Sáng nay (30/7), sau 1 tuần làm việc căng thẳng, phiên tòa xét xử Trầm Bê – Phạm Công Danh và 44 đồng phạm trong đại án Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) giai đoạn 2 bước vào phần luận tội. Các bị cáo Phạm Công Danh, Trầm Bê và một số bị cáo được ngồi vì lý do sức khỏe.
Tại Tòa, VKSND cho rằng, hình vi của Phạm Công Danh và các đồng phạm gây nguy hiểm cho xã hội nên đề nghị HĐXX tuyên phạt Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) 20 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp với bản án cũ là 30 năm tù.
Trầm Bê (ngồi ngoài cùng bên phải) cùng các bị cáo đồng phạm tại Tòa sáng nay. |
Trong khi đó, ông Trầm Bê - nguyên Phó chủ tịch thường trực HĐQT, Chủ tịch HĐTD Sacombank bị đề nghị 4-5 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Các bị cáo còn lại gồm:
- Phan Thành Mai - nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng xây dựng bị đề nghị 12-14 năm tù cùng về tội danh trên. Tổng hợp bản án phúc thẩm là 30 năm tù.
- Mai Hữu Khương - nguyên Thành viên HĐQT, nguyên Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn bị đề nghị 10-12 năm tù, tổng hợp bản án cũ là 30 năm tù.
- Hoàng Đình Quyết - nguyên Phó giám đốc phụ trách VNCB chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB chi nhánh Lam Giang bị đề nghị 2-3 năm tù, tổng hợp bản án cũ là 21-22 năm.
- Nguyễn Quốc Viễn - Trưởng ban kiểm soát VNCB bị đề nghị 5-6 năm tù, tổng hợp bản án cũ là 14-15 năm.
- Phan Minh Tùng - Kế toán hành chính Tập đoàn Thiên Thanh bị đề nghị 4-5năm tù, tổng hợp bản án cũ là 11-12 năm.
- Phan Huy Khang - nguyên Tổng giám đốc Sacombank bị đề nghị 3-4 năm tù.
- Nguyễn Việt Hà - Tổng giám đốc Công ty quản lý Quỹ Lộc Việt bị đề nghị 6-7 năm tù.
Bên cạnh đó, 36 bị cáo khác được Danh nhờ làm giám đốc các công ty “ma” và giám đốc, phó giám đốc các ngân hàng chỉ bị đề nghị án từ 2-5 năm tù và cho hưởng án treo.
Đại diện VKS cho rằng thời gian qua nhiều vụ án về ngân hàng gây thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ trong nước. Nhằm răn đe và phòng ngừa tội phạm, cần phải xử lý nghiêm tội phạm này để củng cố lòng tin của người dân, doanh nghiệp với hoạt động của ngân hàng.