Những dây pháo rải khắp vỉa hè, pháo treo dọc lối vào đám cưới. Một người đàn ông châm lửa, tiếng pháo nổ liên thanh, khói bay lên trắng xóa một khu vực, xác pháo đỏ vương vãi khắp nơi...
Đó là những hình ảnh vừa diễn ra tại một đám cưới tại xã Phù Lỗ (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) khiến dư luận vô cùng bất ngờ. Bởi từ năm 1995 khi chỉ thị số 406 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo có hiệu lực đến nay, chưa một đám cưới nào diễn ra cảnh tượng trên.
Đáng chú ý, nội dung một đoạn clip đăng tải hình ảnh, video về việc đốt pháo trong đám cưới ở Sóc Sơn lên mạng xã hội chiều 2/3 cho thấy, cảnh tượng đốt pháo trên diễn ra giữa ban ngày trước sự chứng kiến của nhiều người dự đám cưới. Không những không can ngăn, nhiều người còn tỏ ra thích thú, dùng điện thoại ghi lại cảnh tượng trên.
Hình ảnh đốt pháo trong đám cưới tại Sóc Sơn gây bức xúc dư luận. |
Theo quy định của pháp luật, hành vi mua bán và kinh doanh các loại pháo nổ là vi phạm pháp luật, tùy từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Buôn lậu tại Điều 188 Bộ luật Hình sự 2015 hoặc tội Sản xuất, buôn bán hàng cấm quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự 2015 có hình phạt lên tới 15 năm tù, tội tàng trữ vận chuyển hàng cấm tại Điều 191 Bộ luật Hình sự 2015 có hình phạt đến 10 năm tù hoặc bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu hành vi chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự.
Đối với hành vi đốt pháo trái phép sẽ bị xử phạt hành chính từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Ngoài ra, hành vi đốt pháo cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 có hình phạt lên tới 7 năm tù.
Những người đốt pháo và cả gia chủ tổ chức đám cưới trên không phải không nắm rõ các quy định của pháp luật về việc tàng trữ và đốt pháo nổ, không thể không biết hành vi trên là vi phạm pháp luật. Vì sao họ vẫn thản nhiên vi phạm, coi thường pháp luật?
Lâu nay “trưởng giả học làm sang” không phải là chuyện hiếm xảy ra trong xã hội. Nhất là thời đại kinh tế phát triển, nhiều hộ gia đình trở lên giàu có sinh ra nhiều “thú chơi ngông” khoe khoang cuộc sống sang chảnh, xa hoa, khoe sự giàu có một cách thái quá và dịp tổ chức đám cưới cũng là dịp để khoe sự giàu có như vậy.
Thực tế thời gian qua, nhiều đám cưới được tổ chức khá hoành tráng lên đến nhiều tỷ đồng tại nhiều tỉnh thành khiến dư luận hết lần này đến lần khác xôn xao.
Ví dụ điển hình mới đây, đám cưới tiền tỷ con một đại gia ở Quảng Ninh khiến dư luận trầm trồ khi rạp cưới trang trí hoa tươi, cỗ đãi khách đắt đỏ, sự xuất hiện của nhiều xe sang hay đám cưới con một đại gia ở TP HCM cũng thu hút sự chú ý từ dư luận khi có mặt của nhiều người nổi tiếng, xe sang…
Không chỉ con của doanh nhân mà ngay con của “quan chức” cũng được tổ chức rình rang như đám cưới con bà Hồ Thị Cẩm Đào, trưởng Ban dân vận, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng khi kéo dài nhiều ngày, nhiều bữa và nhiều xe biển xanh đến dự. Sau đó, chính nữ đại biểu này đã phải kiểm điểm trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo trong việc tổ chức đám cưới cho con và rút kinh nghiệm sâu sắc vì thiếu cân nhắc đã mời khách đến dự cưới đông.
Dẫn ví dụ ở trên để thấy sự “khoe” cũng có nhiều kiểu. Người khoe của, người khoe quan hệ nhân dịp đám cưới của con cái nhưng đám cưới ở Phù Lỗ (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) lại được coi là chơi ngông đến độ coi thường pháp luật, ngang nhiên đốt lượng pháo lớn thì hẳn đó là một trò lố bịch.
Sự việc đám cưới đốt pháo đỏ đường ở Hà Nội dư luận đặt câu hỏi, con ai mà “to gan” đến vậy? Lãnh đạo xã Phù Lỗ cho biết, đã xác định được cặp vợ chồng tổ chức đám cưới cho con đốt hàng vạn quả pháo tép dây. Vợ chồng này không phải là “quan chức” mà là một doanh nhân kinh doanh thuốc lá. Bản thân vị doanh nhân này khi trả lời báo chí cho biết, bản thân có nghe đến việc khách ở đám cưới đốt pháo nhưng ông không rõ ai đốt.
Để xảy ra việc đốt pháo trên không thể không nói đến trách nhiệm của chính quyền địa phương. Bởi chiều 2/3, khi sự việc trên được đăng tải trên mạng xã hội, người viết bài này đã điện cho một lãnh đạo UBND xã Phù Lỗ nhưng bản thân ông không hề hay biết việc đốt pháo diễn ra vào sáng cùng ngày. Thời điểm nhận thông tin, lãnh đạo xã Phù Lỗ mới cử công an xuống địa bàn để xác thực. Điều đó cho thấy sự buông lỏng trong quản lý, không sâu sát địa bàn của chính quyền địa phương. Bởi đốt một hai quả pháo đã gây dư luận, đốt cả một dây pháo dài trăm mét như vậy ngay giữa ban ngày, ven quốc lộ mà chính quyền địa phương không hay biết thì cũng là điều rất lạ.
Trong suốt thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công an và các địa phương đã nỗ lực, quyết liệt trong việc ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng vận chuyển, sử dụng, buôn bán pháo trái phép. Tuy nhiên “trên quyết liệt, dưới thờ ơ” như ở Phù Lỗ khiến tình trạng đốt pháo vẫn diễn ra, gây bức xúc dư luận.
Mới đây, Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an thành phố Hà Nội xác minh, xử lý, triệu tập một số người để điều tra, làm rõ vụ đốt số lượng lớn pháo trong đám cưới xảy ra trên địa bàn xã Phù Lỗ. Dư luận đề nghị lực lượng công an phải sớm điều tra, nghiêm trị những kẻ đốt pháo lẫn người mua, bán số pháo trên để xử lý nghiêm những hành vi coi thường pháp luật, đảm bảo pháp luật được thực thi một cách nghiêm túc. Đồng thời, xem xét làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương khi để xảy ra tình trạng trên mà không kịp thời ngăn chặn, xử lý.