Ngày 23-12, ông Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, cho biết sẽ báo cáo Bộ Y tế về các trường hợp học sinh tại huyện Krông Bông có biểu hiện bất thường như "lên đồng" .
Ngành y tế Đắk Lắk kiểm tra sức khỏe của các em bị bệnh lạ |
Theo ông Long, đoàn công tác của sở ghi nhận 6 học sinh nữ có biểu hiện rối loạn phân ly tập thể giống các cháu ở Bắc Kạn. Tuy nhiên, để chắc chắn, thì Bộ Y tế phải làm rõ.
Còn theo ông Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (Sở Y tế Đắk Lắk), cho biết 6 nữ học sinh tiểu học đều người dân tộc H’Mông. Các cháu phát bệnh từ 8-12 với các triệu chứng mất ngủ, hay nói lảm nhảm, vật xuống đất, chạy ra ngoài khi đang học… Mỗi cơn kéo dài từ 15 phút đến 1 giờ, sau đó các cháu trở lại bình thường. Vào thời điểm đoàn thăm khám thì các cháu bình thường không có biểu hiện bệnh tật. Qua tìm hiểu tại gia đình, các em không bị chấn thương vùng sọ não, té, ngã để gây sang chấn về thần kinh; chưa từng mắc bệnh nan y, mãn tính và cấp tính… "Với những biểu hiện trên, đoàn công tác nhận định các cháu bị bệnh rối loạn phân ly tập thể. Trước mắt, cơ quan chức năng cử người theo dõi các cháu để xem diễn biến bệnh" – ông Lào cho biết thêm.
Trường tiểu học Cư Pui nơi có nhiều học sinh mắc bệnh lạ |
Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, ngày 8-12, giáo viên Trường Tiểu học Cư Pui 2 (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) phát hiện 1 học sinh nữ có biểu hiện bất thường như mặt đỏ, môi tím, nói nhảm, thỉnh thoảng la hét, không làm chủ được bản thân. Sau đó, có thêm 5 nữ sinh trong trường có triệu chứng tương tự.
Theo bác sĩ Nguyễn Mai Hương, Phó trưởng Khoa Tâm thần Bệnh viện Nhi trung ương, rối loạn phân ly là một nhóm các bệnh lý tâm thần thường gặp với tỉ lệ 0,3%- 0,5% dân số. Người bệnh có thể bị rối loạn vận động, rối loạn phát âm; rối loạn cảm giác, kích động về cảm xúc... Bệnh nhân cũng có thể sững sờ, ngất hoặc rối loạn, "lên đồng" và nói năng như thể có một người khác hoặc như bị một lực lượng siêu nhiên nào đó điều khiển.
Rối loạn phân ly tập thể là khi xảy ra đồng loạt các trường hợp rối loạn phân ly trong một nhóm hoặc một tập thể như trường học, đám đông. Sự lan truyền triệu chứng xảy ra trong nhóm người có mối quan hệ nào đó về môi trường hoặc sang chấn, tạo ra hàng loạt ca bệnh. Trong trường hợp phân ly tập thể, các triệu chứng thường gặp là ngất, rối loạn vận động, co giật, cơn kích động cảm xúc. Rối loạn này gặp nhiều hơn ở trẻ em gái và phụ nữ trẻ. Rối loạn phân ly có khuynh hướng thuyên giảm sau vài tuần, vài tháng nhưng có thể tái phát trong trường hợp vẫn còn các sự kiện gây sang chấn.