Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Đình Thanh (Kon Tum) đánh giá cao sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với việc thực hiện mục tiêu đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Đại biểu Phạm Đình Thanh (Kon Tum). Ảnh: QH. |
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, quy định của pháp luật về công tác giám sát của Quốc hội hiện nay vẫn còn một số vấn đề chưa phù hợp cần được xem xét sửa đổi, bổ sung....
Về hoạt động giám sát cuối năm 2023 và năm 2024, đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân để kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế đã được chỉ ra.
Đồng thời, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo đẩy mạnh và thực hiện chặt chẽ hơn hoạt động giám sát việc chấp hành pháp luật về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở cấp trung ương và địa phương.
Việc văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng, ban hành không đúng trình tự quy định, không phù hợp, thiếu tính khả thi, thậm chí có sai sót đang là những khó khăn, cản trở lớn cho hoạt động của doanh nghiệp. Đây cũng là cản trở rất lớn liên quan đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành trong thời gian vừa qua.
Đặc biệt, đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị tiếp tục quan tâm, giám sát việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng, trưởng ngành, các thành viên của Chính phủ. “Đây là vấn đề cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm”, đại biểu Phạm Đình Thanh cho hay.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho biết, hiện nay, tình hình kinh tế có dấu hiệu suy giảm, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường không ít, 4 tháng đầu hơn 20%, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới cũng giảm.
Vì vậy, đại biểu mong muốn Quốc hội chọn chuyên đề giám sát về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan”.
Tuy nhiên, đại biểu lo ngại, nếu chờ tới năm 2024 mới xong giám sát nghị quyết 43 thì e rằng muộn. “Bởi nếu kinh tế tăng trưởng dưới 3% thì áp lực sẽ gia tăng với an sinh rất lớn”, đại biểu nói.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM). Ảnh: QH. |
Trong khi đó, theo ông Ngân, việc giải ngân đầu tư công hiện nay còn chậm, trong khi thời hạn thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội không còn nhiều.
Ông đề nghị Chính phủ đề xuất với Quốc hội có gói hỗ trợ khẩn cấp hơn để hỗ trợ an sinh xã hội, người lao động, gia đình chính sách, gia đình có người mất trong đại dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư để phục hồi, phát triển một cách toàn diện nền kinh tế.
Đại biểu cũng đề nghị các bộ, ngành nỗ lực nhiều hơn, triển khai quyết liệt Công điện số 470 của Thủ tướng Chính phủ để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác này.
Mời quý độc giả xem video: "Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nói về việc cần có quỹ bình ổn giá xăng dầu". Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.