Không khí Black Friday đã rộn ràng nhiều ngày nay ở Hà Nội. |
Nhưng, có những bí mật ít biết phía sau nhiều cửa hàng, đặc biệt là những cửa hàng nhỏ lẻ, chuyên "ăn theo" những dịp khuyến mại lớn để đẩy hàng. Đó là những cái "bẫy" giăng sẵn mà nếu không tinh và cẩn trọng thì người tiêu dùng dễ mắc. Đã từng mở shop bán quần áo tại phố Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội, chị T.Q. một người buôn mặt hàng thời trang lâu năm tiết lộ nhiều “chiêu trò” của giới kinh doanh trong dịp này.
Chị Q. cho biết, những dịp giảm giá lớn, nhu cầu mua sắm thường vượt mức bình thường, đây là thời điểm “vàng” để dân buôn đẩy được hàng tồn, hàng lỗi, hàng ế ẩm trong suốt thời gian trước. “Dịp này tại các cửa hàng, người người chen lấn để xem và mua hàng dẫn tới tâm lý sợ người khác mua mất nên khách sẽ không thể kiểm tra kỹ sản phẩm có lỗi hay không. Tận dụng điều này, nhiều nơi sẽ trộn cả hàng lỗi, hàng bị cắt mác với hàng giảm giá. Ngoài ra, với chính sách hàng giảm giá sẽ không được đổi trả nên khách nào mua phải sản phẩm lỗi sẽ phải chịu”.
Chị Q. cũng tiết lộ thêm, với các mặt hàng được giảm giá từ 20-30% khách hàng tưởng rằng đã là giá gốc nhưng thực tế các cửa hàng vẫn có lãi từ 5-15%. “Chưa kể đến việc một số nơi tăng giá bán sau đó treo biển giảm giá là bình thường. Mặc dù là mánh được áp dụng từ vài năm nay nhưng vẫn có tác dụng. Tuy nhiên số lượng cửa hàng làm như vậy hiện nay không nhiều như những năm trước vì khách hàng cũng có phần cảnh giác”.
Có thâm niên 5 năm buôn hàng thời trang, anh Trường tại Thanh Xuân, Hà Nội phân tích, để thu hút được khách hàng vào xem đồ, hầu hết mọi cửa hàng đều treo biển giảm giá khủng với những con số lên đến 70% thậm chí 80%. "Tuy nhiên, khách hàng cần phải thận trọng, những mẫu càng giảm giá nhiều rất dễ là hàng khó bán, hàng lỗi hoặc lẻ size", anh Trường tư vấn.
Anh Trường cũng khẳng định thêm, những đợt như này doanh thu cửa hàng sẽ tăng cao gấp 2-3 lần ngày thường do số lượng hàng bán ra tăng đột biến: “Với hàng mới, những mẫu đang hót hoặc được nhiều người mua chúng tôi sẽ giảm từ 10-20% nhưng vẫn đảm bảo có lãi. Số tiền lãi trên một sản phẩm ít hơn ngày thường nhưng số hàng bán ra tăng nên doanh thu chắc chắn tăng. Người nào nhanh nhạy, đón được xu hướng sẽ kiếm bằng cả tháng cao điểm chỉ trong dịp này”.
Chính vì nhiều "chiêu trò" xuất hiện nên không ít người tiêu dùng thông thái đã phải bỏ túi bí kíp khi săn hàng sale. Chị Thùy Linh - một khách hàng sành mua hàng thời trang tư vấn: Đầu tiên, trước khi mua hàng cần soi kỹ chất lượng, nhất là hàng thời trang như đường may, xem sản phẩm có bị sờn, rách ở những chỗ ít để ý hay không.
Để tránh cảnh chen lấn, người mua nên chọn những ngày đầu tiên dịp khuyến mãi để mua hàng. (Ảnh minh họa: Ngọc Khánh). |
Với hàng công nghệ, cần đặc biệt chú ý đến khâu hậu mãi, thời gian bảo hành. Người mua cần check kĩ thông tin trên các trang web của hãng. Đặc biệt, với những sản phẩm có thời gian bảo hành ngắn dưới 6 tháng cần lưu ý, đồng thời kiểm tra kỹ các tính năng trước khi thanh toán.
Để tránh mua sản phẩm bị "thổi giá", trước khi mua, khách hàng cần lên mạng so sánh sản phẩm hoặc tìm kiếm trên một số trang thương mại phổ biến để có thông tin chính xác nhất.
Chị Linh cũng cho biết, đối với những dịp giảm giá mạnh như Black Friday, người tiêu dùng nên dành thời gian đi mua hàng ngay từ những ngày đầu tiên diễn ra sự kiện, dù mức giảm giá có thể chưa sâu. Vì lúc này lượng hàng còn nhiều, số lượng người mua cũng chưa đông nên có nhiều thời gian để xem xét và có nhiều lựa chọn hơn. Hơn nữa, cửa hàng cũng chưa dùng chiêu "trộn" hàng nhiều vì phải lấy uy tín với khách và nghe ngóng thị trường.
Nguồn: VTC 1.