“Tất cả những ai mất bằng lái xe thì phải thi lại toàn bộ để tránh tình trạng viện đủ lý do để xin đổi bằng” - Đó là đề xuất được Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyên Văn Thể cho biết tại phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt sáng 6/3 do Uỷ ban Tư pháp tổ chức.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nói rằng: "Chúng tôi cũng đang đề xuất theo hướng tất cả những ai mất bằng lái xe thì phải thi lại toàn bộ để tránh tình trạng viện đủ lý do để xin đổi bằng. Thực tế công tác quản lý còn hạn chế nên có những trường hợp vi phạm đã lợi dụng để có thêm bằng lái thứ 2, thứ 3".
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể. |
Tuy nhiên, đề xuất tất cả những ai mất bằng lái xe thì phải thi lại toàn bộ của Bộ trưởng Thể đang vấp phải sự phản ứng của người dân cũng như dư luận cả nước.
Trao đổi với PV Kiến Thức, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên cho biết, đề xuất tất cả những ai mất bằng lái xe thì phải thi lại toàn bộ của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể là không hợp lý và không đúng pháp luật.
“Việc cấp lại bằng lái xe và một số giấy tờ như chứng minh thư, giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm...được quy định rất cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước. Người dân và cơ quan nhà nước phải tuân thủ theo các quy định đó. Trường hợp có những đề xuất mới phải đưa ra các cấp có thẩm quyền như Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Quốc hội... và phải được lấy ý kiến rộng rãi”, ông Bùi Danh Liên cho biết.
Theo ông Bùi Danh Liên, có nhiều trường hợp không có bằng lái xe như trường hợp lái xe do vi phạm bị cơ quan chức năng tạm giữ, tịch thu giấy phép lái xe; người có bằng lái xe bị mất thật sự như đánh rơi, bị móc túi; thậm chí có trường hợp người dân muốn cấp bằng lái xe thứ 2 và trường hợp thứ 4 là bằng lái xe quốc tế của người nước ngoài bị mất.
“Tôi ủng hộ là khi cấp lại bằng lái xe cho những người gây ra tai nạn, làm trái quy định của Luật An toàn giao thông đường bộ thì phải học lại toàn bộ Luật. Bởi dù họ đã học rồi nhưng họ vẫn cố tình làm trái luật nên phải áp dụng hình thức như vậy. Tuy nhiên, không thể áp dụng chung cho các trường hợp người dân đánh mất bằng lái xe phải học lại, thi lại hoàn toàn do rất tốn kém, lãng phí cho cơ quan nhà nước và chính người dân. Bởi trong những người mất bằng lái có nhiều người đã học luật, am hiểu và rất ý thức khi tham gia giao thông nên không cần phải gây tốn kém cho họ. Cái gì làm được cho người dân đỡ khổ thì phải cố gắng làm cho dân.”, ông Bùi Danh Liên nêu ý kiến.