Ngôi sao Son Heung Min (ngoài cùng, bên phải) được kỳ vọng sẽ là “hạt nhân” quan trọng để giúp Đội tuyển Hàn Quốc vượt qua vòng bảng World Cup 2022. Ảnh: Getty Images |
Kỳ vọng vào các đại diện Tây Á
Đối với đội tuyển Qatar - chủ nhà của giải đấu, đây là lần đầu tiên họ được “hít thở” bầu không khí sôi động của ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Qatar nằm ở bảng A cùng các đội tuyển Ecuador, Senegal và Hà Lan. So với các bảng đấu mà các đội tuyển châu Á còn lại góp mặt, bảng đấu của Qatar được đánh giá là “dễ thở” hơn rất nhiều. Dù đối mặt với những đối thủ được đánh giá cao hơn, nhưng đội chủ nhà có thể tự tin cạnh tranh tấm vé đi tiếp, bởi Qatar có lợi thế sân nhà và sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng trong nhiều năm qua.
Lối chơi của Qatar được xây dựng dựa trên triết lý bóng đá tấn công, với đội hình gồm nhiều cầu thủ có kỹ thuật, tốc độ, trong đó nổi bật là tiền vệ Akram Afif và tiền đạo Almoez Ali. Dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Félix Sánchez từ năm 2017, Qatar đã gặt hái được nhiều thành công như vô địch AFC Asian Cup 2019, hạng 3 FIFA Arab Cup 2021, vào bán kết CONCACAF Gold Cup 2021. Phong độ của Qatar trong năm 2022 cũng là khá tốt với 9 trận thắng, 8 trận hòa và 3 trận thua.
Trong khi đó, tại lần thứ 6 tham dự World Cup, đội tuyển Iran gặp phải “thử thách” rất lớn khi nằm ở bảng B cùng các đối thủ Anh, Mỹ và Xứ Wales. Về mặt thực lực, các đối thủ trên có thể mạnh hơn, nhưng để đánh bại Iran là điều không hề dễ dàng. Còn nhớ tại World Cup 2018, Iran cũng rơi vào bảng đấu khó với Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Maroc, dù không thể giành vé đi tiếp nhưng màn trình diễn của Iran tại giải đấu đó xứng đáng nhận được lời khen, khi họ đánh bại Maroc 1-0, thua sát nút 0-1 trước Tây Ban Nha, khiến Bồ Đào Nha vất vả mới có được trận hòa 1-1.
Tại World Cup năm nay, Iran mang đến đội hình chất lượng gồm nhiều cầu thủ đã từng thi đấu tại World Cup 2018, trong đó nổi bật là tiền vệ Alireza Jahanbakhsh (Feyenoord) và bộ đôi tiền đạo Sardar Azmoun (Bayer Leverkusen), Mehdi Taremi (Porto). So với 4 năm về trước, nhiều cầu thủ Iran đang ở thời điểm độ chín sự nghiệp, do đó, những người hâm mộ Iran đang kỳ vọng vào việc đội nhà sẽ vượt khó để có lần đầu tiên vượt qua vòng bảng World Cup.
Còn với đội tuyển Ả Rập Xê Út, cơ hội đi tiếp của họ sẽ gặp nhiều khó khăn khi đối đầu với các đối thủ hùng mạnh là Argentina, Mexico và Ba Lan ở bảng C. Trong lịch sử, Ả Rập Xê Út từng vượt qua vòng bảng ngay trong lần đầu tham dự World Cup vào năm 1994, tuy nhiên, kết quả của họ tại 4 kỳ World Cup sau đó là không tốt, khi dừng chân ở vòng bảng. Dẫu vậy, với tâm lý thoải mái tại World Cup năm nay, các cầu thủ Ả Rập Xê Út đang rất tự tin, quyết tâm dành tặng những “món quà thú vị” cho các đối thủ tại bảng C.
