Theo người dân, vụ sạt lở bắt đầu xảy ra vào chiều hai hôm trước (20/4). Sau đó, các vết nứt tiếp tục mở rộng với chiều dài trên 160 m, ăn sâu vào bờ khoảng 50 m.
Hiện trường vụ sạt lở sáng 22/4. Ảnh: Minh Anh. |
"Lúc đó, tôi đang ở trong nhà thì nghe tiếng ầm ầm, nền nhà trôi tuột xuống sông nên tháo chạy ra ngoài. Những căn nhà kế bên cũng bị ảnh hưởng", một người dân bị ảnh hưởng do sạt lở kể lại.
Vụ việc cũng khiến 2 căn nhà của ông Tư Đâu bị sụp xuống sông. Của cải tích cóp hơn 30 năm của gia đình ông giờ đã mất hết. Cả nhà 4 người, giờ phải tạm lánh trong trường học.
"Cả nhà nghe tiếng động lớn đã hoảng loạn chạy ra ngoài thoát nạn. Đồ đạc bên trong trị giá trên 300 triệu đồng cũng chìm theo dòng nước", ông Tư Đâu ở xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới (An Giang) nói.
Ngay sau khi sự cố xảy ra, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng giúp người dân sơ tán, di dời tài sản đến nơi an toàn và ổn định chỗ ở tạm.
Người dân di dời tài sản đến chỗ an toàn. Ảnh: Minh Anh. |
Theo lãnh đạo huyện Chợ Mới, ngày 21/4, chỉ 19 hộ nằm trong diện sạt lở phải di dời khẩn cấp. Hôm nay, 22/4, con số này đã lên 40 hộ với 176 nhân khẩu bị ảnh hưởng. Hàng chục hộ dân liền kề cũng buộc phải di dời.
Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh An Giang báo cáo, cách bờ 180 m xuất hiện một hố sâu dài 380 m, rộng 120 m, độ sâu là 40 – 42 m. Đây là khu vực hợp lưu giữa sông Vàm Nao và sông Hậu tạo nên các dòng chảy và có thể là nguyên nhân dẫn đến sạt lở.
Sau khi xảy ra sạt lở, UBND tỉnh An Giang đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở khu vực sạt lở sông Vàm Nao và đang khẩn trương khắc phục, hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống.
Sạt lở ăn sâu vào bờ, chia cắt tuyến giao thông liên xã. Ảnh: Minh Anh. |
Hai ngày trước, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương cũng ký công điện khẩn đến UBND huyện Thanh Bình, Văn phòng Ban chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh về tình hình sạt lở bờ sông Tiền tại ấp Bình Hòa, xã Bình Thành.
Công điện yêu cầu huyện Thanh Bình khẩn trương tổ chức theo dõi sát tình hình sạt lở, cắm biển báo vành đai sạt lở. Vận động, tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân nằm trong khu vực sạt lở nguy hiểm (từ cống Cái He về thượng lưu 150 m và từ cống Cái He về hạ lưu 60 m) vào khu vực an toàn.
Đồng thời điều tra, đánh giá tình hình thiệt hại, hỗ trợ những gia đình bị thiệt hại theo chính sách hiện hành. Các cơ quan liên tục theo dõi tình hình sạt lở để kịp thời có biện pháp khắc phục.