Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất (đơn vị đang quản lý công viên Thống Nhất và nhiều công viên trên địa bàn Hà Nội) cho biết, hiện phương án cải tạo, nâng cấp công viên Thống Nhất theo mức độ 1 đang được UBND thành phố giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư công trình văn hóa - xã hội thành phố Hà Nội lên phương án triển khai, trình thành phố phê duyệt.
Công viên Thống Nhất. |
KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội đề nghị, ngoài là không gian xanh với 47 ha, trong đó có 32 ha là hồ nước, công viên Thống Nhất còn là di sản văn hóa, lịch sử được hình thành từ năm 1960 chứng kiến và khắc ghi nhiều dấu mốc quan trọng của Hà Nội, do vậy công viên không là sở hữu của riêng tổ chức, đơn vị nào. “Trong hơn 10 năm qua, riêng công viên Thống Nhất đã 4 lần điều chỉnh quy hoạch, quản lý nhưng vẫn duy trì hàng rào như ngăn cách với cuộc sống bên ngoài. Lần điều chỉnh gần đây nhất là chỉ bỏ thu phí người dân vào tập thể dục sáng, chiều; người ở xa và du khách muốn vào công viên để đi dạo, ngắm cảnh vẫn phải mua vé. Đây là cách quản lý không còn phù hợp”, KTS Đào Ngọc Nghiêm đánh giá.
Theo ông Nghiêm, cần phải thay tư duy về công viên, vườn hoa tại Hà Nội. Với công viên Thống Nhất nói riêng và hệ thống công viên trên địa bàn Hà Nội cần xem hàng rào chỉ là ranh giới để giới hạn không gian xanh với hạ tầng đô thị; đây không phải là ranh giới để ngăn cản người dân vào công viên. Đa số các nước trên thế giới đã bỏ việc thu phí vào công viên.
UBND thành phố Hà Nội cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có 63 công viên, vườn hoa. Sau khi các đơn vị được giao nhiệm vụ rà soát, có 45 công viên, vườn hoa (khoảng 70%) cần cải tạo, nâng cấp, sửa chữa cho phù hợp với thực tế, nhu cầu sử dụng của người dân. Trong số này có 13 công viên và 32 vườn hoa.
Để cải tạo, nâng cấp số lượng các công viên, vườn hoa này, đại diện UBND thành phố Hà Nội chia làm 2 cấp độ: 1 và 2. Đối với công viên, vườn hoa cần cải tạo, nâng cấp mức độ 1 có 3 công viên và 10 vườn hoa. Trong đó, 3 công viên Bách Thảo, Thủ Lệ, Thống Nhất sẽ ưu tiên thực hiện cải tạo, nâng cấp đồng bộ các khu vực chính và khu vực xuống cấp, tạo điểm nhấn kiến trúc cảnh quan theo quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 được duyệt.