Tại Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đưa ra bàn luận tại Kỳ họp thứ 6 này, ngưỡng vi phạm nồng độ cồn được quy định tại Khoản 1 Điều 8. Dự thảo quy định nghiêm cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Nội dung này đã gây những tranh luận trái chiều và nhận được sự quan tâm của dư luận.
“Siết” nồng độ cồn nhằm bảo đảm hạnh phúc, bình an cho mọi nhà
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng, UBTVQH cần chỉ đạo cơ quan soạn thảo, các cơ quan có liên quan, đặc biệt với ngành Y tế, cần nghiên cứu, đánh giá tác động thật kỹ lưỡng bởi đây là lần đầu tiên đưa ra thảo luận trước Quốc hội. Còn trong thời điểm này, vẫn đang trong quá trình bàn luận, nên chưa thế nói nồng độ cồn ở mức 0,5; 0,3 hay bằng 0 thì phạt.
Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Mai Loan. |
Tuy nhiên, theo đại biểu, mỗi năm có gần 9 ngàn người chết, 30 ngàn người bị thương do tai nạn giao thông, trong đó có nhiều người trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
“Vì thế, nếu có quy định chặt chẽ hơn về nồng độ cồn, thì cũng chỉ nhằm đảm bảo niềm hạnh phúc, sự bình yên, sự phát triển cho mỗi gia đình và toàn xã hội”, đại biểu Dương Khắc Mai nói.
Theo đại biểu Dương Khắc Mai, chúng ta nên tham khảo kinh nghiệm quốc tế và thực tế ở Việt Nam. Nếu cố gắng thì đến Kỳ họp thứ 7 mọi vấn đề sẽ sáng tỏ và các đại biểu Quốc hội sẽ cảm thấy thuyết phục.
Mời quý độc giả xem video đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nói về việc cần quy định chặt nồng độ cồn khi lái xe bên hành lang Quốc hội Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Khó xác định ngưỡng, vì có người 1 chén đã say, có người phải 20 chén
Trao đổi bên hành lang, đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam) cho hay, với trình độ khoa học công nghệ hiện nay chưa thể xác định được giới hạn của việc được phép uống rượu bia. Bởi tửu lượng mỗi người khác nhau.
Đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Mai Loan. |
“Có người uống 1 chén đã say, có người uống 5 chén, thậm chí có người 20 chén. Chúng ta không thể đưa ra một mức chung cho tất cả mọi người đến mức nào đó để xử phạt, nó sẽ không đảm bảo tính nghiêm minh và an toàn khi tham gia giao thông”, đại biểu Trương Xuân Cừ nói.
Cho nên, đại biểu Trương Xuân Cừ cho rằng, hiện tại nên thực hiện quy định như hiện nay, cứ có nồng độ cồn là xử phạt. Còn khi khoa học công nghệ phát triển, trong tương lai, mỗi người khi tham gia giao thông có thể có định danh về mức độ nồng độ cồn cho phép thì mới thực hiện được phạt theo ngưỡng nồng độ cồn.
Tuy nhiên, từ thực tiễn, để tránh thiệt thòi cho một số người có bệnh lý phải uống thuốc, hay uống nước giải khát… vẫn sinh ra nồng độ cồn, thì y học cần vào cuộc. Theo đó, cá nhân phải đến các cơ quan y tế để thẩm định và xử lý…
Theo đại biểu Trương Xuân Cừ, việc xử lý nghiêm người uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông thời gian vừa qua đã tác động lớn tới tâm lý xã hội. Nhiều người đã dần hình thành ý thức chủ động đi taxi, xe ôm đến nhà hàng khi xác định sẽ uống rượu bia.
Pháp luật không cấm bất cứ ai uống rượu, bia. Nhưng khi đã uống thì không nên điều khiển phương tiện giao thông để tránh gây tai nạn đáng tiếc. Trước đây khi bắt buộc người điều khiển xe máy phải đội mũ bảo hiểm cũng không được nhiều người đồng tình, nhưng giờ nếu ai điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm lại trở thành lạc lõng trên đường.
Mời quý độc giả xem video đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) nói về việc nên giữ quy định cứ có nồng độ cồn là phạt bên hành lang Quốc hội Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Cần quy định ngưỡng nồng độ cồn cho phép
Ở góc nhìn khác với đại biểu Dương Khắc Mai và Trương Xuân Cừ, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TPHCM) cho hay, có những người do thể trạng, không uống rượu bia mà thổi nồng độ cồn vẫn bị phạt.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TPHCM). Ảnh: Mai Loan. |
Là người hoạt động trong lĩnh vực y tế, đại biểu rất ủng hộ việc kiểm soát, giảm nồng độ cồn vì gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe cũng như trật tự, đặc biệt là trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, theo đại biểu, cách áp dụng quá cực đoan sẽ đưa đến hệ quả không mong muốn. Từ Luật phòng chống tác hại rượu bia cho đến Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ hiện nay đều đưa điều cấm: “Cấm người lái xe có nồng độ cồn”.
Theo đại biểu, để hợp lý hơn thì cần quy định nồng độ vượt quá ngưỡng cho phép. Theo quy định hiện nay, khi nồng độ cồn trong hơi thở chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở thì phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng (Điểm c Khoản 6 Điều 6).
Đại biểu kiến nghị cần có mức sàn và quy định theo từng mức để xử phạt vi phạm nồng độ cồn. Bởi một số người do thể trạng, không uống gì cả nhưng hệ tiêu hoá vẫn sinh ra hơi, sinh ra khí và thổi thì vẫn dập dềnh lên. Như vậy, với một người không uống rượu bia cũng có khả năng bị xử phạt vì nồng độ cồn bằng 0 cũng là dưới 50 mg.
Đại biểu cho rằng, quy định đặt ra để cho người dân thấy cần phải uống giảm đi, không uống thì không bị xử phạt, còn như hiện nay, tạo tâm lý người dân làm sao để không bị công an xử phạt thổi nồng độ cồn.