Việc Bộ Y tế xác nhận thực phẩm sử dụng dầu ăn siêu bẩn làm từ rác thải, nước cống của Đài Loan đã lọt vào Việt Nam đang khiến người tiêu dùng kinh hãi. Người dân lo rằng, không chỉ thực phẩm sử dụng dầu bẩn, mà ngay bản thân loại dầu bẩn đó có thể cũng đã hiện diện trên thị trường.
Việc dùng dầu ăn rác thải hoặc thực phẩm chứa loại dầu đó ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe? Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm và Sinh học Đại học Bách Khoa.
Bệnh tật là không thể tránh khỏi
“Dù cho đó là hàng nhập khẩu hay là hàng sản xuất trong nước cũng không thể chấp nhận được, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng và nguy cơ gây bệnh cho người tiêu dùng là khó tránh khỏi”, TS Nguyễn Duy Thịnh, nói.
Công ty TNHH Dịch vụ Thương Mại Cửu Hương (TPHCM), đơn vị nhập khẩu sản phẩm có chứa dầu ăn từ nước cống. |
Theo ông Thịnh, người dùng dầu ăn từ nước thải cống rãnh sẽ có rất nhiều nguy cơ bệnh tật. Trước hết là nguy cơ nhiễm các kim loại nặng, phẩm màu hóa học...
“Theo tôi, dù là sản xuất ở phương thức nào thì cũng không thể loại bỏ được hết độc chất từ nước cống rãnh. Dù gì thì nó cũng là nước cống. Nếu nước cống ở trong các khu công công nghiệp, khu chế xuất thì nguy cơ nhiễm kim loại nặng là đương nhiên. Còn nước cống ở các khu công nghiệp nhẹ như nhuộm, tẩy rửa thì nó sẽ nhiễm phẩm màu".
Các thùng phuy đựng phụ phẩm chuẩn bị chế biến dầu ăn. |
"Kể cả là ở khu dân cư thì nó vẫn nhiễm các hóa chất tẩy rửa và cặn bã con người thải ra. Tóm lại, dầu ăn chế từ nước cống, rác thải ngoài việc gây các bệnh như ung thư, đường ruột…thì nó còn làm tổn hại rất lớn vào niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm sạch đang tiêu thụ trên thị trường", ông Thịnh phân tích.
Ngoài kim loại nặng và hóa chất độc hại, theo các chuyên gia, dầu ăn rác thải còn tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy, suy yếu hệ miễn dịch... do chúng chứa vi sinh vật gây hại.
Mặt khác, các "nguyên liệu" ôi thiu vẫn dùng để chế loại dầu ăn siêu bẩn này luôn chứa aflatoxin, một chất cực độc có thể gây ung thư, không bị phân hủy trong quá trình nấu ở nhiệt độ cao. Aflatoxin thậm chí còn bị cho là độc hơn cả thạch tín. Dầu rác thải cũng là loại dầu cặn đã rán đi rán lại nhiều lần mà các nhà hàng đổ đi. Theo các nghiên cứu, loại dầu này chứa hàm lượng các chất gây ung thư cực lớn.
Ngoài ra, vì đã qua nhiều lần tác dụng nhiệt, tất cả vitamin hay vi chất khác trong loại dầu ăn này đã bị phá hủy hoàn toàn, nên nó không hề có giá trị dinh dưỡng.
Làm sao phân biệt được dầu ăn nước cống và dầu ăn sạch?
Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh khẳng định, bằng mắt thường, không thể nhận biết đâu là dầu ăn sạch, đâu là dầu ăn làm từ rác thải, nước cống rãnh. Bởi chắc chắn trước khi bán ra, loại dầu siêu bẩn này đã được xử lý để có màu sắc bắt mắt và mùi đặc trưng.
Vì thế, muốn biết dầu ăn có đảm bảo tiêu chuẩn không thì chỉ có đợi cơ quan chức năng xét nghiệm và công bố. Và trong khi chưa có công bố nào, người dân chỉ có cách chọn mua sản phẩm có nhãn hiệu, có đăng ký chất lượng.
Như Kiến Thức đã đưa tin, chiều 15/9, Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Trần Quang Trung chính thức xác nhận về sự việc ở Việt Nam có một công ty nhập khẩu sản phẩm có chứa dầu ăn làm từ nước cống, rác thải tại Đài Loan.
Theo đó, công ty TNHH Dịch vụ Thương Mại Cửu Hương (TPHCM) là công ty đã đứng ra nhập khẩu 2 sản phẩm bao gồm: dưa chuột trộn thịt lợn đóng hộp loại 170g, số lượng 240 thùng, ngày sản xuất 01/5/2014, hạn sử dụng: 01/5/2017. Sốt thịt cay đóng hộp loại 150g, số luợng 240 thùng, ngày sản xuất 31/5/2014, hạn sử dụng: 31/5/2017.
Ngay sau khi có thông tin trên Cục An toàn Thực phẩm đã yêu cầu các cơ quan liên quan tại Thành phố Hồ Chí Minh và công ty Cửu Hương ngừng lưu thông và thu hồi các sản phẩm nói trên.
Trước đó, công ty Chang Guann (Đài Loan) thừa nhận đã mua 243 tấn dầu ăn được tái chế từ rác thải, vật liệu nhiễm độc do một nhà máy không phép tại Bình Đông (Đài Loan) sản xuất để chế biến 780 tấn dầu ăn và bán cho hàng trăm cơ sở kinh doanh thực phẩm. Công ty này đã bị xử phạt 50 triệu Đài tệ, tức khoảng 1,6 triệu USD.
Ngay sau đó, giới chức Đài Loan đã xác nhận có 12 quốc gia và vùng lãnh thổ đã nhập khẩu sản phẩm làm từ dầu ăn rác thải, bao gồm Việt Nam, Mỹ, Pháp, Australia, New Zealand, Brazil, Chile, Argentina, Nam Phi, Singapore, Hong Kong và Trung Quốc.