở những trang ký ức: "Khi đi qua suối Cô - le, đoàn phải dùng dây dù để vượt suối. Sang đến bờ bên kia, điểm lại thấy thiếu 15 người, tôi phải lần theo dây quay ngược lại để tìm. Thế nhưng, khi sang đến nơi, tôi gặp một ông máu me bê bết vì dính mìn. Ông bảo tôi rằng cháu bị mai phục rồi, mau trốn đi. Tôi không thể sang suối vì sẽ làm lộ đoàn người bên kia đang đợi, mà chui vào bụi rậm thì dính mìn, chỉ còn nước đi theo đường mòn dù chắc chắn bị theo dõi.
Tôi đi đến một mỏm núi, nhìn xuống thấy có người của mình đang đi, tôi liền rút chốt lựu đạn ném về phía sau rồi lăn xuống chân núi, may mắn được cứu thoát. Họ hỏi tôi ở đâu, tôi phải nói là ở đội Thủy lợi 33A, hy vọng lúc tỉnh lại sẽ gặp được cán bộ chỉ huy. Không ngờ vết thương quá nặng, lại bị sốt rét, tôi được chuyển ra Hà Nội điều trị, sau đó được chuyển về Viện Quân y 110 cho bác sĩ Nhàn chữa mắt mà không có được giấy xuất ngũ". Cũng từ đó, chị Lý đã không còn nhớ gì về những ngày tháng vừa trải qua.
Tháng 8/1978, chị nhận được giấy gọi đi công nhân quốc phòng ở Lạng Sơn. Cuối năm đó, chị về Trung đoàn 264 Phòng không Không quân trên địa bàn huyện Lạng Giang. Đến cuối năm 1985 thì về Xí nghiệp điện công nghiệp Bắc Giang. Năm 1999, chị được UBND Thị xã Bắc Ninh cấp giấy phép cho mở Xí nghiệp Cổ phần Hải Nam chuyên xử lý rác thải làm chất hữu cơ vi sinh tổng hợp phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Cuộc sống của chị cùng chồng và ba đứa con sẽ yên bình trôi, nếu như năm 2001 mắt chị không tối sầm lại. "Tôi đi khám, phim chụp chỉ ra có một bọc 5cc ở hố sâu trong não và một bọc 4,7cc ở đáy mắt, nhưng bọc đó là gì, bác sĩ không tiết lộ. Ca mổ thành công nhưng sau đó tôi thường mơ thấy máu, thấy người chết, thấy bom đạn... Tôi đã nhận nuôi hơn 50 cháu là con thương binh liệt sĩ, hy vọng sẽ đỡ gặp ác mộng nhưng không khỏi. Năm 2005, tôi mới dần nhớ lại và biết mình thực sự là ai", chị kể.
Khi ấy, chị đã nghĩ đến việc làm hồ sơ để được hưởng chế độ. Thế nhưng, người ta hỏi giấy xuất ngũ, giấy nhập ngũ vì họ nghĩ chị bị bệnh hoang tưởng, chị không có gì để chứng minh. Vậy là, chị từ bỏ ý định.
Với chị Lý, những tấm ảnh chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những tấm Huân chương là "tài sản vô giá". |
Nỗi ám ảnh từ... cua
Ngót 40 năm đã trôi qua, nỗi đau chiến tranh đã lùi lại, những vết thương cũng kịp liền da nhưng có những ký ức chị bảo sẽ chẳng thể nào phai được. Đến mức, nó trở thành nỗi ám ảnh ghê người, như cái chuyện chị đã không thể nào ăn cua được nữa.
"Hồi ấy, bộ đội đói quá. Tôi ra suối mò bắt những con ốc vặn và cua đỏ về luộc lên cho các chú ăn. Hôm ấy, chẳng hiểu sao cua đỏ bò lên nhiều thế. Tôi bắt được đầy bao rồi vẫn cố bắt thêm. Nhưng khi thấy người, cua lại chui xuống. Tôi nhoài người ụp mặt xuống để bắt thì "bục". Đó là một xác chết lâu ngày dạt vào rễ cây đã bị phân hủy và biến dạng, lá phủ kín, bắn hết lên người, lên mặt.
