Đà Nẵng cấp hơn 92.000 giấy đi đường trong 2 ngày qua trực tuyến
Sau gần 2 ngày triển khai cấp giấy đi đường QRcode, đến thời điểm này Đà Nẵng đã xử lý 55% đề nghị của doanh nghiệp và người dân, đã cấp 92.600 giấy đi đường và người dân mới in ra 72.500 giấy, chiếm 72%.
Từ sáng ngày 5/9, người dân Đà Nẵng được xác định ở khu vực vùng vàng, vùng xanh chỉ được ra khỏi nhà khi tham gia các hoạt động theo quy định kèm theo giấy đi đường có mã QR Code.
Tối ngày 5/9, thông tin về việc cấp Giấy đi đường QRcode, Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng cho biết, sau khi có Quyết định 2905 về các biện pháp mới và công văn 5689 về cấp Giấy đi đường QRcode vào tối ngày 3/9. Từ ngày 04/9 doanh nghiệp, người dân đăng ký và các cơ quan đã rà soát phê duyệt.
|
Người dân, doanh nghiệp, các tổ chức có thể đăng nhập vào web là có thể đăng kí giấy đi đường rất tiện lợi. |
Sau gần 2 ngày triển khai cấp giấy đi đường QRcode, đến thời điểm này Đà Nẵng đã xử lý 55% đề nghị của doanh nghiệp và người dân. Thành phố Đà Nẵng đã cấp 92.600 giấy đi đường và người dân mới in ra 72.500 giấy, chiếm 72%.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, so với thời điểm chiều ngày 4/9, các cơ quan đã xử lý, cấp giấy tăng 330%. Đặc biệt trong đó có 30,7% đề nghị cấp giấy đi đường không đúng quy định và bị từ chối.
Các lý do hồ sơ cấp giấy đi đường bị từ chối như hồ sơ nộp không đúng đối tượng được phép hoạt động theo quyết định 2905, khoảng 40%; hồ sơ nộp không đảm bảo (phương án phòng chống dịch, giấy cam kết sơ sài), khoảng 30%; danh sách nhân viên đề nghị cấp giấy thiếu thông tin (không có lộ trình, tuyến đường chính, thời gian đăng ký, biển số xe, không có mục đích tham gia giao thông, không có thông tin vùng nguy cơ đỏ xanh vàng;...); danh sách nhân viên đăng ký giấy không đúng ngành nghề cho phép hoạt động. Nhóm ngày khoảng 25%; các trường hợp khác (gửi sai cơ quan đề nghị cấp) khoảng 5%.
Hầu hết thông tin trên mạng đánh giá cao việc triển khai cấp Giấy đi đường QRcode của Đà Nẵng, đặc biệt là hoàn toàn trực tuyến, áp dụng công nghệ QRcode vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; vừa góp phần trong phòng chống dịch COVID-19.
Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng bố trí 20 nhân lực trực Tổng đài hỗ trợ. Trong 1/2 ngày đã tiếp nhận khoảng 5.000 cuộc gọi về giấy đi đường.
Trước đó, Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng đã có hướng dẫn sử dụng ứng dụng quản lý, cấp giấy đi đường QR Code để sử dụng kể từ 8h ngày 5/9.
Theo đó, hai địa chỉ để đăng ký xin cấp giấy đi đường gồm: Đăng nhập vào website giaydiduong.danang.gov.vn hoặc ứng dụng eTicket-DaNang trên điện thoại di động. Các ứng dụng này cho phép thực hiện các bước đăng ký, phê duyệt, cấp giấy đi đường QR Code và nhận giấy đều trực tuyến. Cơ quan chức năng dựa trên dữ liệu để kiểm tra, xử lý các hành vi đăng ký, cấp và sử dụng không đúng giấy đi đường.
Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực được phép hoạt động mới có quyền đăng ký người tham gia giao thông, đến nơi làm việc và trở về nhà; số lượng khống chế từ 30 đến 50%; nếu đáp ứng 3 tại chỗ thì một số lĩnh vực được tối đa 70% lao động.
Người đăng ký phải cung cấp đầy đủ thông tin, chính xác trên ứng dụng. Giấy đi đường chỉ có giá trị tham gia giao thông theo nguyên tắc "1 cung đường 2 điểm đến", không được sử dụng vào mục đích khác, nhất là đi chợ, siêu thị...
Để thuận lợi cho việc giám sát, Đà Nẵng yêu cầu người đăng ký giấy đi đường phải cung cấp thông tin biển số xe dùng để đi lại thường xuyên; chi tiết mục đích đi lại và thông tin về nơi cư trú. Người đang ở "vùng đỏ" không được cấp giấy đi đường.
Riêng đối với người dân muốn ra đường trong các trường hợp cấp bách, cần thiết như đến ngân hàng, tạp hóa... thì đề nghị UBND xã, phường cấp giấy. Nếu được đồng ý, giấy đi đường phải ghi thời gian đi, về, tổng số giờ tham gia giao thông, lộ trình, điểm đến, mục đích đi lại...
Trường hợp người đăng ký được cấp giấy đi đường vì thuộc "vùng xanh" nhưng sau đó khu vực nơi ở chuyển sang "đỏ" thì giấy đi đường lập tức huỷ trên hệ thống ứng dụng.
Trường hợp doanh nghiệp thay ca hoặc thay đổi nhân viên, giấy đi đường đã cấp trước đó phải được thu hồi và cập nhật danh sách nhân viên mới. Người được cấp giấy đi đường không cho mượn, photo hay giao cho người khác sử dụng; nếu vi phạm sẽ bị thu hồi giấy và xử phạt theo quy định.
>>> Mời độc giả xem thêm video Hà Nội xem xét điều chỉnh giấy đi đường: