Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra đang lây nhiễm rất nhanh, nghiêm trọng và đã ở mức rất cao tại Trung Quốc. Hiện trên thế giới đã có 9.832 người mắc bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona và lan ra 22 quốc gia, vùng lãnh thổ (bên ngoài lục địa Trung Quốc). Đã có 213 người tử vong đều ở Trung Quốc. Tại Việt Nam, hiện đã ghi nhận 5 người mắc nCoV, trong đó có 2 cha con người Vũ Hán, Trung Quốc.
Những con số thống kê trên cho thấy diễn biến phức tạp của dịch bệnh do virus Corona gây ra. Đáng chú ý, số ca nhiễm virus Corona gây bệnh viêm phổi cấp đã gia tăng như vũ bão, vượt qua số ca nhiễm SARS (Hội chứng viêm đường hô hấp cấp nặng) giai đoạn 2002-2003. Trong dịch SARS trước đây phải mất 4 tháng mới lây nhiễm 1000 người thì chỉ với hơn 1 tháng, virus corona đã lây nhiễm đến 10.000 người, nguy hiểm hơn, virus corona có thể lây lan cả khi người bệnh chưa có biểu hiện bệnh mà vẫn đang trong giai đoạn ủ bệnh. Do vậy, việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức công bố tình trạng "khẩn cấp toàn cầu" về virus corona là vô cùng cần thiết.
Người dân Hà Nội chen chúc đi mua khẩu trang phòng dịch bệnh Corona. |
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, việc phòng chống dịch là vô cùng cần thiết. Thời gian qua, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành liên tục ra chỉ thị, công điện đề ra những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh. Tuy nhiên, với người dân biện pháp tốt nhất để phòng bệnh là hạn chế đến chỗ đông người, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch như: đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, sử dụng chất sát khuẩn…
Dù biết rằng, việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh do virus Corona gây ra là người dân cả nước cần thực hiện để bảo vệ bản thân và gia đình. Tuy nhiên, có lẽ khổ nhất là người dân Hà Nội khi vừa phải chen chúc đi mua khẩu trang, thuốc diệt khuẩn, nước sát trùng vừa phải trải qua nỗi thống khổ của việc trục lợi bởi những kẻ thiếu lương tâm như găm hàng, tăng giá. Nhìn cảnh hàng trăm người chen chúc tại chợ thuốc lớn nhất miền Bắc ở toà nhà Hapulico, quận Thanh Xuân, Hà Nội để mua khẩu trang, nước sát trùng trong khi nhiều cửa hàng treo biển hết khẩu trang, nước rửa tay phòng dịch bệnh do virus corona mới thấy nỗi khổ của người dân Hà Nội thời dịch bệnh.
Bằng chứng rõ ràng nhất chính là ngày 31/1, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội phát hiện một số cơ sở kinh doanh khẩu trang y tế trên phố Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân (Hà Nội) có dấu hiệu găm hàng, không niêm yết giá bán. Đặc biệt, nhiều mặt hàng tăng giá đột biến, đặc biệt là khẩu trang y tế, thiết bị phòng hộ, dung dịch rửa tay, thậm chí tăng gấp hàng chục. Cụ thể, một hiệu thuốc cổng sau Bệnh viện Bạch Mai, một hộp khẩu trang y tế (loại 50 chiếc màu xanh) được bán với giá từ 200.000 - 300.000 đồng (trước đây là 35.000 đồng). Khẩu trang 3M được bán với giá 80.000 đồng/chiếc (trước đó loại này chỉ bán với giá 12 - 15.000 đồng/chiếc).
Như Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch -Tài chính (Bộ Y tế) Lê Thành Công mới đây cho biết tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá chiều 31/1, nhu cầu khẩu trang và nước sát trùng đang tăng đột biến. Tuy nhiên, cả nước có 46 đơn vị sản xuất khẩu trang nhưng nguyên liệu phụ thuộc phía Trung Quốc và bị động kế hoạch sản xuất do sát Tết Nguyên đán. Trong khi đó về dung dịch sát khuẩn, chủ yếu dùng trong đơn vị y tế qua đấu thầu mua sắm, giờ mỗi gia đình mua thì việc đáp ứng sẽ khó khăn.
Tuy nhiên, hiện nay, việc tăng giá này không phải do đơn vị sản xuất tăng giá bán mà do một số cá nhân lợi dụng tình hình dịch bệnh, nhu cầu mua khẩu trang tăng cao để tự ý tăng giá bán lẻ.
Những kẻ trục lợi không chỉ là những kẻ bất lương khi trục lợi trên sự lo lắng, nỗi thống khổ ngột ngạt của người dân thời dịch bệnh. Những kẻ này không chỉ bị lên án mà còn cần phải bị xử phạt, thậm chí truy trách nhiệm hình sự.
Trong nỗi thất vọng về tình trạng găm hàng, thổi giá khẩu trang, ở Hà Nội vẫn có những điểm sáng khi một số cửa hàng kinh doanh phát khẩu trang miễn phí cho người dân như tại địa chỉ 266 Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng), 70 Thái Hà và 66 Chùa Láng (thuộc quận Đống Đa). Tiếc rằng, số lượng khá ít ỏi không đủ nhu cầu của người dân thời dịch bệnh. Không biết, nhìn vào những điểm sáng này, những kẻ găm hàng, thổi giá trục lợi trước nỗi thống khổ của người dân đang nghĩ gì về lương tâm và đạo đức làm người.
Trước dấu hiệu găm hàng, tăng giá “ăn theo” dịch bệnh Corona, nhất là khẩu trang y tế, thiết bị phòng hộ, dung dịch rửa tay…mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá, yêu cầu kiểm soát chặt và xử phạt nếu phát hiện vi phạm. Dù biết rằng, khó có thể xử lý hết những hành vi vô tâm bằng các điều luật hiện hành nhưng với sức mạnh của cộng đồng, cùng với sự kiên quyết của các cơ quan chức năng, tình trạng này sẽ có thể được xử lý triệt để.
Sống ở thủ đô, nơi vốn được coi là văn minh, nhưng người dân Hà Nội lại liên tiếp phải trải qua những mệt mỏi. Chỉ 4 tháng qua, cuộc sống trở lên ngột ngạt khi liên tục hưởng đủ bụi mịn, không khí nhiễm thủy ngân, uống nước váng dầu từ nước sạch sông Đà và giờ chạy dịch Corona.
Hình ảnh những người dân xếp hàng, chen chúc để mua khẩu trang, nước sát trùng dù với giá cao gấp nhiều lần thời điểm chưa dịch bệnh khiến nhiều người nhớ lại cảnh người dân thủ đô xếp hàng từ nửa đêm đến rạng sáng để hứng từng xô nước khi nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu thải, thấy cảnh người dân khốn khổ bỏ nhà, bỏ cửa để tránh không khí nhiễm độc thủy ngân khi xảy ra vụ cháy Nhà máy Rạng Đông, hay bịt kín khẩu trang ngay cả khi ở trong nhà do bụi mịn, ô nhiễm không khí.
Ở nơi văn minh nhất nước mà sao cuộc sống của người dân thủ đô lại ngột ngạt, khốn khổ đến vậy!
>>> Xem thêm video: Đà Nẵng: Cách ly du khách Trung Quốc nghi nhiễm virus Corona
Nguồn VTC Now.