Kế hoạch 2020 doanh giảm, lợi nhuận tăng nhẹ
Sáng 29/6, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã VCG) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2020.
Đại hội đồng cổ đông Vinaconex diễn ra sáng 29/6 |
Kết thúc năm 2019, Vinaconex ghi nhận 9.502 tỷ đồng doanh thu và 787 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 2,4% và tăng 23,5% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt gần 684 tỷ đồng. Tuy nhiên, HĐQT Vinaconex trình cổ đông phương án phân phối lợi nhuận năm 2019 với tỷ lệ cổ tức 6%, thấp hơn mức 12% như kế hoạch đề ra hồi đầu năm.
Báo cáo tài chính năm 2019 đã được kiểm toán cho thấy, khoản lợi nhuận 741 tỷ đồng (của công ty mẹ) và 811 tỷ đồng (hợp nhất) chủ yếu gồm thu nhập tài chính từ cổ tức và lãi cho vay (436 tỷ), thu nhập từ thanh lý các khoản đầu tư (70 tỷ), lãi đánh giá lại tài sản góp vốn (46 tỷ) và hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính, phải thu khó đòi và nghĩa vụ bảo hành (181 tỷ). Như vậy, lợi nhuận từ hoạt động xây lắp và các mảng kinh doanh khác của Tổng công ty chỉ đạt khoảng 73 tỷ đồng.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2020, đại hội trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu đạt 9.530 tỷ đồng, giảm 4% và lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến đạt 820 tỷ đồng, tăng 4% so với kết quả đạt được năm 2019. Trong đó, riêng việc thoái vốn tại Công ty VCP dự kiến đã thu về khoảng 718,13 tỷ đồng.
Vinaconex dự kiến phát hành hơn 66,2 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ phát hành 15%. Giá trị phát hành theo mệnh giá hơn 662 tỷ đồng. Giá chào bán được xác định là 15.000 đồng/cổ phần (tương đương 55% thị giá cổ phiếu VCG trên thị trường), tổng giá trị thu về dự kiến gần 994 tỷ đồng. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của Vinaconex sẽ được nâng lên gần 5.080 tỷ đồng.
Cũng tại Đại hội, Vinaconex trình cổ đông thông qua phương án chuyển niêm yết cổ phiếu VCG sang niêm yết trên Sở GDCK Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE).
Vinaconex cũng đề xuất phương án tái cấu trúc phần vốn tại Công ty An Khánh JVC với phương án 1 là đàm phán để chuyển nhượng toàn bộ phần vốn của Vinaconex tại An Khánh JVC cho thành viên góp vốn còn lại hoặc các nhà đầu tư khác có nhu cầu để Tổng công ty thu hồi vốn, đầu tư vào các dự án tiềm năng khác của Tổng công ty.
Phương án 2 là đàm phán mua lại toàn bộ phần vốn của thành viên góp vốn còn lại tại An Khánh JVC để Vinaconex chủ động điều hành và triển khai dự án.
Dòng tiền âm nhưng minh bạch, nếu thấy không chính xác có thể khiếu nại
Phần hỏi đáp, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex là người duy nhất đại diện Ban chủ toạ trả lời các câu hỏi được cổ đông đặt ra.
Ông Thanh cho biết, Ban chủ toạ nhận được 8 câu hỏi, ít so với năm ngoái, trong khi ông mong muốn nhận được nhiều ý kiến với những ý kiến đóng góp như, nên làm thế nào để kiếm được nhiều tiền hơn… còn các câu hỏi này “chưa được thấu đáo lắm”.
Về ý kiến cho rằng Vinaconex đang muốn đầu tư vậy tại sao bán vốn ở công ty thuỷ điện, theo ông Thanh, năm 2020 Vinaconex chuyển nhượng 28% cổ phần nắm giữ ở CTCP Phát triển thuỷ điện Cửa Đạt, Vinaconex chỉ nắm cổ phần với mức thấp, lợi nhuận không xứng đáng với đầu tư cũng như tầm cỡ của Vinaconex, vì Vinaconex chỉ đi theo.
“Chúng ta có thể dùng tiền này để đầu tư vào những dự án khác hiệu quả hơn. Quyết định này đã được thông qua bởi Hội đồng quản trị. Chúng ta cũng có thể mua lại các dự án thuỷ điện nếu thấy hiệu quả, việc đầu tư năng lượng đặc biệt năng lượng sạch”, ông Thanh nói.
Vấn đề dòng tiền âm 1.500 tỷ đồng, theo ông Thanh đây là vấn đề đúng nếu nhìn trên báo cáo tài chính, dòng vốn thể hiện trên con số, con số này đã được báo cáo tài chính báo cáo một cách đầy đủ, chính xác. Việc này cũng không thể nào vượt qua những cơ quan tài chính đặc biệt các công ty kiểm toán. “Điều này cho thấy tính hợp lý của báo cáo, hoàn toàn chính xác. Nếu ai thấy kiểm toán không chính xác các con số có thể khiếu nại”, ông Thanh nói.
“Tại sao tiền nợ tăng, dòng tiền âm… đã gọi là “dòng” tức là có thời gian để trở lại, hoàn vốn, Vinaconex có điểm thuận lợi đây là tổng công ty có lượng vốn để đảm bảo kinh doanh tốt. Có thời gian Vinconex còn cho vay, lợi nhuận đầu tư tài chính còn tốt hơn. Năm 2019 chúng ta thực hiện các dự án đầu tư chưa thể hiện trong báo cáo tài chính 2019 như dự án tại Phú Yên, các dự án ở Móng Cái, Quảng Ninh… Âm nhưng hoàn toàn minh bạch”, ông Thanh nói tiếp.
