Vào ngày 10/6 vừa qua, Trung Quốc đã hạ thủy tàu sân bay thứ ba mang tên Phúc Kiến. Đây thực sự là một thành tựu lớn, nhất là khi xét đến tình trạng của Trung Quốc cách đây 40 năm, khi họ vẫn “ngụp lặn” giữa sự đối đầu Đông-Tây.
Vậy Hải quân Trung Quốc đã xoay sở như thế nào, để đạt được bước đột phá này và những con tàu chiến được đóng tại Liên Xô, có vai trò gì trong chương trình tàu sân bay đầy tham vọng của Bắc Kinh?
Ảnh: Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay Phúc Kiến tại nhà máy đóng tàu Giang Nam, Thượng Hải hôm 17/6/2022. Nguồn Sina. |
Tham vọng sở hữu tàu sân bay của Bắc Kinh
Quân đội Trung Quốc từ lâu đã nhận thấy vai trò quan trọng của tàu sân bay, nhưng với tiềm lực và khả năng của Trung Quốc khi đó, họ chưa có thể biến ước mơ thành hiện thực.
Vào tháng 5/1982, Australia rút hàng không mẫu hạm cuối cùng của mình mang tên Melbourne ra khỏi lực lượng Hải quân. Australia đã tháo dỡ các thiết bị “nhạy cảm” khỏi con tàu và không cần xem xét, họ đã bán con tàu sân bay này cho Tập đoàn đóng tàu Thống nhất Trung Quốc, để làm sắt vụn.
Trung Quốc khá ngạc nhiên về số lượng thiết bị mà Australia chưa tháo dỡ trên con tàu. Năm 1985, tàu Melbourne được kéo về một cảng của Trung Quốc và nó chỉ được biến thành phế liệu vào năm 2002, tức là sau đó 17 năm.
Ảnh: Tàu sân bay HMAS Melbourne (R21) của Hải quân Australia năm 1967. Nguồn Hải quân Mỹ. |
Người Trung Quốc đã sao chép mọi thứ họ có thể từ con tàu Melbourne, như thang máy, máy phóng, rất nhiều thiết bị phụ trợ…. Những thứ không được coi là đặc biệt ở phương Tây, nhưng Trung Quốc lại không hề hay biết.
Những kinh nghiệm khi tiếp thu tháo dỡ những tàu sân bay cũ của Trung Quốc là rất lớn. Trung Quốc thậm chí đã cố gắng mua bản thiết kế con tàu từ Australia, nhưng bị từ chối.
Trong những năm 1990, Trung Quốc đã cố gắng mua tài liệu thiết kế cho các dự án tàu sân bay hạng nhẹ của Tây Ban Nha nhưng không thành công; Tây Ban Nha vào thời điểm đó đã đóng hai tàu sân bay nhỏ cho hải quân nước họ và cho Thái Lan.
Tây Ban Nha cũng có kinh nghiệm trong thiết kế các tàu chiến lớn hơn, và chính họ đã tư vấn cho các kỹ sư Trung Quốc, về một số vấn đề đóng tàu quân sự trọng tải lớn trong giai đoạn 1995-1996.
Vào năm 1995, Trung Quốc mua tàu tuần dương chở máy bay "Minsk" của Liên Xô, các kỹ sư Trung Quốc đã nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đưa nó trở thành phế liệu.
Năm 1996, Trung Quốc mua của Nga chiếc tàu tuần dương Kiev mang máy bay đầu tiên của Liên Xô, chiếc tàu này cũng được nghiên cứu; và vào năm 1997, Trung Quốc đã cố gắng mua chiếc tàu sân bay Clemenceau loại biên của Hải quân Pháp, nhưng phía Pháp không bán.
Việc mua được nhiều tàu sân bay cũ của cả Liên Xô và phương Tây, đã giúp các kỹ sư Trung Quốc thu thập được một lượng lớn thông tin về thiết kế tàu sân bay; điều mà ngay cả các kỹ sư Nga/Xô chưa bao giờ có được.
Ảnh: Tàu tuần dương Kiev của Hải quân Liên Xô, được Trung Quốc mua để nghiên cứu thiết kế. Nguồn Wikipedia |
Chiếc tàu sân bay đầu tiên - Liêu Ninh
Vào năm 2001, Trung Quốc “may mắn” mua được chiếc tàu sân bay đóng dở Varyag của Liên Xô, đặt ở nhà máy đóng tàu Nikolaev của Ukraine, đã hoàn thành 68%; với danh nghĩa ban đầu là làm sòng bạc nổi để phục vụ du lịch.
