Đề nghị mức án cao cho các bị cáo sai phạm đất ở Đồng Tâm
(Kiến Thức) - Sau khi cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, đại diện VKS đề nghị mức phạt đối với từng bị cáo. Cựu cán bộ địa chính xã Đồng Tâm chịu nặng nhất.
Ngày 9/8, TAND huyện Mỹ Đức (TP Hà Nội) tiếp tục ngày thứ hai xét xử sơ thẩm 14 cựu cán bộ xã Đồng Tâm và huyện Mỹ Đức trong vụ sai phạm đất đai ở Đồng Tâm, với hai tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
|
Các bị cáo trong phiên tòa sai phạm đất đai ở Đồng Tâm. Trong đó, bị cáo Nguyễn Xuân Trường (áo trắng, đứng cạnh bị cáo Nguyễn Tiến Triển - áo ghi từ phải sang trái) đã được đề nghị bản án nghiêm khắc. |
Phần tranh luận tại phiên tòa, căn cứ vào các tài liệu chứng cứ, đủ cơ sở kết luận sai phạm nên đại diện VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố như cáo trạng đã công bố. Hơn nữa, VKS cho rằng, các bị cáo thừa nhận sai phạm, một bị cáo chỉ nhận một phần lỗi sai của mình. Các bị cáo phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp, lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để vi phạm pháp luật, giao đất trái thẩm quyền để vụ lợi, gây ảnh hưởng xấu.
Đại diện VKS khẳng định, trong vụ án, phải có bản án nghiêm khắc đối với bị cáo Nguyễn Xuân Trường (58 tuổi, nguyên cán bộ địa chính xã Đồng Tâm), vì trong quá trình làm việc tại xã Đồng Tâm, bị cáo đã bất chấp pháp luật, tư vấn cho ba đời chủ tịch làm sai nhiều hồ sơ đất đai, lấy đất của xã chia cho các cán bộ xã Đồng Tâm. Tuy nhiên, bị cáo Trường cho rằng, toàn bộ những thứ đưa lên đều có nghị quyết nên bản thân bị cáo mới triển khai thực hiện.
|
Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ, đủ cơ sở kết luận sai phạm nên đại diện VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố như cáo trạng đã công bố. |
Trong khi đó, các cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai của huyện Mỹ Đức và phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mỹ Đức đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định, thẩm tra nguồn gốc đất, dẫn đến việc ký xác nhận không có căn cứ gây hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên, các bị cáo đã khai nhận thành khẩn về những hành vi vi phạm, nhận thức được sự hiểu biết bản thân còn hạn chế, nhưng đã có công sức đóng góp xây dựng địa phương phát triển, hơn nữa lại là vi phạm lần đầu, nhiều bị cáo là con em có công nên sau khi cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của từng bị cáo, đại diện VKS đề nghị mức phạt với các bị cáo như sau:
Nguyễn Văn Sơn (SN 1958, nguyên Chủ tịch xã Đồng Tâm): 30-36 tháng tù; Lê Đình Thuần (SN 1956, nguyên Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm): 48-60 tháng tù; Nguyễn Xuân Trường (SN 1959, nguyên cán bộ địa chính xã Đồng Tâm): 7-8 năm tù; Nguyễn Tiến Triển (SN 1954, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm): 36-42 tháng tù; Nguyễn Văn Bột (SN 1955, nguyên Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm): 18-24 tháng tù treo; Nguyễn Văn Đức (SN 1965, nguyên Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm): 24-30 tháng tù; Bùi Văn Dũng (SN 1958, nguyên Trưởng ban tài chính xã Đồng Tâm): 24-30 tháng tù; Bùi Văn Hồng (SN 1958, nguyên xã đội trưởng): 24-30 tháng tù; Nguyễn Văn Minh (SN 1960, nguyên Trưởng Công an xã Đồng Tâm): 18-24 tháng tù; Nguyễn Văn Khang (SN 1965, nguyên kế toán ngân sách xã Đồng Tâm): 18-24 tháng tù; Phạm Hữu Sách (SN 1965, nguyên Trưởng phòng TN&MT huyện Mỹ Đức): 30-36 tháng tù; Đinh Văn Dũng (SN 1959, nguyên Giám đốc văn phòng đăng ký đất đai huyện: 36-42 tháng tù; Bạch Văn Đông (SN 1974, nguyên Phó giám đốc văn phòng đăng ký đất đai huyện): 36-42 tháng tù; Trần Trung Tấn (SN 1975, cán bộ văn phòng đăng ký đất đai huyện): 24-30 tháng tù treo.
