Cựu chiến binh Nguyễn Kim Hùng (bên trái) chia sẻ kinh nghiệm làm máy bơm nước cho các hội viên cựu chiến binh. Ảnh: Minh Anh. |
“Nhà sáng chế chân đất”
Chia sẻ về cơ duyên trở thành “nhà sáng chế”, cựu chiến binh Nguyễn Kim Hùng, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh chia sẻ, ông đến với nghề cơ khí cũng là vì bát cơm manh áo. Thời đó gia đình ông rất nghèo, không có điều kiện đi học tiếp nên ông buộc phải đi học một nghề kiếm sống.
Năm 1974, khi ông Nguyễn Kim Hùng 14 tuổi, xác định sẽ đi làm nghề, nhận thấy xe đạp bắt đầu phát triển, ông đã tự đi học nghề cơ khí, để về sửa chữa xe đạp. Ông học rất nhanh, tất cả những đồ cũ hỏng hóc của bà con qua tay ông lại hoạt động trơn tru. Bà con đặt cho ông biệt danh là "thợ sửa xe biết tuốt", "bác sĩ máy móc".
Ông Nguyễn Kim Hùng giới thiệu sản phẩm máy bơm nước. Ảnh: Báo Bắc Ninh. |
Làm được một thời gian, ông Hùng nhập ngũ. Năm 1979, sau khi ra quân, ông Hùng trở về quê hương và mở một tiệm sửa xe đạp tại nhà. Từng có thời gian đóng quân tại C14 Trung Đoàn 244, F323 chuyên về quân khí, ông Hùng có điều kiện tìm hiểu về cấu tạo, cơ chế hoạt động của nhiều loại máy móc.
Năm 1980, khi cơ chế mở cho mọi người phát triển các ngành nghề, ông Hùng bắt đầu tìm hiểu về những nghề phục vụ nông nghiệp. Mới đầu, ông làm dịch vụ sửa chữa máy tuốt lúa đạp chân cho bà con, rồi đến máy tuốt lúa chạy bằng máy nổ.
Khi phong trào VAC (vườn, ao, chuồng) phát triển, nhận thấy nhu cầu máy bơm khi bà con đào ao thả cá rất lớn, ông Hùng đã nghiên cứu cải tiến sản phẩm phù hợp với công việc của bà con.
“Cứ dần dần từng bước một, tự mày mò mà làm những sản phẩm có tính ứng dụng lớn. Chẳng hạn như bơm ly tâm, lắp vào máy bơm nước làm cho sản phẩm tốt lên. Đây cũng là một trong những sản phẩm mà tôi cảm thấy ưng ý, bởi nó được ứng dụng rộng rãi. Sau này là máy hút bụi đa năng…”, ông Hùng chia sẻ.
Từ đó đến nay, ông Hùng đã trở thành “tác giả” của hàng chục loại máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó có những “sáng chế” được Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu. Tại địa phương, nhắc đến ông hầu như ai cũng biết. Nhiều người còn gọi ông với cái tên gần gũi: “nhà sáng chế chân đất”.
Những sáng chế làm bạn với nhà nông
Kể về quá trình sản xuất máy bơm nước, ông Hùng cho hay, năm 2003, quê ông bắt đầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản. Nhưng những loại máy bơm đang lưu hành trên thị trường có nhiều hạn chế, như tốn điện, trọng lượng lớn, giá thành tương đối cao, chạy bằng máy nổ lại mất nhiều sức, tốn nhiên liệu. Thấy bà con cải tạo ao hồ mất khá nhiều thời gian và công sức, ông trăn trở, suy nghĩ rất nhiều về việc làm sao phải tạo ra sản phẩm giúp bà con giải phóng sức lao động.
Nghĩ là làm, ông Hùng lặn lội ra Công ty Cơ khí Hà Nội, tận mắt nhìn những chiếc máy hiện đại và tìm tòi linh kiện phù hợp.
Sau một thời gian mày mò nghiên cứu, năm 2004 chiếc máy bơm đầu tiên ra đời, mang tên Thiên Long,. Sản phẩm thiết kế nhỏ gọn, phần vỏ động cơ và cụm bơm ly tâm được sản xuất bằng hợp kim nhôm nên máy rất nhẹ, có thể dễ dàng di chuyển và lắp đặt. Máy còn được trang bị đồng hồ vol để theo dõi nguồn điện áp và Aptomat bảo vệ động cơ trong quá trình hoạt động và hoạt động trong phạm vi điện áp khá rộng từ 170V-240. Đây là một ưu điểm rất lớn, bởi phù hợp với mạng lưới điện tại các vùng nông thôn thường không ổn định, có khả năng ứng dụng rộng rãi cấp thoát nước cho các ao nuôi thủy sản, tưới tiêu ruộng đồng, bơm bùn loãng, nước thải…
Với những tính năng vượt trội, máy bơm của cơ sở sản xuất Thiên Long - Hùng Phương nhận được sự phản hồi tích cực của người dân trong vùng, có mặt ở hàng trăm đại lý lớn nhỏ, cung cấp hàng vạn linh kiện cho các tỉnh miền Bắc.
