Theo quan sát của phóng viên, mặc dù đang trong mùa lũ nhưng mực nước sông Hồng ở mức thấp, các trụ cầu, trụ chống va đều trơ cọc móng, các bãi cạn vẫn còn nguyên.
Trụ cầu Long Biên lộ cọc móng giữa mùa nước lớn. |
Những người dân sinh sống hàng chục năm ở các khu vực bãi bồi ven sông cũng xác nhận điều này. "Mọi năm tầm đầu tháng 6 âm nước đã mấp mé vào bãi nhưng năm nay còn thấp lắm", ông Nguyễn Văn Hùng (61 tuổi), sống bằng nghề trồng trọt gần 20 năm qua ở bãi bồi chân cầu Long Biên chia sẻ.
Theo người nông dân này, mực nước sông Hồng đang thấp hơn cả mét so với cùng kỳ năm ngoái, gây ra không ít khó khăn cho việc canh tác hoa màu ven sông. "Các năm trước, mưa cỏ gà tháng 4 sông đã tràn trề nước nhưng năm nay gần hết tháng 6 vẫn chưa thấy đâu. Giếng khoan lấy nước tưới rau giờ cũng khó bơm, phải mồi hoặc đào hố, hạ máy sâu xuống mới chạy được', ông Hùng phàn nàn.
Khu vực bãi bồi sông Hồng khu vực chân cầu Long Biên chủ yếu trồng rau theo mùa và chuối. Khi mực nước sông xuống thấp, ít mưa làm nước canh tác gặp khó khiến nhiều diện tích hoa màu bị cháy. "May ra tháng 7 mưa ngâu nước mới lên, tưới tiêu mới đỡ vất vả được", ông Hùng phỏng đoán thêm.
Ngược lên phía thượng nguồn, khu vực canh tác ở bãi bồi ngoại Đê tả sông Hồng đoạn qua xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh cũng chung tình trạng thiếu nước. Nông dân trong vùng chủ yếu trồng hoa màu, đang chăm sóc cho lạc và ngô nhưng phải đi lấy nước từ xa để phục vụ tưới tiêu, phun thuốc bảo vệ.
Bà Lê Thị Học (60 tuổi), người làng Phương Trạch, xã Vĩnh Ngọc cho biết: "Hơn chục năm nay, nước không tràn vào bãi nữa nhưng mùa này cũng mấp mé bãi cát ven sông. Riêng năm nay, nước còn thấp hơn mép bãi cát 3-4m, chưa biết bao giờ mới dâng".
Hơn 15 năm làm ruộng ở bãi bồi ngoài đê, từ khi còn trồng dâu tằm cho đến khi chuyển đổi sang đậu, lạc, ngô và chuối, bà Học nói rất ít khi nước sông xuống thấp đến như vậy vào thời gian này trong năm.