Theo cáo trạng truy tố, từ năm 2002 - 2013, do buông lỏng công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai tại địa bàn xã Đồng Tâm, các bị can Nguyễn Văn Bột, Nguyễn Văn Sơn và Lê Đình Thuần đều nguyên Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm; Nguyễn Xuân Trường - nguyên cán bộ địa chính xã cùng Nguyễn Tiến Triển - nguyên bí thư Đảng ủy xã và một số cán bộ nguyên là chủ chốt của xã vì động cơ vụ lợi đã thực hiện việc cấp giao đất trái thẩm quyền, hợp thức đất lấn chiếm cho một số hộ dân trái quy định.
Trong đó, Nguyễn Văn Sơn đã giao đất trái thẩm quyền, sai đối tượng cho 29 hộ dân với tổng diện tích 2.638m2 và thu số tiền vụ lợi hơn 1,5 tỷ đồng.
Đối với bị can Lê Đình Thuần, năm 2008 bị can này đã trực tiếp ký Biên bản hội nghị thống nhất cấp quyền sử dụng đất giãn dân được hợp thức vào ngày 10/12/2002. Trên bản đồ đất thổ cư năm 2003 đứng tên Lê Đình Toản và đến năm 2009 đứng tên vợ là Nguyễn Thị Thúy với diện tích 100m2.
Ngoài ra, bị can này còn lập hồ sơ ký xác nhận hợp thức cho 12 hộ dân đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mặc dù đất có nguồn gốc là đất nông nghiệp thuê thầu, đất lấn chiếm, đất giao trái thẩm quyền, sai đối tượng vào khoảng năm 2002 - 2003 nhưng bị can Thuần vẫn ký xác nhận hồ sơ có nguồn gốc đất sử dụng hợp pháp trước ngày 15/10/1993 với tổng diện tích 1.844m2. rồi đề nghị UBND huyện Mỹ Đức ra quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái quy định.
Nguyễn Xuân Trường, được xác định đã cùng bị can Bột và Sơn cấp, bán đất và giao đất trái thẩm quyền cho 9 hộ với tổng diện tích hơn 1.652m2 rồi thu số tiền vụ lợi 21 triệu đồng. Bị can Trường còn bị cáo buộc đã cấp giao đất cho 11 hộ không đúng đối tượng với tổng diện tích 1.285m2; giao đất sai đối tượng cho 29 hộ dân với tổng diện tích 2.638m2 thu số tiền vụ lợi hơn 1,5 tỷ đồng; hợp thức đất lấn chiếm cho 2 hộ dân với tổng diện tích 552m2.
Đối với bị can Nguyễn Tiến Triển, bị cáo buộc đã đồng ý với chủ trương của UBND xã về việc chia đất cho 10 cán bộ UBND xã trái quy định với tổng diện tích 1.208m2. Bị can Triển còn bị quy kết đã đồng ý chủ trương và kế hoạch của UBND xã trong việc tổ chức cho các hộ dân đấu thầu đất theo Quyết định 883 ngày 31/12/2003 của UBND huyện Mỹ Đức dẫn đến 29 hộ trúng thầu sai đối tượng và thu số tiền vụ lợi cho xã hơn 1,5 tỷ đồng.
Mỗi cán bộ nói trên mỗi người được hưởng lợi hai suất đất với tổng diện tích từ hơn 260 - 334m2 mà không phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định.
Đối với các bị can nguyên cán bộ văn phòng đăng ký đất đai và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mỹ Đức, bị cáo buộc không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định, thẩm tra nguồn gốc đất dẫn đến việc ký nhận không có cơ sở. Trong đó, các bị cáo Đinh Văn Dũng gây thiệt hại số tiền gần 660 triệu đồng, bị cáo Trần Trung Tấn gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng, bị cáo Bạch Văn Đông gây thiệt hại hơn 584 triệu đồng và Phạm Hữu Sách gây thiệt hại hơn 1,2 tỷ đồng.