Phấn khởi với thành công đầu tiên, ông Kim Hùng liên tục cải tiến, cho ra đời nhiều dòng máy bơm cải tiến, hiện đại hơn. Đến năm 2017, ông Hùng lại tiếp tục chế tạo ra một loại máy bơm siêu chịu mặn. Dòng máy bơm này phù hợp và được ứng dụng rộng rãi tại các vùng nước mặn như: Thái Bình, Nam Định, tại các hộ nuôi hải sản như tôm, san hô nhân tạo… Sáng chế này của ông đạt giải Nhất cuộc thi “Nhà nông sáng tạo năm 2017” do Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức.
Cùng năm, loại máy bơm nước do ông Hùng sáng chế được T.Ư Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh là Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu.
Ngoài máy bơm nước, ông Hùng tìm tòi, chế tạo ra máy hút bùn đa năng, phục vụ dọn đáy ao và cung cấp oxy và bơm nước không cần mồi. Sáng chế này đã người nông tiết kiệm chi phí, ít tốn công lao động và góp phần làm sạch ao nuôi, tăng sản lượng tôm, cá trong cùng 1 diện tích và thời gian nuôi.
Ông cũng sáng chế ra máy quạt nước làm mát bằng nước tự nhiên, sử dụng chính nguồn nước từ môi trường ao nuôi làm mát phần vỏ động cơ, giúp động cơ luôn mát, giúp tăng hiệu suất động cơ, tiết kiệm điện năng tiêu thụ. Sản phẩm này của ông được sử dụng rộng rãi cho nhiều diện tích ao nuôi tại khu vực miền Bắc và Trung Bộ.
Đam mê thôi chưa đủ
Từ một người thợ sửa xe, đến nay, ông Hùng đã tạo dựng được một doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại máy móc, thiết bị nông nghiệp. Cơ sở của ông đã tạo công ăn việc làm cho thường xuyên cho khoảng 40 lao động tại địa phương với mức lương từ 6 - 10 triệu/người/tháng.
Khi nói về ông Hùng, những nhân viên của công ty đều chung chia sẻ: thu nhập ổn định. Đặc biệt, ông Hùng không bao giờ phân biệt giữa người làm thuê và chủ cơ sở.
Hiện nay, ông Hùng đã chuyển giao doanh nghiệp cho các con quản lý, điều hành. Tuy nhiên, phát huy truyền thống “bộ đội Cụ Hồ”, ông cũng như nhiều cựu chiến binh ở khắp các vùng miền của cả nước vẫn không ngừng tìm tòi, sáng tạo, thông qua đó, giúp con cháu phát triển kinh tế, đồng thời, tạo công ăn việc làm, góp phần xây dựng quê hương.
Nhìn lại chặng đường đã qua với nhiều thành quả đã đạt được, ông Nguyễn Kim Hùng cho hay, điều khiến ông cảm thấy hạnh phúc nhất, đầu tiên là đem lại kinh tế gia đình, sau đó là đem lại lợi ích cho xã hội, cho cộng đồng.
Tuy nhiên, để có được điều đó thì phải có đam mê với nghề nghiệp. “Khi chinh phục được nó thì mình cảm thấy rất sung sướng. Nhiều lúc làm không phải vì tiền, mà vì đam mê. Tuy nhiên, đam mê thôi chưa đủ. Khi làm ra một sản phẩm thì phải biết, làm sao để sản phẩm tiêu thụ được. Một sản phẩm hữu ích nhưng chưa đưa được quảng cáo được rộng rãi được tới bà con nông dân, thậm chí, có bà con ngay trong cùng một huyện cũng chưa biết được sản phẩm của mình, thì không được”, ông Kim Hùng chia sẻ.
Ông Hùng cho hay, điều may mắn của ông cũng là được trời ban cho năng khiếu. Nếu có đam mê mà không có năng khiếu thì cũng không thể phát triển được. Bản thân ông, để có được thành công, cũng cần phải biết được sở trưởng của mình. Khi đã xác định được thế mạnh của mình, thì kiên trì theo đuổi. Đặc biệt, môi trường quân đội đã giúp tôi luyện ý chí “khó khăn nào cũng vượt qua”. Có những lúc ông đã “quên ăn, quên ngủ” để tối ưu hóa các sản phẩm của mình.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, “nhà sáng chế chân đất” Nguyễn Kim Hùng đã đạt được nhiều giải thưởng như: Huy chương Vàng và công nhận danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao phù hợp tiêu chuẩn”; Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương giai đoạn 2012 – 2016; Giải nhất cuộc thi Nhà nông sáng tạo tỉnh Bắc Ninh; Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2017, Giải thưởng “Nhà khoa học của nhà nông lần thứ 2” của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Năm 2020, ông được Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh tặng Bằng khen.
Mời quý độc giả xem video anh Nguyễn Văn Định, Giám đốc Công ty sản xuất bánh đa nem Happy Business (làng Chều, xã Nguyên Lý, Lý Nhân, Hà Nam) chia sẻ về sản phẩm bánh đa nem "vươn tầm quốc tế". Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.