Nhưng lúc đó, cũng vì mình trẻ con nên chẳng biết thối, chẳng biết sợ. Tôi về kể lại cho các chú, biết là cua trên xác người nhưng mọi người vẫn phải ăn vì đói. Các bác các chú bảo, xác đó dẫu là địch hay ta thì cũng là con người nên cần phải được chôn cất. Đến bây giờ, mỗi lần nhìn thấy cua, ký ức ấy lại gợi về. Nó quá ám ảnh đến nỗi tôi không thể ăn cua được", chị rùng mình nhớ lại.
Những chiếc máy khâu sẽ giúp chị Lý thực hiện ước nguyện lớn nhất cuộc đời. |
Thắng cược
Gặp chị, nghe chị kể, thật khó để khiến người ta tin những chuyện mà chị đã trải qua. Vậy nên, sự nghi ngờ của ông Phó Chủ tịch UBND TP Bắc Ninh hồi năm 2006 khi chị xin cấp phép mở lớp dạy nghề cho trẻ khuyết tật cũng dễ hiểu. "Ông ấy bảo tôi rằng nếu tôi xin được chữ ký của một viên tướng thì ông mới tin tôi là người có công, còn không thì tôi sẽ bị xử lý vì lộng ngôn, nói không đúng sự thực. Năm 2007, tôi vào Tây Nguyên tìm gặp lại đồng đội để xác thực danh tính của mình", chị kể.
Trong chuyến đi ấy, chị đã kết hợp tìm hài cốt đồng đội. Cũng chính vì phải đi lại như thế nên chị không thể lo cho hơn 50 trẻ khuyết tật, chị đành phải gửi sang công ty may của thương binh trong TP Bắc Ninh.
Trong tập hồ sơ lý lịch của chị hiện có nhiều bút tích của các đồng đội đã từng chiến đấu ở mặt trận Tây Nguyên. Trung tướng Nguyễn Văn Cử xác nhận: "Trong kháng chiến 1968, đồng chí Nguyễn Ngọc Liên là cán bộ điệp viên mật vụ của Cục Quân báo, Bộ Quốc phòng. Đồng chí Liên là người đào tạo và phụ trách cháu Lý tham gia hoạt động trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ là đúng". Trung tá Đinh Văn Thê, Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng cơ quan quân sự huyện Ia Grai - Gia Lai, con trai Thiếu tướng K'pă Thìn khẳng định: "Trong thời gian kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước bố tôi đã giúp đỡ chị Nguyễn Thị Lý hoạt động tình báo trên địa bàn tỉnh Gia Lai (1969 - 1975)".
Còn Đại tá Phạm Xuân Dư, trong lá thư gửi ra cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo việc tìm hài cốt liệt sĩ, đã viết: "Sau hơn 35 năm gặp lại, chúng cháu rất ngỡ ngàng vì tưởng rằng đồng chí Lý không còn... Đồng chí Lý đã cho Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai và chúng cháu biết được một số vị trí mà địch đã bí mật sát hại đồng chí đồng đội... Nhờ vậy, Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh và chúng tôi đã tìm và đưa gần 50 liệt sĩ sau hơn 35 năm nay mới về được nghĩa trang".
Hiện, chị Lý đã mua lại 9.000m2 đất để làm trung tâm nuôi dưỡng những người có công với cách mạng, đồng thời mở lớp dạy nghề may cho người khuyết tật. Chỉ vào những chiếc máy khâu đang đặt tại nhà, chờ trung tâm hoàn thiện, chị bảo đó là ước nguyện lớn nhất của mình lúc này để tri ân, chia sẻ với những đồng chí, đồng đội, những người đã từng đổ xương máu cho nền độc lập của dân tộc. Khi được hỏi về phần mình, chị có còn day dứt, băn khoăn gì nữa không, chị cười: "Tôi chẳng có gì ân hận nữa. Cuộc đời tôi, thôi thì thế cũng được rồi".
"Tôi chỉ thương cho nhiều đồng đội đã hy sinh nhưng mang tiếng là theo địch, vì ngày họ hy sinh, quân địch lấy được giấy tờ liên quan trước ta nên chúng rao trên loa rằng họ đã quy hàng. Chưa giải oan được cho anh em thì buồn lắm. Lại có những đồng đội của tôi khi về chẳng được chế độ gì hoặc chế độ rất thấp, đời sống rất khó khăn. Điều đó cũng làm tôi day dứt nên làm được gì cho anh em, như đứng ra làm chứng cho họ, tôi luôn sẵn sàng", chị Lý tâm sự.