Cháy rừng taiga ở Siberi (Nga). |
Mấy ngày trước đây, Tổ chức Giám sát khí quyển của Liên minh Châu Âu cảnh báo, các đám cháy rừng tại Bắc Cực đang hoạt động trở lại do khí hậu khô và ấm bất thường, nhiều đám cháy ngầm có thể bùng lên.
Tháng 6 năm ngoái, hơn 100 vụ cháy dữ dội xảy ra trên những cánh rừng taiga, theo đánh giá của Tổ chức Khí tượng Thế giới là vụ hỏa hoạn chưa từng có trong lịch sử, khiến vùng Siberia tăng đến 10 độ C so với mức nhiệt trung bình. Tháng 7/2019, tại Alaska, 400 vụ cháy rừng bùng phát, nhiệt độ ở vùng đất cận cực này có lúc lên đến 32,2 độ C - nóng nhất trong 150 năm qua.
Tôi bàng hoàng khi đọc những tin tức như vậy. Đối với tôi, Bắc cực là biểu tượng của thiên nhiên hoang sơ, nơi những gì thuộc về tạo hóa được giữ gìn nguyên vẹn, lâu bền nhất do cách xa con người. Thế nhưng những đám cháy ngày một dữ dội này cho thấy, loài người chúng ta đã vươn bàn tay phá hoại của mình đến mọi ngõ ngách trên Trái đất.
Thực ra, cháy rừng không phải chuyện hiếm ở Bắc cực do sét đánh bắt lửa, do khí methan bị "giam giữ" trong nhiều khối băng. Tuy nhiên sự cân bằng của thiên nhiên đủ bù đắp những mất mát đó, rừng có cháy thì cũng có hồi sinh. Điều đáng nói là những năm gần đây, tình trạng cháy rừng ở Bắc Cực ngày càng nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu, không khí ngày càng nóng và khô. Và đã đến lúc mẹ thiên nhiên không còn đủ sức đắp vá những tổn thương quá nặng do loài người gây ra nữa.
Bắc cực bốc cháy, các nhà khoa học cho biết nguy cơ hủy diệt hệ sinh thái trên quy mô khổng lồ đang đến rất gần. Nhiều người coi thường cảnh báo đó bởi chúng ta đang sống yên ổn ở nơi rất xa. Nhưng chẳng phải nơi xa nhất là Bắc cực cũng đang bị hủy hoại đó sao? Một cái đập cánh của con bướm ở Brazil có thể dẫn đến cơn lốc ở Texas, cách nó hàng chục nghìn kilomet. Trong khi đó, những điều mỗi người chúng ta đang làm với thiên nhiên, với môi trường ngay tại nơi mình sống còn mạnh hơn gấp triệu lần cú đập cánh của bướm. Và “chúng ta” bao gồm gần 8 tỷ người.
Nhiều người trong chúng ta vẫn tự dối lòng rằng, ừ thì Trái đất đang dần dần trở thành nơi không ở được nữa, có điều chắc thế hệ mình có thể đi qua trót lọt. Nhưng tình trạng cháy rừng ở vùng cực đang cung cấp thêm một lời cảnh báo rằng chưa chắc đã như vậy. Những biến đổi, gãy đổ, mục nát nho nhỏ sẽ tích tụ ngấm ngầm không ai nhìn thấy, đến khoảnh khắc nào đó bỗng bung ra với sức mạnh hủy diệt, như một tòa nhà đang bề thế nguy nga bỗng dưng sập xuống, vùi lấp mọi người bên trong.
Bạn có tin không, một khi Bắc cực cũng ngùn ngụt cháy, thảm họa diệt vong của loài người, sự kiện vẫn được gọi là ngày tận thế, đã ở rất gần rồi? Đến Bắc Cực còn cháy rừng liên miên thì liệu các khu vực nhiệt đới sẽ chịu được bao lâu? Khi ngay cả lãnh nguyên cũng bốc lửa, liệu những vùng đất khác còn trụ lại được bao lâu trước tốc độ biến đổi khí hậu đang nhanh đến tàn khốc này?
Có lẽ chẳng còn cách nào khác ngoài việc mỗi người chúng ta thay đổi hành vi, như những chú bướm cùng đập cánh ngược với chiều hướng phá hủy hiện tại, để từng chút một đẩy lùi ngày tận thế.