Chờ đợi bất ngờ từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia
Niềm hy vọng của bóng đá châu Á tại sân chơi thế giới là đội tuyển Hàn Quốc nằm ở bảng H cùng Bồ Đào Nha, Uruguay và Ghana, bảng đấu mang đến thách thức không nhỏ dành cho tham vọng đi tiếp của đội tuyển đến từ xứ sở “Kim chi”. Tuy nhiên, với đội hình gồm nhiều cầu thủ đang chơi bóng tại châu Âu thì những người hâm mộ Hàn Quốc có thể hi vọng vào việc đội nhà sẽ tạo nên bất ngờ trước các đối thủ lớn. Về mặt phong độ, Hàn Quốc đang thể hiện phong độ khá tốt trong 15 trận đấu gần đây, với 10 trận thắng, 2 trận hòa và 3 trận thua.
Lối chơi của Hàn Quốc được xây dựng dựa trên điểm tựa đến từ hàng phòng ngự chắc chắn, với sự chỉ huy của Đội trưởng Kim Young Gwon và sự góp mặt của “hòn đá tảng” mang tên Kim Min Jae (Napoli), đây sẽ là yếu tố quan trọng giúp Hàn Quốc có thể đứng vững trước sức tấn công mạnh mẽ của Bồ Đào Nha, Uruguay, Ghana. Trên mặt trận tấn công, những ngôi sao được kỳ vọng sẽ “tỏa sáng” là tiền đạo Hwang Ui Jo (Olympiacos), Hwang Hee Chan (Wolverhampton Wanderers) và Son Heung Min (Tottenham Hospur), đó là những ngòi nổ quan trọng giúp Hàn Quốc kết thúc tốt những tình huống tấn công.
Với đội tuyển Nhật Bản - một trong những đại diện ưu tú của bóng đá châu Á tại World Cup với 3 lần vượt qua vòng bảng/6 lần tham dự, cơ hội đi tiếp của họ tại World Cup năm nay là tương đối mong manh khi nằm ở bảng E “tử thần” với sự hiện diện của Đức (nhà vô địch World Cup 2014) và Tây Ban Nha (nhà vô địch World Cup 2010), cùng Costa Rica. Dù trình độ chuyên môn, kỹ thuật, chiến thuật của Nhật Bản đã được rút ngắn đáng kể so với các đội tuyển hàng đầu trên thế giới, nhưng cơ hội giành chiến thắng của họ trước Đức và Tây Ban Nha là không lớn.
Mục tiêu khả dĩ nhất của Nhật Bản đó là cố gắng có điểm trước Đức và Tây Ban Nha, đồng thời đánh bại Costa Rica, khi đó Nhật Bản mới có cơ hội cạnh tranh tấm vé đi tiếp. Để đạt được mục tiêu trên, vai trò của những cầu thủ phòng ngự sẽ là rất quan trọng, với niềm tin được trao cho những cầu thủ đang chơi bóng ở châu Âu như Đội trưởng Maya Yoshida (Schalke 04), trung vệ Takehiro Tomiyasu (Arsenal), Ko Itakura (Borussia Mönchengladbach). Trên hàng công, những kỳ vọng bàn thắng sẽ được đặt lên đôi vai của bộ đôi tiền đạo Takumi Minamino (Monaco) và Takefusa Kubo (Real Sociedad).
Còn với đội tuyển Australia - đại diện châu Á có có chặng đường dài nhất đến với Qatar sau khi vượt qua đối thủ đến từ Nam Mỹ là Peru tại trận play-off liên lục địa, họ sẽ có màn “tái ngộ” tại bảng D với 2 đối thủ quen thuộc từng chạm trán 4 năm về trước là Pháp (nhà đương kim vô địch World Cup 2018) và Đan Mạch, bên cạnh đối thủ đến từ châu Phi là Tunisia. Với đội hình gồm những cầu thủ cao to, đang thi đấu tại châu Âu cùng lối chơi chặt chẽ, đội tuyển đến từ xứ sở Kangaroo hứa hẹn tiếp tục gây ra nhiều khó khăn cho Pháp và Đan Mạch như tại World Cup 2018, họ hoàn toàn có thể tạo nên bất ngờ trước các đối thủ nếu như tận dụng tốt cơ hội.