Ngày 3/1, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm. Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu, công tác quản lý an toàn thực phẩm phải được tiếp cận liên ngành, từ sớm từ xa; đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, người tiêu dùng thông thái.
Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an. |
Trong thời gian tới, ban chỉ đạo tiếp tục rà soát, tổng kết việc thực hiện Luật An toàn thực phẩm năm 2010, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình hành động về an toàn thực phẩm; cập nhật thực tiễn, phương pháp, mô hình quản lý an toàn thực phẩm hiện đại, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường điều kiện, nguồn lực thực thi về bộ máy tổ chức, phương tiện kỹ thuật.
Đổi mới phương thức, hình thức truyền thông đa dạng, thường xuyên. Các bộ, ngành tăng cường quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị, phát huy tinh thần tự chịu trách nhiệm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân đăng ký công bố chất lượng sản phẩm.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh nguy cơ mất an toàn thực phẩm đang diễn biến phức tạp, kiến nghị phải khắc phục tình trạng phân công trách nhiệm chưa rõ ràng trong quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương, nhất là cấp xã, phường.
Ngay tại thời điểm bắt đầu các lễ hội lớn, cần tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm. Đặc biệt, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc đề xuất xây dựng ngay cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, làm cơ sở để xử lý hình sự đối với các trường hợp tái phạm…
Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cũng kiến nghị cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, xây dựng bản đồ về an toàn thực phẩm liên thông trên toàn quốc, có sự tham gia, phản ánh trực tiếp của người dân kết hợp với cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm an toàn thực phẩm.
Trong khi đó, một số thành viên Ban Chỉ đạo nhấn mạnh phải chú trọng nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm, nhất là việc nhận biết, ứng xử đối với những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không an toàn.
Năm 2023, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm tiếp tục được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai theo hướng tập trung vào những vụ việc cụ thể, hạn chế dàn trải. Toàn ngành Y tế kiểm tra hơn 382 nghìn cơ sở, phát hiện 34,5 nghìn cơ sở vi phạm.
Trong đó, hơn 12 nghìn cơ sở bị phạt khoảng 44,4 tỷ đồng. Ngành Nông nghiệp thanh tra hơn 19,3 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản, xử phạt hành chính hơn 1,6 nghìn cơ sở với hơn 14,4 tỷ đồng. Ngành Công thương kiểm tra hơn 8,3 nghìn vụ, xử lý hơn 6,77 nghìn vụ việc vi phạm, xử phạt 36,3 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu 31,6 tỷ đồng.
Lực lượng cảnh sát môi trường phát hiện, đấu tranh, xử lý hơn 7,1 nghìn vụ với hơn 7 nghìn đối tượng vi phạm, tổng số tiền phạt là hơn 31 tỷ đồng. Toàn quốc ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 2,1 nghìn người ngộ độc và 28 trường hợp tử vong, đáng chú ý đã xuất hiện ngộ độc do clostridium botulinum.
>>> Xem thêm video: Phát hiện 1 tấn thực phẩm bẩn chuẩn bị đưa vào khu công nghiệp