Mời quý độc giả xem video Người đàn ông vô gia cư bị đuổi khỏi cửa hàng McDonald's gây bức xúc:
Một ngày sau vụ việc McDonald's ở Myrtle Beach (South Carolina, Mỹ) đuổi người mua đồ ăn cho người vô gia cư, làn sóng phẫn nộ của dân mạng thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Dân mạng Việt một lần nữa lại không nằm ngoài phong trào ném đá, tẩy chay này.
Dân mạng Việt "góp phần" không nhỏ trong số 14.000 đánh giá 1 sao dành cho McDonald's ở Myrtle Beach. Ảnh chụp màn hình. |
Hàng nghìn người truy cập vào fanpage của cửa hàng đồ ăn nhanh ở Myrtle Beach, đánh giá 1 sao, nâng tổng số đánh giá thấp nhất lên 14.000. Trong khi đó, số lượng đánh giá 5 sao là 27 và tổng số người chọn 3 mức đánh giá còn lại là 4.
Kèm theo việc đánh giá 1 sao, người dùng mạng Việt Nam cũng chỉ trích thái độ "không thể chấp nhận nổi" của McDonald's đối với người đàn ông vô gia cư.
"Thật đáng xấu hổ", "Cách hành xử quá tệ", "Làm ơn đừng phân biệt đối xử với người vô gia cư", "Tôi sẽ không bao giờ mua đồ ăn của McDonald's, ở bất kỳ đâu", "Chính thức tẩy chay McDonald's", dân mạng Việt lên tiếng.
Đánh giá của người dùng Việt Nam tràn ngập fanpage McDonald's ở Myrtle Beach. Ảnh chụp màn hình. |
Điều đáng nói, nhiều tài khoản dùng từ ngữ thô tục (tiếng Anh và tiếng Việt) để chửi rủa McDonald's cũng như quản lý cửa hàng ở Myrtle Beach.
Bên cạnh những bình luận và đánh giá quá khích, không ít người khẳng định cửa hàng không sai khi đuổi hai vị khách. Họ làm vậy nhằm đảm bảo chất lượng phục vụ đối với những khách hàng khác.
"Họ đối xử tử tế với ông cụ vô gia cư trong khi người đàn ông mời ông ấy ăn hành xử quá tệ. Tại sao anh ta cứ đứng từ xa để quay video, định chơi bẩn McDonald's à", Nguyễn Minh Minh vẫn đánh giá 5 sao giữa làn sóng tẩy chay.
Tài khoản Shaun Hartford cũng có cái nhìn tương tự. Người này cho rằng những người đang chỉ trích hành động của quản lý đều đạo đức giả. Đặt họ vào vị trí khách hàng, liệu họ có đến nơi người vô gia cư thường xuyên xuất hiện, xin tiền, đồ ăn?
Trong khi đó, một số người khác đánh giá 5 sao hy vọng người dùng mạng có thể bình tĩnh suy xét trước khi lên án hay tẩy chay thương hiệu đồ ăn nhanh nổi tiếng này.
Thực tế, sau vụ việc, cảnh sát Myrtle đã giải thích rõ họ xuất hiện sau khi nhiều người phản ánh ông cụ vô gia cư xin tiền và Yossi Gallo bị đuổi, theo yêu cầu của quản lý khi anh này lớn tiếng tranh cãi, ảnh hưởng tới khách hàng khác.
Joel Pellicci Jr. - chủ cửa hàng McDonald's ở Myrtle Beach - cũng khẳng định họ đuổi Yossi lý do này, không phải vì khách mua đồ ăn cho người vô gia cư như anh ta nói.
Trên một số fanpage lớn, người dùng mạng Việt cũng kêu gọi cộng đồng theo dõi hết video để nắm rõ sự việc, đồng thời không phản ứng quá khích, bất lịch sự.
Tuy nhiên, số lượng này không lớn và gần như không mấy ảnh hưởng tới hàng nghìn người dùng mạng khác vào đánh giá 1 sao.
McDonald's không phải "nạn nhân" duy nhất của phong trào "ném đá" từ dân mạng Việt Nam.
Bình luận khiếm nhã của dân mạng Việt khiến nhiều người khiếp sợ. Ảnh chụp màn hình. |
Tháng 6 năm ngoái, hàng loạt tài khoản Việt vào Instagram của Hoa hậu Hoàn vũ Pia Wurtzbachm trước thông tin cô trở lại vị trí giám khảo cuộc thi Asia's Next Top Model 2017, dùng lời lẽ thô tục để chửi bới cô bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh.
Cosplayer nổi tiếng người Trung Quốc Aliga cũng từng khiếp vía khi fan Việt vào trang cá nhân chê bai, chửi bới, "nhận vơ" cô là vợ hay "đấng thánh thần".
Gần đây nhất, cộng đồng mạng Việt cũng thể hiện hành vi bất lịch sự tại Facebook của cầu thủ ghi bàn ấn định chiến thắng của U23 Uzbekistan tại chung kết U23 châu Á vừa qua trước khi đồng loạt báo cáo, đánh sập trang cá nhân của anh.