Những thành tích đạt được trong những năm gần đây đem lại một vị thế mới cho khoa học Việt Nam nhưng không ai vì thế mà quên đi một thực tại: khoa học Việt Nam vẫn còn ở một vị trí rất khiêm tốn trên bản đồ thế giới và không phải lúc nào, các nhà khoa học Việt Nam cũng ở vạch xuất phát trong việc giải quyết một vấn đề thời sự của thế giới.
Trong một vài cuộc trao đổi trước đây, giáo sư Phạm Hùng Việt (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN), một trong những nhà nghiên cứu hóa học môi trường hàng đầu Việt Nam, từng cho rằng, trong suốt quá trình làm nghề của mình, ông luôn luôn cố gắng cập nhật kiến thức và cố gắng học hỏi các đồng nghiệp quốc tế để có thể duy trì hợp tác quốc tế một cách tương đối bình đẳng. Sau nhiều năm làm việc, ông đúc rút ra một số trường hợp hiếm hoi mà các nhà nghiên cứu Việt Nam như ông có thể cùng nhà khoa học quốc tế giải quyết một vấn đề “mới người, mới ta”, đó là cùng nghiên cứu các hợp chất hữu cơ khó phân hủy (POPs) theo Công ước Stockholm từ những năm 2000 và nghiên cứu giải quyết vi nhựa, chất thải nhựa đại dương, vấn đề mới đặt ra cho thế giới trong một vài năm trở lại đây.
Các nhà nghiên cứu của Vabiotech đang tiến hành lấy mẫu máu chuột để đánh giá kháng thể đáp ứng miễn dịch sau tiêm. Nguồn: sggp.org.vn |
Nay bối cảnh mới với COVID-19, một bệnh dịch truyền nhiễm lây cho nhiều người ở nhiều quốc gia ở khắp các châu lục vào cuối năm 2019, đã đưa các nhà khoa học Việt Nam và thế giới đến cạnh nhau để đối phó và giải quyết vấn đề. Có lẽ, cái bí ẩn khoa học mới vỡ lẽ gần đây như coronavirus hiếm khi lây nhiễm qua các bề mặt và những điều rất căn bản còn chưa rõ về coronavirus như virus bắt nguồn từ đâu? loài vật nào là vật chủ trung gian? virus có lưu hành ở Vũ Hán trước những ca mắc bệnh đầu tiên? những biến thể mới trong tương lai của chúng có còn chết chóc?... đã đưa các nhà khoa học vào cùng một cuộc hành trình “thử và sai”. Tất cả dường như “bình đẳng” hơn trong cuộc chiến chống COVID-19.
Đại dịch là nơi chứng tỏ: chỉ có sự đầu tư cho khoa học một cách bền bỉ và liền mạch mới là bí quyết để khoa học có thể đem lại những giải pháp cho thách thức mà con người phải đối mặt.
Đây là lúc các nhà khoa học Việt Nam nhập cuộc với cách tiếp cận như đồng nghiệp quốc tế, một kế hoạch ứng phó bắt đầu việc chủ động xây dựng một chiến lược phòng chống, tổ chức thực hiện và áp dụng đúng nguyên tắc mà WHO khuyến cáo “xét nghiệm, xét nghiệm và xét nghiệm”. “Toàn bộ chiến lược ấy đều do nỗ lực của các cán bộ của y học dự phòng Việt Nam. Các chuyên gia nước ngoài đều có mặt nhưng chỉ trong vai trò quan sát và tất cả những hỗ trợ về kỹ thuật, sinh phẩm của các tổ chức quốc tế cũng chỉ mang ý nghĩa phụ thêm”, câu nói đó của PGS. TS Lê Thị Quỳnh Mai, Viện phó Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương càng khẳng định thêm điều đó. Việc thực thi chiến lược này đã trở nên thuận lợi khi bộ kit xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 do Học viện Quân y và Công ty Việt Á phát triển và sản xuất ra đời vào thời điểm chưa có nhiều quốc gia trên thế giới làm được.
Câu chuyện kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh còn đưa Việt Nam bước vào một cuộc đua mà không ai có thể tưởng tượng ra. Thay vì chỉ trông chờ đi nhập vaccine của nước ngoài như trước đây, những nơi sống bằng nghề sản xuất vaccine như Vabiotech, Ivac và cả “tay ngang” như Nanogen đều gặp nhau ở một điểm: không quá phụ thuộc vào vaccine của thế giới mà nên phát triển vaccine để Việt Nam có thể tự chủ trong ứng phó và kiểm soát dịch bệnh lâu dài. Suy nghĩ này đã đưa họ bước vào một cuộc đua đặc biệt của các nhà sản xuất vaccine trên thế giới, “những buổi họp trực tuyến có trăm người tham gia thì cả trăm đều là phát triển vaccine”, lời chia sẻ của anh Đỗ Tiến Đạt, giám đốc Vabiotech, trong phiên họp báo cáo tiến độ tại Bộ KH&CN vào tháng 9/2020 đã phần nào cho thấy sức nóng của cuộc đua mà anh và đồng nghiệp góp mặt.
Cuộc đua này vô cùng hấp dẫn và cam go bởi họ phải chạy cùng những hãng sản xuất vaccine hàng đầu thế giới. Đại dịch COVID khiến số phận của thế giới phụ thuộc vào một cuộc đua quốc tế sản xuất vaccine Covid-19 như hiện nay. Đó là cuộc chạy đua với thời gian, cuộc đua cứu tính mạng con người và cuộc đua của vinh quang, như nhận xét của tờ Politico. Theo số liệu thống kê của họ thì đến ngày 3/3/2021, có 9 loại vaccine được áp dụng lưu hành khẩn cấp, 17 vaccine đang thử nghiệm giai đoạn ba, 29 vaccine thử nghiệm giai đoạn hai, 24 vaccine thử nghiệm giai đoạn một; còn theo số liệu của WHO thì hiện có 182 vaccine đang trong giai đoạn tiền thử nghiệm lâm sàng. Các vaccine mà các công ty Việt Nam đang phát triển cũng trong các nhóm đó. Tại cuộc họp ngày 24/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, các công đoạn phát triển và thử nghiệm vẫn đang theo đúng tiến độ: “Dự kiến đến năm 2022, chúng ta sẽ sản xuất được vaccine. Chúng tôi rất kỳ vọng vào việc sản xuất vaccine của Việt Nam, trong đó vaccine của Nanogen bắt đầu thử nghiệm giai đoạn hai và vaccine của IVAC có hiệu quả rất tốt”.
Không phải ngẫu nhiên mà những nơi chỉ tiếp nhận công nghệ đã hoàn thiện của nước ngoài như Vabiotech, IVAC hay chưa sản xuất sản phẩm đặc biệt như vaccine như Nanogen lại có thể tự tin bước vào cuộc chơi này. Họ có niềm tin vào năng lực mình đã tích lũy trong nhiều năm, ví dụ như với Nanogen là việc họ có gần 20 năm nghiên cứu, sản xuất thuốc và các sinh phẩm theo công nghệ tái tổ hợp protein, công nghệ mà họ dựa vào để phát triển vaccine Covid hai liều, với Vabiotech và IVAC là việc họ đã thực hiện nhiều dự án phát triển sản phẩm vaccine trên người trong khuôn khổ các Chương trình Sản phẩm quốc gia, Chương trình KC10… Rõ ràng, hầu hết các nơi tham gia vào cuộc chơi Covid 19 lần này ở Việt Nam, từ Học viện Quân y, Công ty Việt Á đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Vabiotech… đều trưởng thành từ những đề tài và dự án nghiên cứu với kinh phí từ ngân sách nhà nước. Và ở những thời điểm cần kíp, họ đều có mặt và sẵn sàng áp dụng những năng lực ấy vào “đúng lúc, đúng chỗ”.
Có lẽ, đại dịch là nơi chứng tỏ hơn một điều giản dị mà không phải ai cũng nhớ đến: chỉ có sự đầu tư cho khoa học một cách bền bỉ và liền mạch mới là bí quyết để khoa học có thể đem lại những giải pháp cho thách thức mà con người phải đối mặt.