Theo ghi nhận của Kiến Thức, sáng nay (5/3) người dân Sầm Sơn vẫn tiếp tục kéo nhau lên UBND tỉnh Thanh Hóa, tập trung phản đối dự án du lịch ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương. Sau 8 ngày đi đòi quyền lợi, những bức xúc của người dân chưa giảm mà ngày càng cao trào hơn.
Người dân tập trung phản đối. |
Người dân cho biết, họ nhận thức được hành vi tụ tập đông người trên các ngả đường dẫn vào UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ làm ảnh hưởng đến giao thông. Tuy nhiên, nếu tỉnh không chấp nhận những kiến nghị về việc dành khoảng 500 m bờ biển để bố trí vị trí bến neo đậu thuyền bè cho ngư dân thì nguy cơ thất nghiệp của họ sẽ hiện hữu.
Với nông dân, mất đất ra thất nghiệp nhưng với những người ngư dân, nếu không còn bến đậu thuyền cũng đồng nghĩa với việc họ không thể ra khơi chài lưới. Kể cả việc bố trí bến neo đậu cách địa phương 8km thì sẽ rất khó khăn cho người dân khi hàng ngày phải mang ngư cụ đi, đến tối lại đèo về. Chưa kể sẽ phát sinh xung đột khi bến neo đậu mới dự kiến nằm chung với địa phương khác.
Người dân kiên quyết đòi 500 m bờ biển để bám biển mưu sinh. |
Mặc dù mới đây, để xoa dịu dư luận, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định 705/2016/QĐ-UBND về cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng bởi dự án "Không gian du lịch ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương" nhưng người dân vẫn không đồng thuận.
Cụ thể, tỉnh cho biết sẽ hỗ trợ giải bản tàu thuyền dưới 20 CV với các chủ phương tiện đang hành nghề khai thác hải sản trên địa bàn các phường xã bị ảnh hưởng bởi dự án nếu cam kết giải bản tàu thuyền dưới 20CV thì được hỗ trợ bè, ngư lưới cụ, trang bị hàng hải, trang bị an toàn là 70 triệu/bè. Mức này với mủng là 50 triệu/mủng. Hỗ trợ hộ gia đình theo khẩu có tàu thuyền khai thác hải sản công suất máy dưới 20CV ổn định đời sống trong 6 tháng với mức hỗ trợ 30kg gạo tẻ/khẩu/tháng. Hỗ trợ tìm nghề mới là 12 triệu/bè và 8 triệu/mủng. Hộ nào giải bản trước ngày 15/3/2016 thì được thưởng 10 triệu/bè hoặc mủng. Nếu các hộ đóng mới, mua mới tàu có công suất 30CV đến dưới 400CV là 35% giá trị đóng tàu cụ thể từ 125 triệu với tàu 30CV-50CV đến 250 triệu với tàu có công suất 90CV trở lên.
Ngoài ra, UBND tỉnh Thanh Hóa cụ thể là Phó chủ tịch Lê Anh Tuấn khi tiếp công dân cũng chỉ đạo UBND thị xã Sầm Sơn khẩn trương xây dựng phương án, chính sách hỗ trợ nhân dân chuyển đổi nghề nghiệp từ đánh bắt hải sản sang ngành nghề khác.
"Tỉnh hỗ trợ như thế chúng tôi cũng không đồng ý. Số tiền đó là 50 triệu chứ 500 triệu chúng tôi cũng không lấy. Chúng tôi không lấy bằng tiền mà chỉ đòi hỏi được bờ biển để người dân sinh sống đời đời mãi mãi. Chứ số tiền đó, nhận về tiêu hết thì sau này thất nghiệp, cuộc sống sẽ đi về đâu", ông Ngô Hữu Nhâm, người dân thôn Hồng Thắng, xã Quảng Cư cho biết.
Ông Trương Duy Khương, người dân xã Quảng Cư gạt những giọt nước mắt, thổ lộ: "Tôi năm nay 66 tuổi rồi, cha mẹ tôi, ông bà tôi đều bám biển để nuôi chúng tôi. Đến đời tôi cũng vậy, tôi cũng nuôi các con tôi bằng nghề biển. Từ bé, chúng tôi chỉ biết đánh cá, làm ruộng để kiếm kế sinh nhai. Khi tỉnh Thanh Hóa thông báo cho chúng tôi là sẽ vào đầu tư để cải tạo, nâng cấp bãi biển để thành một bãi biển hiện đại. Chúng tôi đã hiến đất, hiến ruộng, rồi hiến cả rừng phòng hộ. Giờ đây, không cho chúng tôi đi đánh cá nữa. Chúng tôi biết làm gì? Chúng tôi đã hiến cho họ nhiều rồi, chả nhẽ yêu cầu nhỏ của chúng tôi chỉ chừng 500m bờ biển để neo đậu tàu bè, kiếm kế sinh nhai cũng không được sao?”.
>>> Clip quang cảnh cảnh khu vực bãi biển phía đông đường Hồ Xuân Hương nơi được thu hồi thực hiện dự án: