Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, hôm nay (17/6), Quốc hội bước vào đợt 2 làm việc. Dự kiến đợt 2 sẽ kéo dài từ ngày 17/6 đến ngày 28/6. Trước đó, từ ngày 20/5 đến ngày 8/6 diễn ra đợt 1 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội.
Tại đợt họp này, Quốc hội đã tiến hành xem xét, cho ý kiến về những nội dung quan trọng như: công tác nhân sự; đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn; thông qua một số Nghị quyết quan trọng...
Kỳ vọng khi thông qua, Luật sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (đoàn Quốc hội tỉnh Bến Tre) đánh giá, việc tổ chức Kỳ họp thành 2 đợt là sự đổi mới của Quốc hội khóa XV.
đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trao đổi bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Mai Loan. |
Theo đó, giữa 2 đợt sẽ có 1 tuần để cho các cơ quan của Quốc hội có đủ thời gian nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến đóng góp của các ĐBQH một cách đầy đủ. Những nội dung nào không được tiếp thu thì được giải trình một cách thỏa đáng.
Trong đợt 1 Kỳ họp này, công tác nhân sự được các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước đặc biệt quan tâm, Theo đại biểu, những nhân sự được bầu đều rất xứng đáng với vị trí được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Tầm nhìn của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ đối với công tác nhân sự được cử tri, Nhân dân đồng thuận rất cao. Bản thân bà cũng ủng hộ và biểu quyết tán thành cao đối với những nhân sự được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn vừa qua.
Trong đợt 1 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã bầu ra tân Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an. Những nhân sự này cũng đã kinh qua nhiều vị trí, kinh nghiệm công tác và đều được chọn lựa một cách kỹ lưỡng, được cử tri và Nhân dân đồng tình cao. Bà Thủy tin tưởng trong thời gian tới, những lãnh đạo cấp cao này sẽ phát huy được năng lực của mình trong việc điều hành những vị trí được Quốc hội bầu, phê chuẩn.
Ngoài công tác nhân sự, tại đợt 1 của Kỳ họp thứ 7, bà Thủy cũng quan tâm đến các giải pháp về phòng, chống hạn mặn cho Đồng bằng sông Cửu Long; Những giải pháp về các chính sách đặc thù để phát triển các tỉnh, thành phố có điều kiện phát triển vượt trội.
Trong Kỳ họp này, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.
Bà Thủy hoàn toàn ủng hộ với Nghị quyết để TP Đà Nẵng phát triển, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và điều kiện của địa phương này. Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng cũng góp phần đưa thành phố này trở thành đầu tầu cho cả khu vực miền Trung.
"Tôi kỳ vọng những nội dung được các ĐBQH cho ý kiến, đề xuất sẽ được các cơ quan của Quốc hội tiếp thu tối đa trong quá trình hoàn thiện các dự án Luật để khi các dự án Luật được Quốc hội thông qua sẽ bám sát, đáp ứng được yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống", đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy bày tỏ.
Kỳ vọng các đại biểu đã có thể yên tâm bấm nút thông qua các luật
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đánh giá, Khối lượng công việc tại kỳ họp 7 rất lớn, với 11 dự án luật cho ý kiến lần đầu, 10 dự án luật cho ý kiến, xem xét thông qua các dự thảo nghị quyết của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù cho TP Đà Nẵng, tỉnh Nghệ An, báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh những tháng đầu năm 2024, các báo cáo chuyên đề Bộ, ngành Trung ương…
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương. Ảnh: Mai Loan. |
Quốc hội đã giám sát tối cao chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.
Qua đợt 1 này, Quốc hội đã hoàn thành hơn 60% công việc của cả Kỳ họp.Các ĐBQH đều thống nhất biểu quyết chương trình họp lần này. Giữa hai đợt của kỳ họp của Quốc hội có 1 tuần nghỉ để cho các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan có liên quan có thời gian tổng hợp những ý kiến của các ĐBQH, tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, giải trình để hoàn thiện các Luật, Nghị quyết đảm bảo chất lượng, khả thi cao.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân cũng bày tỏ kỳ vọng, những ý kiến đúng đắn, sát thực tiễn, thể hiện tâm tư nguyện vọng chính đáng của đồng bào cử tri cả nước sẽ được tiếp thu, cụ thể hóa vào những dự án luật, nghị quyết của Quốc hội. "Để khi các luật, nghị quyết được ban hành, triển khai vào thực tiễn cuộc sống sẽ có tính ổn định lâu dài, khả thi cao, đem lại hiệu quả thiết thực", đại biểu Xuân nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương. Ảnh: Mai Loan. |
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nhận định, mặc dù nội dung chương trình của kỳ họp thứ 7 nói chung và của đợt 1 nói riêng là khá nặng nhưng các ĐBQH đã rất nỗ lực.
Mọi nội dung đều được các ĐBQH nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sôi nổi, đưa ra những ý kiến chính xác, xác đáng, thuyết phục. Đặc biệt, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong đợt 1 được cử tri và Nhân dân theo dõi sát và đánh giá rất cao.
Những vấn đề được chất vấn thực sự trọng tâm và không khí chất vấn thẳng thắn, cởi mở, đáp ứng mong đợi của Nhân dân về việc giải quyết những vấn đề đang nổi cộm, nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga mong muốn các đại biểu tiếp tục phát huy tinh thần tích cực, chủ động để hoàn thành tốt đợt hai của kỳ họp thứ 7, nhất là việc đóng góp vào các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến như dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Luật Tư pháp người chưa thành niên…
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng kỳ vọng, trong một tuần Quốc hội không họp tập trung giữa hai đợt họp, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ đã tập trung để tiếp thu, giải trình các dự thảo luật, dự thảo nghị quyết đã được thảo luận trong đợt 1 một cách thận trọng, tỉ mỉ và hiệu quả, để các ĐBQH yên tâm bấm nút thông qua trong đợt họp thứ 2 này.
Mời quý độc giả xem video đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đánh giá về công tác nhân sự tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.