Đánh bố, bỏ học, mất mạng... vì nghiện game
Người nghiện game bỏ bê học hành, công việc, thậm chí nhiều trường hợp do bị ám ảnh từ game dẫn đến những hậu quả đau lòng.
Thiếu niên tung chưởng đánh bố suýt ngã
Cách đây vài giờ, độc giả M.N đã chia sẻ trên một diễn đàn đoạn clip ghi lại cảnh người đàn ông trung niên bị một thiếu niên đánh trả vì bị bắt về khi đang chơi game tại quán internet. Theo độc giả này, sự việc xảy ra vào khoảng 1h20 sáng 19.6, hai nhân vật trong clip là bố con.
Trong clip, sau khi đi tìm và bắt gặp con đang “cày” game, ông bố đã vô cùng tức giận, quát lớn, bắt con đi về. Không giữ được bình tĩnh, ông bố đã đánh cậu con trai và người con quay lại đá rất mạnh vào người bố mình hai lần khiến ông suýt ngã.
|
Hình ảnh ông bố bị con đánh trả tại quán Internet khi nhắc nhở và đánh con vì mải chơi game. Ảnh cắt từ clip. |
Chỉ sau vài giờ đăng tải, clip đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Đa phần bày tỏ sự phẫn nộ trước hành động của người con. Dù ông bố có thể xử lý khéo kéo, không nên đánh con ở chỗ đông người, nhưng hành động của người con là không thể chấp nhận. Đang ở tuổi ăn tuổi học, vậy mà lại mải mê chơi game đến nửa đêm không chịu về nhà, để người thân phải vất vả, lo lắng đi tìm.
Trong thời đại công nghệ số như hiện nay, cụm từ “nghiện game” đã không còn xa lạ. Cũng từ câu chuyện này, một lần nữa những tác hại của việc quá mải mê chơi game lại được cảnh báo. Nhất là việc tiếp cận với các thiết bị công nghệ có kết nối Internet hiện nay ngày càng dễ dàng.
Năm 2016, câu chuyện về một nam sinh tại Nghệ An tử vong bất thường sau nhiều ngày bỏ nhà đi chơi game đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm, lo lắng, nhất là đối với các bậc phụ huynh. Đáng buồn là không ít trường hợp đã bỏ mạng vì mải “cày” game thâu đêm suốt sáng. Rồi những câu chuyện đau lòng như bỏ học, trộm cắp để lấy tiền đầu tư cho các nhân vật trong game… cũng liên tục xảy ra.
Nghiêm trọng hơn, người nghiện game, nhất là đối tượng trẻ em, dễ bị chìm đắm vào thế giới ảo của game online - tuy mọi hành vi là ảo nhưng tác hại của nó là thật. Do ảnh hưởng từ những cảnh bạo lực, đâm chém nhau trên thế giới ảo, nhiều “game thủ” đã trở thành sát nhân, ra tay tước đi mạng sống của cả người thân để lấy tiền tiêu xài, để lại hệ lụy cho gia đình và xã hội.
|
Hình ảnh các bạn trẻ quên ăn, quên ngủ "cày" game ở quán internet đã không còn hiếm gặp. Ảnh: Hữu Huy. |
“Đừng tự giết mình vì nghiện game”
Hiện chưa có thống kê về số người nghiện game, nhưng tỉ lệ thanh thiếu niên nghiện game online phải đến các trung tâm, bệnh viện điều trị là không hề nhỏ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần do nhiều bậc phụ huynh vì mải mê kiếm tiền mà chểnh mảng việc quản lý con cái. Phần nữa, trên mạng xã hội hiện nay tràn lan các trò chơi bạo lực.
Hơn nữa, nếu trẻ em đam mê internet, hay chơi trò chơi bạo lực thường bị ảnh hưởng bởi những hình ảnh này và trở nên hung hăng hơn, gặp vấn đề về giao tiếp.
Cách đây chưa lâu, những dòng tâm sự của cựu sinh viên Bách Khoa từng nghiện game online đã làm “nóng” mạng xã hội và được chia sẻ trên nhiều diễn đàn để thức tỉnh những người đang nghiện game. Bạn trẻ này đã có thời ăn game, ngủ game, sống game và bỏ bê học hành. Rồi chứng kiến nhiều bạn bè trong ký túc bị đuổi học chỉ vì game, bố mẹ phải chạy vạy, bán từng tạ thóc lấy tiền cho con ăn học, trong khi mình và nhiều bạn trẻ khác lại nướng hết vào game, cậu đã quyết tâm thay đổi.
Đến nay, khi đã ra trường với tấm bằng đẹp, chứng kiến không ít bạn trẻ tiếp tục đi vào vết xe đổ của mình mà chưa tìm được lối ra, bạn trẻ này đã khuyên những người đang nghiện game: "Đừng phí những năm tuổi trẻ cho những trò vô bổ, đừng tự giết mình vì game".
Đánh giá về tác hại của việc ham mê game online, trong công trình nghiên cứu về thực trạng nghiện internet ở học sinh THCS của một tỉnh tại Việt Nam, thạc sĩ Nguyễn Cao Minh (giảng viên khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) chỉ rõ: Game online có những tác động tiêu cực lớn đến mọi mặt đời sống xã hội của người chơi, như: Đời sống tình cảm, mối quan hệ xã hội, nghề nghiệp, sức khỏe tâm thần và thể chất. Vì dành quá nhiều thời gian cho game online sẽ hạn chế bớt thời gian dành cho gia đình, các mối quan hệ xã hội và những hoạt động hứng thú khác.