Chiều 24/10, Bộ trưởng Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình về dự án Luật Bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ. Đây là lần đầu luật được trình ra Quốc hội.
Luật được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) năm 2008 và chuẩn bị song song với dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Bộ GTVT chủ trì soạn thảo.
Theo Bộ trưởng Công an, Luật GTĐB 2008 đồng thời điều chỉnh hai lĩnh vực khác nhau là trật tự, an toàn giao thông đường bộ và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ.
“Đây là hai lĩnh vực rất lớn và khác nhau nhưng lại được điều chỉnh trong một đạo luật dẫn đến không thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc cả hai lĩnh vực”, ông Tô Lâm nói.
Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh Luật Bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ có mục tiêu lớn nhất là bảo vệ quyền con người, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông.
Còn Luật GTĐB (sửa đổi) có mục tiêu lớn nhất là đầu tư, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý vận tải đường bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Việc Chính phủ quyết định trình Quốc hội dự án luật này cùng với dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), theo Bộ trưởng Công an, điều này đã được thảo luận, cân nhắc, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ảnh: Quốc hội. |
Ông cho biết luật bổ sung nhiều hành vi bị nghiêm cấm như: Điều khiển phương tiện khi trong cơ thể có chất ma túy hoặc các chất kích thích khác; điều khiển phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; dùng tay sử dụng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện; rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác trên đường bộ…
Về quản lý phương tiện, Bộ Công an nhận định đây là nội dung quan trọng để gắn trách nhiệm của chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông. Trong khi đó, Luật GTĐB 2008 chưa quy định các nội dung mang tính nguyên tắc về công tác đăng ký, quản lý phương tiện, trách nhiệm của chủ phương tiện.
Vì thế, Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ quy định về các nội dung: Điều kiện tham gia giao thông đường bộ; cấp, thu hồi đăng ký biển số xe cơ giới; trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền về cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe; trách nhiệm của chủ xe cơ giới.
“So với Luật GTĐB 2008, dự án Luật Bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ đã bổ sung quy định chi tiết nhiều nội dung về công tác đăng ký, cấp biển số xe theo hướng chặt chẽ hơn, bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính, phục vụ nhân dân, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ”, ông Tô Lâm nhấn mạnh.
Ông cũng lưu ý việc quản lý người điều khiển phương tiện giao thông là quản lý hành vi của con người, phải thực hiện đồng bộ, thường xuyên, liên tục, từ khâu đào tạo, đến sát hạch, cấp giấy phép lái xe và quản lý quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe sau khi cấp giấy phép lái xe, không đơn thuần như việc quản lý các loại giấy phép, chứng chỉ thông thường khác.
Về phạm vi điều chỉnh, Bộ trưởng Công an cho biết có ý kiến đề nghị quy định vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe theo 2 phương án.
Phương án 1: Vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Phương án 2: Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tiếp tục điều chỉnh vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe. Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải xây dựng nội dung thuyết minh phù hợp cho từng phương án.
Theo Bộ Công an, đa số ý kiến thành viên Chính phủ ủng hộ phương án 1, còn phương án 2 được đưa ra để Quốc hội tham khảo.
Thẩm tra dự án luật này, Ủy ban Quốc phòng An ninh cho biết còn ý kiến khác nhau về quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt, một số ý kiến cho rằng đào tạo, sát hạch lái xe để hoàn thiện kiến thức, kỹ năng, ý thức của người lái xe, nhằm xây dựng trạng thái GTĐB an toàn, là nội dung của bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, nên giao cho Bộ Công an quản lý Nhà nước là phù hợp.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt, một số ý kiến cho rằng việc thay đổi thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an là chưa phù hợp. Ảnh: Quốc hội. |
Bộ Công an sẽ thống nhất quản lý về cả phương tiện và người tham gia giao thông xuyên suốt từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và sau khi được cấp GPLX. Qua đó, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và chấp hành pháp luật của người lái xe.
“Việc chuyển đổi này chỉ thay đổi về quyền quản lý, còn các cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe đã được xã hội hóa vẫn tiếp tục hoạt động, không có sự thay đổi về vị trí, tổ chức, nhiệm vụ”, ông Việt nói.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng việc thay đổi thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an là chưa phù hợp với tinh thần của Trung ương về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước và gây lãng phí.
Nguyên nhân là Bộ Công an phải đầu tư về con người, phương tiện, cơ sở đào tạo, cơ sở sát hạch, cơ sở vật chất bảo đảm, trong khi Bộ GTVT đã có và đang thực hiện ổn định.
Theo cơ quan thẩm tra, trách nhiệm quản lý về đào tạo, sát hạch, cấp giấp phép lái xe thuộc thẩm quyền phân công của Chính phủ, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi, thuận lợi cho người dân và cải cách thủ tục hành chính.