Đại biểu QH Nguyễn Thị Việt Nga: “Tình yêu với nghề giáo chưa bao giờ tắt”

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ, tình yêu của bà với nghề giáo chưa bao giờ lụi tắt. Đó cũng là lý do bà đưa nhiều vấn đề về giáo dục đến nghị trường.

Hình ảnh một nữ đại biểu Quốc hội luôn sẵn sàng trả lời những vấn đề “nóng” liên quan giáo dục một cách thẳng thắn, trách nhiệm đã trở nên quen thuộc với nhiều phóng viên nghị trường. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đã có những chia sẻ về tình yêu cũng như trăn trở của bà dành cho giáo dục.
Dai bieu QH Nguyen Thi Viet Nga: “Tinh yeu voi nghe giao chua bao gio tat”
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) là cựu sinh viên khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Mai Loan.
Tình yêu với nghề giáo chưa bao giờ lụi tắt
Trò chuyện với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ, từ nhỏ, bà đã được sống trong môi trường sư phạm. Gia đình bà sống trong khu tập thể của một trường học, mẹ là cô giáo dạy Văn… Mỗi ngày chứng kiến những giờ lên lớp của các thầy cô, tình yêu với nghề giáo trong bà đã lớn dần, và định hướng bà chọn nghề giáo một cách tự nhiên.

Tốt nghiệp đại học khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Nguyễn Thị Việt Nga trở thành giảng viên của Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương. Ngoài tình yêu đối với nghề giáo, nữ giảng viên trẻ Nguyễn Thị Việt Nga còn có một niềm đam mê nữa, đó là sáng tác tác văn chương. Thời học sinh, bà đã có rất nhiều tác phẩm được đăng báo, khi là sinh viên, bà từng đoạt giải cao nhất của CLB thơ sinh viên TP Hà Nội.

Cũng chính vì đam mê đó, dạy được 9 học kỳ, cô giáo Nga nhận lời mời, chuyển công tác sang Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hải Dương năm 2003. Trong quãng thời gian hơn 10 năm gắn bó với Hội, bà làm ở rất nhiều vị trí, từ biên tập viên Tạp chí Côn Sơn (sau là Tạp chí Văn nghệ Hải Dương - tạp chí của Hội), đến thư ký Tòa soạn, Tổng biên tập Tạp chí, rồi Phó Chủ tịch Hội, Chủ tịch Hội. 
Dai bieu QH Nguyen Thi Viet Nga: “Tinh yeu voi nghe giao chua bao gio tat”-Hinh-2
 Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu tại nghị trường. Ảnh: QH.

Năm 2016, sau khi bà tham gia ứng cử, trở thành đại biểu Quốc hội khóa XIV, bà chuyển công tác sang làm Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương. Từ 5/2020 bà làm Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XIV tỉnh Hải Dương. Từ 7/2021, bà trúng cử, trở thành Đại biểu Quốc hội khóa XV.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ, trong suốt quá trình làm đại biểu Quốc hội, bà luôn theo dõi rất kỹ các hoạt động của ngành giáo dục. Bởi cả hai nhiệm kỳ, bà đều là thành viên của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ngoài ra, với tâm thế của người đã từng công tác trong ngành giáo dục, bà có những am hiểu về nghề.

“Và một lý do nữa, đó là tình yêu với nghề giáo trong tôi chưa bao giờ lụi tắt. Mặc dù là không còn được đứng ở trên bục giảng nữa, nhưng trong tôi vẫn luôn có khát vọng, đó là ngành giáo dục nước nhà ngày càng phát triển và các thầy cô giáo ngày càng có một vị thế xứng đáng trong xã hội. Cũng chính vì vậy, mà tôi đã theo rất sát cũng như thường xuyên có ý kiến về các vấn đề giáo dục”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ.

Mong thầy cô sống được bằng nghề để yên tâm công tác

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ, bà rất chia sẻ với nỗi vất vả của các thầy cô giáo. Ngoài công việc lên lớp, giảng bài, họ còn có những áp lực vô hình.

Giáo viên rất ít thời gian dành cho cá nhân. Hết giờ lên lớp, về nhà, họ lại tiếp tục phải đọc bài, soạn bài, chấm bài. Ngoài ra, là một nhà giáo, họ không chỉ truyền thụ kiến thức cho học sinh mà còn phải là tấm gương để học trò soi vào, noi theo.

Chính vì vậy, họ không được phép có bất kì sự sai sót nào trong đời sống. Sự đánh giá xã hội đối với nghề giáo có phần khắt khe hơn các nghề khác, giáo viên lúc nào cũng phải chuẩn mực, kể cả lúc không ở trên bục giảng.

“Tôi lấy ví dụ một cô giáo đi chợ thôi cũng phải chuẩn bị tâm lý có thể gặp bất cứ phụ huynh, học sinh nào. Cho nên, người giáo viên từ lời ăn, tiếng nói, từ cách ăn mặc… đều phải chuẩn mực. Đó cũng là những áp lực vô hình đối với thầy cô”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ.

