Theo như Công văn số 4576/VPCP-KTTH, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện Đề án “Nghiên cứu nâng cao hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, trong đó có đề ra các giải pháp khắc phục, xử lý các dự án đầu tư đang thực hiện không hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường”.
Tổng công Giấy Việt Nam (Vinapaco) có 8 dự án với tổng vốn trên 11.080 tỷ đồng có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả. Ảnh: Vinapaco. |
Để triển khai thực hiện thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, ngày 16/6/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Công văn số 4917/BKHĐT-PTDN đề nghị các Bộ ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước rà soát các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, yêu cầu gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 25/6/2017.
Tuy nhiên, theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 8, mới có 60 bộ ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước gửi báo cáo rà soát các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả. Theo đó, có khoảng 250 doanh nghiệp nhà nước do các cơ quan này làm đại diện chủ sở hữu đã được rà soát tình hình đầu tư dự án trong giai đoạn 2000-2016, chiếm hơn 31% tổng số doanh nghiệp thuộc diện phải rà soát.
Thống kê sơ bộ cho thấy, hiện tồn tại 72 dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng khoảng 42.744 tỷ đồng, tăng hơn 9.000 tỷ đồng so với ban đầu, số lượng dự án của các doanh nghiệp trực thuộc Bộ chiếm hơn phân nửa với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng trên 22.900 tỷ đồng.
Trong đó đặc biệt là 12 dự án thua lỗ của ngành công thương có tổng mức đầu tư là 63.610 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu là 14.350 tỷ cũng không thực hiện báo cáo.
Nổi bật trong số này là Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn với 27 dự án với tổng mức đầu tư gần 910 tỷ đồng, tập trung chủ yếu tại ba doanh nghiệp là Tổng công ty Lương thực Miền Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam và Công ty TNHH MTV Thuỷ sản Hạ Long. Phần lớn các dự án này đã tạm dừng hoạt động hoặc đang sản xuất nhưng thua lỗ lớn.
Trường hợp của Bộ Giao thông vận tải chỉ có hai doanh nghiệp sở hữu các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả là Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (SBIC) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), nhưng tổng vốn đầu tư được phê duyệt cuối cùng lên đến gần 15.000 tỷ đồng.
Đối với nhóm tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, trường hợp đáng chú ý nhất là Tổng công Giấy Việt Nam (Vinapaco) với 8 dự án có tổng vốn trên 11.080 tỷ đồng, chiếm hơn một phần tư tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết chưa ghi nhận các dự án đầu tư có dấu hiệu không hiệu quả, nhưng đơn vị này đang vận hành dự án Phóng vệ tinh viễn thông Vinasat-2 với khoản lỗ luỹ kế 1.209 tỷ đồng kể từ thời điểm được phóng lên quỹ đạo vào giữa năm 2012. Dự án có tổng mức đầu tư là 5.462 tỷ đồng. Trong đó, 20% được lấy từ ngân sách tập đoàn, phần còn lại vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam và vay thương mại.
Với lĩnh vực bất động sản, phát triển hạ tầng, đầu tư, mở rộng nhà máy, có 14 dự án thuộc Tổng công ty Thành An, Tổng Công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), Tổng công ty Giấy Việt Nam (Bộ Công Thương). Các dự án này tuy ít về số lượng (chiếm 28% trong tổng số 72 dự án), nhưng tổng mức đầu tư rất cao, trên 29.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 68% trong tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng là 42.744 tỷ đồng của các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả).
Ngoài ra 7/14 dự án (50% số dự án) nêu trên là các dự án đầu tư mới hoặc mở rộng nhà máy sản xuất thuộc 1 doanh nghiệp là Tổng công ty Giấy Việt Nam (Bộ Công Thương) với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng khoảng 11.081 tỷ đồng (chiếm 26% trong tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng là 42.744 tỷ đồng của các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả).
Về lĩnh vực nông nghiệp, có 33 dự án đang trong tình trạng tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ kéo dài, chủ yếu thuộc Tổng công Lương thực Miền Nam, Tổng công ty Cà phê (Bộ NN&PTNT) và UBND TP. Hải Phòng.
Như vậy, tính chung 72 dự án được báo cáo lần này có tổng vốn ban đầu là 33.725 tỷ đồng và tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng là 42.744 tỷ đồng, tăng 9.019 tỷ đồng.
Về nguyên nhân các dự án trên tất cả các lĩnh vực phải tạm dừng hoạt động hoặc thua lỗ kéo dài, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, là do năng lực của chủ đầu tư còn nhiều hạn chế, yếu kém trong công tác lập, triển khai và quản lý dự án cũng như dự báo biến động của thị trường trong nước và thế giới. Ngoài ra, công tác đàm phán và ký kết hợp đồng với các nhà thầu nước ngoài còn lúng túng, đặc biệt là đối với các dự án có công nghệ hiện đại dẫn đến phát sinh các tranh chấp khó giải quyết. Về khách quan, tác động của diễn biến tỷ giá và lãi suất nằm ngoài dự tính ban đầu cũng làm giảm hiệu quả đầu tư.