Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Quốc Vượng, GĐ Cty Đường sắt Hà Hải – đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý duy tu, sửa chữa hệ thống đường sắt qua Yên Viên cho hay: Sau sự cố với tàu SP 2 ngày 6/8, hơn 10 đoàn tàu đã thông qua đoạn đường sửa chữa an toàn, các nguyên nhân từ các toa tàu cũng được loại bỏ. Tuy nhiên, sáng 7/8 lại xảy ra với tàu SP2.
Hiện trường vụ tai nạn tại ga Yên Viên. Ảnh: Sỹ Lực. |
“Với tình hình đó, để đánh giá ngay nguyên nhân rất khó. Hiện, chúng tôi đang làm rõ việc có phải do độ dài của đoàn tàu khách tác động đến ghi và đường ray hay không. Bởi vì đoàn tàu khách từ Lao Cai về thường có số toa nhiều hơn các đoàn tàu khác qua khu vực này, lên đến 16, 17 toa” - ông Vượng cho hay.
Về thông tin cho rằng, các ghi nơi xảy ra sự cố trật bánh tàu khách mới được thay thế nhưng đã hỏng, ông Vượng khẳng định, cả ba ghi đều đã được sử dụng hàng chục năm nay chưa được thay thế.
Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng GĐ ĐSVN cho biết, cả hai vụ việc trên đều không phải do lỗi chủ quan của con người, chủ yếu là do kĩ thuật. “Tuy nhiên, nguyên nhân cụ thể, chúng tôi còn phải điều tra, phân tích vì có nhiều yếu tố từ tốc độ, thành phần đoàn tàu, phương tiện, đường cong, ghi, địa hình”, ông Hoạch nói.
Lãnh đạo ĐSVN cho hay, khi xảy ra sự cố, các toa tàu này chạy ở tốc độ 15 km/h nên không gây thiệt hại về người, không có hành khách nào bị thương. Tuy nhiên, hiện trường sự cố ngày 6/8 cho thấy, các toa tàu bị trật bánh đều là toa tàu khách nên các chấn động của toa tàu ít nhiều ảnh hưởng đến hành khách. Trong đó, quan sát hiện trường toa tàu bị trật bánh ngày 6/8 cho thấy, toa nằm nghiêng hẳn, trật ra ngoài đường ray, không ngoại trừ khả năng hành khách bị chấn động, hành lý trên giá rơi vào người.
Lãnh đạo ngành đường sắt cũng lo ngại sự cố ảnh hưởng đến tâm lý hành khách, từ chối không đi tàu khi lượng khách của ngành này đã bị sụt giảm mạnh. Hiện tỷ lệ hành khách của ĐSVN chiếm chưa đến 1% trong tổng số khách của các loại hình vận tải. Riêng tuyến Đường sắt Hà Nội – Lào Cai, khách của ĐSVN đã giảm 40% từ khi đường cao tốc Nội Bài – Lao Cai đi vào hoạt động.
Trên các diễn đàn mạng, các công nhân đường sắt cũng bày tỏ lo lắng trước các vụ tai nạn liên tiếp xảy ra và đề nghị lãnh đạo ngành đường sắt có các giải pháp quyết liệt để khắc phục, lấy lại hình ảnh, niềm tin của hành khách.
Điều đáng nói, vào năm 2015, Bộ GTVT (đại diện là Ban Quản lý dự án Đường sắt) vừa hoàn thành nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên Lào Cai tổng kinh phí 166,46 triệu USD tương đương 3.434 tỷ đồng. Nguồn vốn bao gồm vốn vay ODA của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) là 60 triệu USD, vốn vay Cơ quan phát triển Pháp (AFD) là 32 triệu Euro, vốn vay của Tổng vụ Ngân khố Pháp (DGTresor) là 31 triệu Euro và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 16,71 triệu USD.