Luật sư Vũ Thuỳ Trang - Công ty Luật TNHH YouMe trả lời:
Về việc đăng ký kết hôn:
Khoản 1 Điều 10 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hộ tịch quy định giấy tờ nộp và xuất trình khi đăng ký kết hôn như sau:
Người yêu cầu đăng ký kết hôn xuất trình giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này, nộp giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 18 của Luật Hộ tịch khi đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 38 của Luật Hộ tịch khi đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp huyện và nộp bản chính Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân theo quy định sau:
1. Trường hợp đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà người yêu cầu đăng ký kết hôn không thường trú tại xã, phường, thị trấn nơi đăng ký kết hôn thì phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền cấp theo quy định tại các Điều 21, 22 và 23 của Nghị định này.
Ảnh minh họa. |
Trường hợp đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp huyện thì người yêu cầu đăng ký kết hôn đang cư trú ở trong nước phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền cấp theo quy định tại các Điều 21, 22 và 23 của Nghị định này.
Khoản 1 Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hộ tịch quy định về xuất trình, nộp giấy tờ khi đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch như sau:
1. Người yêu cầu đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch xuất trình bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng (giấy tờ tùy thân) để chứng minh về nhân thân.
Trong giai đoạn chuyển tiếp, người yêu cầu đăng ký hộ tịch phải xuất trình giấy tờ chứng minh nơi cư trú.
Khoản 1 Điều 18 Luật Hộ tịch quy định thủ tục đăng ký kết hôn như sau:
1. Hai bên nam, nữ nộp tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định cho cơ quan đăng ký hộ tịch và cùng có mặt khi đăng ký kết hôn.
Khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú 2020 có hiệu lực từ ngày 1.7.2021 quy định về điều khoản thi hành như sau:
3. Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31 .12.2022.
Như vậy, từ ngày 1.7.2021, đối với những người còn có sổ hộ khẩu, cần mang sổ này đi để chứng minh nơi mình thường trú.
Đối với những người đã bị thu hồi sổ hộ khẩu hoặc đăng ký thường trú nhưng không được cấp sổ hộ khẩu, thông tin đã được lưu trong Cơ sở dữ liệu cư trú (liên kết với Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia), họ có thể sử dụng Cơ sở dữ liệu này để chứng minh nơi thường trú.
Về việc xác định lý lịch tư pháp:
Khoản 4 Điều 37 Luật Cư trú 2020, có hiệu lực ngày 1.7.2021 quy định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của các luật có liên quan đến quản lý cư trú như sau:
4. Bãi bỏ điểm b khoản 1 Điều 45 của Luật Lý lịch tư pháp số 28/2009/QH12.
Khoản 1 Điều 45 Luật lý lịch tư pháp số 28/2009/QH12 quy định thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp số 1:
1. Người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp nộp Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp và kèm theo các giấy tờ sau đây:
a) Bản chụp giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp;
b) Bản chụp sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Như vậy, từ ngày 1.7.2021, người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 sẽ không cần cung cấp bản chụp sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.