Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã đến thăm Bắc Kinh và gặp mặt Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc hôm 18/7. Ông Lý Thượng Phúc đang chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Khi còn là cố vấn an ninh quốc gia dưới thời chính quyền Nixon, ông Kissinger đóng vai trò chủ chốt trong quá trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Trung.
Chuyến thăm của ông Kissinger đến Bắc Kinh diễn ra vào giai đoạn căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung, dù Washington đã có một số nỗ lực nhằm ổn định quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhiều quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ thăm Trung Quốc trong tháng qua.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger. Ảnh: AP. |
Chuyến thăm của Kissinger ở tuổi 100 tròn 52 năm sau chuyến thăm bí mật của ông tới Bắc Kinh vào tháng 7/1971, một động thái mở đường cho cuộc gặp giữa Tổng thống Richard Nixon và Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhà ngoại giao kỳ cựu này vẫn được tôn kính rộng rãi ở Trung Quốc. Trong một bài báo tháng 5 trên tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc, những đóng góp của Kissinger cho quan hệ Mỹ-Trung được coi là một trong những “điểm nổi bật trong sự nghiệp” của ông.
Tuy nhiên, Washington nói chuyến thăm Trung Quốc của ông Kissinger mới đây chỉ mang tư cách cá nhân.
"Ông ấy đến Trung Quốc theo nguyện vọng của mình và không hành động thay mặt Chính phủ Mỹ", Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói và cho rằng ông Kissinger có thể báo cáo lại cho các quan chức Mỹ về chuyến đi.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc tiếp ông Henry Kissinger hôm 18/7. Ảnh: SCMP. |
Khi được hỏi rằng liệu cuộc gặp giữa ông Kissinger và ông Lý có vấn đề gì không khi bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc đang chịu trừng phạt của Washington, ông Miller không cho rằng cuộc gặp vi phạm các lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng cuộc gặp đồng cấp giữa bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Trung Quốc sẽ phù hợp hơn. Tháng trước, ông Lý đã từ chối gặp người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin tại Singapore.
Ông Henry Kissinger sinh ở Đức vào ngày 27/5/1923, vẫn được biết đến với vai trò chủ chốt trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong những năm 1960 và 1970. Hiện ông vẫn hoạt động tích cực ngay cả khi đã cao tuổi.
Trong những năm gần đây, cựu Ngoại trưởng Kissinger tiếp tục gây ảnh hưởng đối với các nhà lãnh đạo quyền lực của Washington với tư cách là một chính khách lớn tuổi.
Suốt cuộc đời mình, Kissinger đã đạt được rất nhiều bước ngoặt đối ngoại. Đó là cú bắt tay lịch sử với Trung Quốc năm 1972, đạt được hòa hoãn với Liên Xô, lật lại sự thù địch giữa Ai Cập - Israel sau cuộc chiến khốc liệt Yom Kippur hồi năm 1973.
Frank Shakespear, người đứng đầu cơ quan thông tin Mỹ (USIA), từng nói Kissinger có thể gặp sáu người cực thông minh với quan điểm cực kỳ khác biệt nhưng vẫn có thể thuyết phục họ rằng ông có quan điểm giống hệt họ.
Dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn là người được các tổng thống, các ngoại trưởng Mỹ tìm đến khi Washington gặp những khó khăn đối ngoại. Rất gây tranh cãi (đã có rất nhiều nhóm muốn đưa ông ra tòa án quốc tế) nhưng ông được coi là ngoại trưởng xuất chúng trong lịch sử Mỹ.