Nhưng “đống sắt vụn” Varyag và thậm chí cả mẫu tiêm kích hạm Su-33 đang ở trên lãnh thổ Ukraine, đã giúp ích rất nhiều cho phía Trung Quốc. Chỉ riêng khối lượng bản vẽ và tài liệu trên con tàu đã lên tới 40 tấn, người Trung Quốc khi đó đã chở chúng trên 8 chiếc xe tải.
Sau hơn một năm “trôi nổi” từ Địa Trung Hải vòng qua mũi Hảo Vọng, vào mùa xuân năm 2002, tàu Varyag dừng chân ở cảng Đại Liên của Trung Quốc và nằm ở đó một thời gian. Trong thời gian này, thì các dịch giả và kỹ sư Trung Quốc đang “chạy đua”, để xử lý 40 tấn bản vẽ và thông số kỹ thuật.
Ảnh: Tàu sân bay Varyag đang trên đường kéo từ Ukraine về Trung Quốc. Nguồn Sina |
Năm 2005, tàu Varyag được chuyển sang cảng cạn, chương trình tàu sân bay của Trung Quốc đã bắt đầu. Đây là một dự án lớn, Trung Quốc không chỉ cần khôi phục lại con tàu, mà còn phải phát triển cho nó một số hệ thống mà trước đây Trung Quốc chưa sản xuất và rất phức tạp.
Đơn giản như cáp hãm đà của máy bay khi hạ cánh, Trung Quốc cũng phải mất 3 năm; cùng với đó là khó khăn trong việc sao chép chiếc tiêm kích hạm Su-33 từ Ukraine, để tạo ra một tiêm kích hạm của riêng mình với tên gọi J-15.
Vào ngày 25/9/2012, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, được hoàn thiện từ con tàu Varyag đóng dở mua của Ukraine được hạ thủy và mang tên Liêu Ninh (tên một tỉnh của Trung Quốc).
Vào ngày 4/11/2012, chiếc tiêm kích hạm J-15 của Trung Quốc đã hạ cánh trên boong tĩnh, đánh dấu giai đoạn quan trọng hình thành năng lực chiến đấu của tàu sân bay. Ngày 25/11/2012, cuộc hạ cánh đầu tiên lên boong, khi tàu sân bay đang di chuyển thành công; như vậy lực lượng không quân hải quân của Trung Quốc đã trở thành hiện thực.
Tàu sân bay Liêu Ninh đã được sử dụng như một tàu huấn luyện, để không quân hải quân Trung Quốc xây dựng chiến thuật, huấn luyện phi công.
Người Trung Quốc cũng hiểu được cái giá mà người Mỹ đã phải trả, để có thể trở thành cường quốc tàu sân bay như hiện nay và Trung Quốc mới chập chững bước những bước đi đầu tiên.
Hai phi đoàn hoàn chỉnh đầu tiên của Hải quân PLA đã huấn luyện trên tàu Liêu Ninh. Con tàu này đã trở thành “trường học thực tiễn” để đào tạo kỹ sư, nhà thiết kế, phi công, thủy thủ, thợ đóng tàu, nhà lý luận quân sự.
Ảnh: Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Nguồn Sina |
Tàu sân bay thứ hai - Sơn Đông
Nếu chiếc tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh không phải được khởi đóng ở Trung Quốc, nhưng nó đã hoàn thành ở đó và người Trung Quốc quyết định tạo một bản sao của Liêu Ninh, nhưng bây giờ là của riêng họ.
Vào năm 2013, tại nhà máy đóng tàu tương tự ở Đại Liên, nơi tàu Varyag-Liêu Ninh trước đó đã được nghiên cứu và hoàn thiện, họ bắt đầu đóng chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, và vào năm 2015 họ đã hạ thủy nó với tên Sơn Đông, để vinh danh một tỉnh của Trung Quốc.
Việc đóng tàu được tiến hành với tốc độ theo đúng “thương hiệu” của người Trung Quốc, đó là “nhanh – rẻ”. Sau khi hoàn thành các cuộc thử nghiệm và vào ngày 17/12/2019, tàu Sơn Đông đã được đưa vào biên chế chiến đấu trong hải quân Trung Quốc.
Đến thời điểm này, nhờ có Liêu Ninh, người Trung Quốc đã có cả phi công và máy bay, đồng thời hiểu được tàu sân bay là gì, điều lệ tàu, nhân viên cho các đơn vị tàu và đơn vị con cũng như cơ sở hạ tầng ven biển.
Ảnh: Tiêm kích hạm J-15 cất cánh từ tàu sân bay Sơn Đông. Nguồn Sina |
Tàu sân bay Sơn Đông không thể coi là một bản sao của Liêu Ninh, con tàu có đài chỉ huy nhỏ hơn và mặt boong rộng hơn, giúp phi công hạ cánh dễ dàng hơn. Đồng thời nhà chứa máy bay đã được mở rộng, thang nâng máy bay công suất lớn hơn.
Trên tàu sân bay Sơn Đông đã xuất hiện máy bay tác chiến điện tử J-15D; việc một chiếc máy bay đặc chủng như vậy xuất hiện cho thấy, nhiệm vụ của tàu sân bay Trung Quốc, không chỉ là bảo vệ tàu khỏi các cuộc không kích, mà là tấn công các tàu chiến và mục tiêu trên đất liền của đối phương.
Quan trọng hơn là có nhiều cải tiến trên cả tàu Liêu Ninh và Sơn Đông, để tăng khả năng chứa máy bay theo đúng nghĩa là tàu sân bay, chứ không phải là một nồi “lẩu thập cẩm” như tàu sân bay của Liên Xô. Nếu tàu Liêu Ninh mang theo 24 máy bay và 12 trực thăng, thì tàu Sơn Đông đã nâng lên tới 32 máy bay và 12 trực thăng.
Đến thời điểm năm 2018, Trung Quốc là quốc gia sau Mỹ sở hữu hơn một tàu sân bay. Đồng thời, Trung Quốc có tiêm kích hạm, phi công và tàu hộ tống tàu sân bay.
Ảnh: Tiêm kích hạm J-15 cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh. Nguồn Sina |
Tàu sân bay thứ ba – Phúc Kiến
Nhưng tham vọng của Trung Quốc đã đi xa hơn nhiều. Trong khi các phi công và sĩ quan hải quân đang làm chủ tàu Sơn Đông, thì các máy phóng thử nghiệm đang được chế tạo trên mặt đất để phóng máy bay hoạt động trên tàu sân bay.
Bắc Kinh thậm chí còn đang phát triển phiên bản tiêm kích hạm tàng hình J-31 và hiện đại hóa chiếc J-15. Cả máy phóng và máy bay mới, đều được thiết kế cho tàu sân bay Phúc Kiến, được hạ thủy vào ngày 17/6/2022.
Tàu sân bay Phúc Kiến là một dự án thực sự đầy tham vọng, tàu có lượng choán nước 80.000-85.000 tấn, được trang bị máy phóng điện từ và động cơ điện.
Lần đầu tiên, một nhóm không quân chính thức sẽ xuất hiện trên tàu Phúc Kiến. Với máy bay chiến đấu, máy bay tấn công điện tử, trực thăng và máy bay cảnh báo sớm (AWACS) KJ-600 trên tàu sân bay.
Hiện số lượng máy bay trên tàu Phúc Kiến chưa rõ, nhưng chắc chắn sẽ nhiều hơn tàu Sơn Đông.
Ảnh: Lễ hạ thủy tàu sân bay Phúc Kiến tại nhà máy đóng tàu Giang Nam, Thượng Hải hôm 17/6/2022. Nguồn Sina. |
Tàu sân bay Phúc Kiến được khởi đóng vào năm 2015; với một thiết kế hoàn toàn mới, rõ ràng Trung Quốc đã làm chủ công nghệ đóng tàu sân bay. Tuy nhiên một số khó khăn đã nảy sinh trong quá trình tạo ra một con tàu lớn và phức tạp như vậy.
Tương lai chương trình tàu sân bay của Trung Quốc
Trước mắt chương trình tàu sân bay của Trung Quốc đó là hoàn thành tàu Phúc Kiến và hình thành năng lực chiến đấu của con tàu này.
Tiếp theo Bắc Kinh sẽ phát triển phiên bản tàu sân bay Type 004, với động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân; lượng giãn nước đầy tải tương đương với tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ (khoảng 97 nghìn tấn).
Ảnh: Tiêm kích hạm J-15 |
Đồng thời với đó là việc hoàn thiện tiêm kích hạm tàng hình J-31 và máy bay cảnh báo sớm KJ-600. Xây dựng các nhóm không quân và phát triển các tàu trong hạm đội.
Liệu mọi thứ có suôn sẻ với Bắc Kinh? Không hề, họ đã gặp rất nhiều vấn đề với J-15 và J-31 vẫn chưa giải quyết được. Tàu Liêu Ninh và Sơn Đông có rất nhiều tồn tại về thiết kế; thậm chí Liêu Ninh còn bị lệch trọng tâm khi mới hạ thủy.
Nhưng người Trung Quốc đã chứng minh bằng hành động rằng, họ có thể giải quyết những vấn đề như vậy. Với ngân sách quốc phòng khổng lồ, đó là bệ phóng đưa những cỗ máy này tiến lên.
Tại sao Trung Quốc, bốn mươi năm trước vốn không có gì cả, lại có được những dự án hoành tráng như vậy? Đó chính là tham vọng ra biển xa bằng bất cứ giá nào - đó là nguyên nhân sâu xa, dẫn đến thành công của chương trình tàu sân bay của Bắc Kinh.