Dai bieu QH Nguyen Thi Viet Nga: “Tinh yeu voi nghe giao chua bao gio tat”-Hinh-3
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga trao đổi bên hành lang Quốc hội với các phóng viên. Ảnh: Mai Loan. 

Công việc vất vả, nhiều áp lực, nhưng thu nhập của giáo viên lại không đủ sống. Họ muốn đi làm thêm cũng phải cân nhắc xem công việc đó có bị xã hội đánh giá hay không. Nhiều giáo viên đã phải rời bục giảng vì áp lực cơm áo gạo tiền, theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, đó là điều rất đáng buồn, đáng để chúng ta suy nghĩ.

Bởi từng là một giáo viên, bà hiểu rằng, khi đã chọn nghề sư phạm, là hầu như trong mỗi người đều có một tình yêu rất lớn với nghề. Ngoài ra, với những thầy cô đã từng gắn bó với ngành sư phạm nhiều năm, tình cảm với nghề và với học sinh là rất lớn. Khi họ phải quyết định rời bỏ nghề mình đã từng được đào tạo, gắn bó, đam mê… thì ắt không phải là một quyết định dễ dàng.

“Cho nên tôi cho rằng, cải cách chính sách tiền lương đối với nhà giáo là cần thiết. Làm sao để thu nhập của giáo viên không bị quá chênh lệch với mặt bằng cuộc sống, để cho thầy cô yên tâm công tác”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.

Thời nào cũng cần “tôn sư trọng đạo”

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, để các thầy cô giáo giữ được tình yêu, sự đam mê đối với nghề, xã hội cũng cần có sự tôn trọng đối với nghề thầy. Theo bà, dù xã hội đã có nhiều đổi khác, nhưng truyền thống tôn sư trọng đạo vẫn cần được giữ gìn. Bởi đến trường, các em không chỉ học về kiến thức, mà còn được dạy làm người, phát triển toàn diện về nhân cách.

Vì vậy, tôn trọng thầy cô cũng chính là tu rèn đạo đức, có lòng biết ơn, cũng chính là một biểu hiện của truyền thống “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc ta.

Tuy nhiên, “tôn sư trọng đạo” không có nghĩa giữa thầy và trò có khoảng cách lớn và trò phải răm rắp nghe theo lời thầy cô mà ngày nay, các thầy cô giáo phải như một người thân của học trò, là điểm tựa để các em tìm đến khi gặp những vướng mắc…

“Tôi thấy, có những thầy cô giáo đã tựa như người bạn thân thiết, trở thành người bạn tâm giáo để các em tâm sự, tin cậy tựa vào khi các em có những vướng mắc trong cuộc sống. Cùng với đó, các em cũng không ngại thể hiện chính kiến của mình và được các thầy cô ghi nhận. Mối quan hệ thầy trò đã có những cởi mở hơn rất nhiều. Tuy nhiên, lễ nghĩa thì vẫn cần phải giữ gìn”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ, bà nhận rất nhiều ý kiến của cử tri là giáo viên cả trong và ngoài tỉnh Hải Dương. Bà đã cố gắng đưa ý kiến của họ đến với nghị trường, hoặc chuyển các cơ quan chức năng giải quyết.

Nỗi trăn trở lớn nhất của bà là áp lực mà ngành giáo dục đang gặp phải khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều vấn đề ngổn ngang và ý kiến trái chiều. Nhưng bà tin rằng, tính thời điểm của giai đoạn chuyển tiếp sẽ qua. Cùng sự ra đời của Luật Nhà giáo và sự ủng hộ của toàn xã hội, bà mong thầy cô giáo sẽ luôn luôn vững tin để tiếp tục hành trình, tuy rất nhọc nhằn nhưng cũng rất vinh quang của mình.

Mời quý độc giả xem video: "Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) chia sẻ về ý nghĩa của truyền thống "tôn sư trọng đạo" nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 bên hành lang Quốc hội, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV". Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

“Dùng điểm Văn xét tuyển ngành Y – tuyển sinh bằng mọi giá, hậu quả khôn lường"

Liên quan đến việc một số trường đại học xét tuyển ngành Y bằng môn Văn, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, trước sự đổi mới cần có nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, tránh trả giá đắt, hậu quả khôn lường.

Thông tin một số trường đại học dùng điểm môn Văn xét tuyển ngành Y đang nhận được những ý kiến trái chiều. Sáng 23/5, PV Báo Tri thức và Cuộc sống đã có trao đổi bên hành lang Quốc hội với đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) về vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Tháo gánh nặng kinh tế cho báo chí

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, gánh nặng về tài chính là một phần nguyên nhân dẫn tới những tiêu cực trong báo chí, cần phải tháo điểm nghẽn này.

Kinh phí hoạt động cho báo chí thiếu rất nhiều

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho hay, bà nhận được phản ánh, kinh phí cho hoạt động báo chí còn thiếu rất nhiều.

Đọc nhiều nhất

Tin mới