Về vấn đề tăng vốn điều lệ, ông Thanh cho biết, Vinaconex đang có tiền nhưng vẫn chưa thấm tháp gì. Vấn đề tăng vốn cũng giải quyết vấn đề thương hiệu, doanh nghiệp vốn bé có thể “bị đuổi ngay khi vào cửa” tại các cuộc đấu thầu các dự án như cao tốc Bắc - Nam.
“Một đống tiền đang nằm tại dự án An Khánh”
Vấn đề tài cấu trúc An Khánh JVC, theo ông Thanh, dự án này 50/50, một đống tiền đang nằm ở đây mà không thu được trong khi đó lãi vay tăng, các cổ đông của An Khánh phải chịu tức là Vinaconex phải chịu 1 nửa.
“Sự không nhất trí khéo dài không có lợi nên HĐQT đề ra phương án chuyển nhượng cổ phần cho Phú Long, nếu Phú Long không đồng ý, chuyển nhượng cho người khác để người khác làm với Phú Long. Phương án nữa là sẵn sàng mua lại nếu Phú Long bán, vấn đề giá cả như nào hợp lý, vấn đề có thích hay không thích. Tôi muốn kết thúc chuyện này trong năm 2020”, ông Thanh nói.
Về vấn đề bảo vệ quyền lợi các cổ đông lớn Cường Vũ và Star Invest, ông Thanh cho biết, dù là cổ đông lớn hay nhỏ Vinaconex đều đảm bảo quyền lợi.
Trước đó, ngày 26/4/2020, Cường Vũ và Star Invest có văn bản yêu cầu BKS kiểm tra từng vấn đề liên quan đến quản trị và điều hành của Tổng công ty trong năm 2019. Theo quy định tại khoản 6 Điều 165 Luật Doanh nghiệp 2014 và khoản 7 Điều 8 Quy chế hoạt động của Ban hiểm soát thì Ban kiểm soát thực hiện kiểm tra trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày kết thúc kiểm tra, BKS phải báo cáo giải trình về những vấn đề được yêu cầu kiểm tra đến HĐQT và cổ đông hoặc nhóm cổ đông có yêu cầu.
Tuy nhiên do không được phát biểu tại hội trường nên 2 cổ đông lớn là Cường Vũ và Star Invest sở hữu 28,85% cổ phần Vinaconex đã có văn bản ngày 29/6 cho biết, BKS vẫn chưa thực hiện việc kiểm tra và phản hồi theo yêu cầu của Cường Vũ và Star Invest.
Đại diện cổ đông lớn Cường Vũ, Star Invest trao đổi với phóng viên bên lề ĐHĐCĐ 2019 |
Cũng theo nhóm cổ đông này, mọi ý kiến góp ý, kiến nghị hay phản đối của nhóm cổ đông đều bị HĐQT và BKS bác bỏ. Các thành viên HĐQT và thành viên BKS đại diện các cổ đông lớn Cường Vũ/Star Invest cũng không được cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin về tình hình hoạt động của Tổng công ty, đặc biệt là báo cáo về dòng tiền hàng tháng như trước đây để tham gia ý kiến và thực hiện giám sát hoạt động quản trị, điều hành của Tổng công ty.
Liên quan đến dự án An Khánh, nhóm cổ đông cũng cho biết, thỏa thuận tài trợ vốn giữa Phú Long và Anh Khánh JVC thì Phú Long là bên được quyền ưu tiên nhận chuyển nhượng phần vốn góp của Tổng công ty trong mọi trường hợp. Việc chuyển nhượng phần vốn góp của Tổng công ty cho nhà đầu tư khác khi không có sự đồng ý của Phú Long là trái pháp luật và sẽ bị vô hiệu.
Về vấn đề mua lại dự án như ông Thanh nói, Phú Long không có nhu cầu bán phần vốn của họ trong An Khánh JVC.
Ngoài ra, tại văn bản này nhóm cổ đông cũng yêu cầu HĐQT và Ban điều hành giải trình các vấn đề như lợi nhuận mảng kinh doanh cốt lõi đạt thấp; làm rõ chỉ tiêu lợi nhuận từ mảng xây lắp và các mảng kinh doanh khác trong cơ cấu lợi nhuận do riêng việc thoái vốn tại Công ty VCP dự kiến đã thu về khoảng 718,13 tỷ đồng; việc sử dụng tiền vay ngân hàng và bán các tài sản đang sinh lời để tài trợ cho các khoản rủi ro cao là Trả trước cho người bán và Phải thu khác; khoản đầu tư mua trái phiếu chuyển đổi của VCR…
Sau khi ông Đào Ngọc Thanh kết thúc phần trả lời câu hỏi bằng văn bản của cổ đông, phía dưới có cổ đông giơ tay nêu ý kiến, vị này cho biết ông Thanh chưa trả lời hết câu hỏi. Đáp lại ông Thanh nói: “Các quyền lợi của Cường Vũ và Star Invest đều được đảm bảo, nếu thấy rằng chưa thoả mãn, ngay trong cuộc họp BKS tiếp tục làm việc với Cường Vũ và Star Invest về vấn đề này. Nếu thấy rằng việc yêu cầu của Cường Vũ và Star Invest chưa đủ, có thể yêu cầu cơ quan pháp lý làm việc. Tôi thực hiện đầy đủ quyền lợi của Cường Vũ và Star Invest, tôi không muốn tranh luận về việc đủ hay không đủ tại hội trường”.