Công trình đường sắt trên cao liên tiếp gây họa
Thời gian vừa qua, tại Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giàn giáo hay cần cẩu của các công trình xây dựng sập, đổ gây tai nạn chết người cho cả người lao động cũng như người dân tham gia giao thông hoặc sinh sống lân cận công trình.
Cụ thể: ngày 6/11/2014 tại khu vực đối diện Viện Y học dân tộc Tuệ Tĩnh trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), một thanh sắt dùng cho xây dựng nhà ga tuyến đường sắt trên cao Hà Nội - Hà Đông bị tuột khỏi cần cẩu rơi xuống dòng người đang lưu thông. Vụ việc đã khiến một người thiệt mạng và hai người khác bị thương.
Khoảng hơn một tháng sau, ngày 28/12/2014, một đà giáo của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tại khu vực ga bến xe Hà Đông trên đường Trần Phú đã đổ sập khi công nhân đang đổ bê tông. Đúng lúc đó, một chiếc taxi chở 3 nữ hành khách đi qua. Rất may không có ai bị thương.
Mới đây, vào tối 10/5/2015, thanh dầm thép của dự án đường sắt metro Nhổn - Ga Hà Nội (trên đường Hồ Tùng Mậu) bất ngờ tuột khỏi cần cẩu, rơi xuống đường khiến nhiều người hốt hoảng.
Hơn 2 ngày sau (12/5), tại dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đoạn nhà ga Vành đai 3, một thanh sắt từ trên công trường đã rơi trúng cánh cửa của một xe bốn chỗ chạy bên dưới. Rất may không có ai bị thương.
Người dân chưa kịp hoàn hồn sau hàng loạt vụ tai nạn "từ trên trời rơi xuống" thì đến 16h chiều cùng ngày, chiếc cần cẩu dài hơn 10 m tại công trường xây dựng tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội trên đường Cầu Giấy đã bị đổ sập đè lên nhà dân. Vụ việc khiến hai người đi đường bị thương, trong đó có một người phụ nữ đang mang thai.
Một chiếc cần cẩu đè bẹp nhà người dân tại công trường thi công ga số 4 tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nộị |
Dân Hà Nội lo nơm nớp khi ra đường
Chưa đầy một năm, hai dự án đường sắt đô thị trị giá hơn 2 tỷ USD tại Hà Nội liên tiếp xảy sự cố làm một người chết, 5 người bị thương, nhiều phương tiện bị hư hỏng khiến người dân Hà Nội quá nản và hoảng sợ công trình đường sắt trên cao.
Bạn Ngô Thuy Nhung (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Sáng thì sắt rơi, chiều cần cẩu gẫy. Ngày 2 vụ thế này thì đường sắt có làm xong chắc cũng chả dám đi... Tốt nhất, vì sự bình an của bản thân và gia đình mọi người, nếu có thể hãy tránh xa những những con đường này chứ đừng nhanh một phút rồi chậm cả đời."
"Đi mua sắm thì được khuyên "hãy là người tiêu dùng thông thái", bây giờ đi ra đường người dân nên học tập theo câu đó để chúng ta đều trở thành những "người tham gia giao thông thông thái", phải biết tự bảo vệ mình trước các tai họa từ trên trời rơi xuống ", Nhung nói thêm.
Theo quan điểm của anh Lý Quốc Trưởng sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ, “Ra đường đằng sau thì xe điên, đằng trước xe liều (đột ngột chuyển hướng, lạng lách, trong ngõ lao ra… - PV); dưới thì ổ voi, ổ gà, nắp cống; trên đầu thì sắt thép rơi. Đúng là thập diện mai phục. Tôi thấy, ở đường Hà Nội giờ chẳng có chỗ nào an toàn cả. Không phải vì thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ tôi mới nghĩ như thế mà vì nhiều khi đi qua thấy nhiều công nhân làm việc ẩu quá, coi thường tính mạng mình và cả những người xung quanh.”
Đồng quan điểm với anh Trưởng, chị Vũ Thị Hương (làm việc tại đường Hồ Tùng Mậu) khẳng định: “Đây là những cái bẫy khổng lồ đối với người đi đường. Tôi thấy biện pháp an toàn trong thi công ở Việt Nam quá kém. Cơ quan quản lý lúc nào cũng thấy rút kinh nghiệm với lấy làm tiếc trong khi tính mạng của biết bao người dân đang bị đe dọa. Thật nản!”
Không riêng gì những người dân sinh sống ở khu vực Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội mà ngay cả những người dân ở tuyến đường thi công Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cũng hết sức lo lắng khi đi qua chân giàn giáo.
“Ngày nào đi học em cũng phải đi qua con đường Hoàng Cầu. Nhưng khi những tai nạn liên tiếp xảy ra, em phải đi đường vòng dù xa hơn nhưng tránh được đoạn nào hay đoạn đấy vì chả biết lúc nào nó lại sập.” - bạn Phương Chi (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.
Mặc dù người dân chọn giải pháp đi đường vòng hoặc tìm một con đường khác xa hơn nhưng đây không phải là biện pháp lâu dài bởi hầu hết những tuyến đường thuộc Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội và Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đều là những tuyến đường huyết mạch của Hà Nội, lượng người lưu thông dưới công trình rất đông. Thiết nghĩ, các cơ quan ban ngành cần có biện pháp cứng rắn để tránh xảy ra những hậu quả khó lường.