Cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời. |
Ngày 23/9 UBND tỉnh An Giang cho biết nhận được công văn số 312 ngày 12/9/2024 của CTCP Tập đoàn Lộc Trời (Mã: LTG) về việc đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền có biện pháp ngăn chặn đối với ông Nguyễn Duy Thuận, nguyên Tổng Giám đốc Lộc Trời đã có hành vi gian dối, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây thất thoát tài sản của công ty.
Về vụ việc này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Phước có ý kiến như sau: Chuyển Công an tỉnh xem xét giải quyết theo thẩm quyền đối với đề nghị của Lộc Trời tại công văn nêu trên. Văn phòng UBND tỉnh thông báo đến Công an tỉnh và các đơn vị quan biết để thực hiện.
Trước đó, ngày 20/8, Lộc Trời đã gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh An Giang thu hồi thẻ APEC (Visa đặc quyền cho phép tự do nhập cảnh không giới hạn tới 21 quốc gia APEC) đối với ông Thuận. Bên cạnh đó, công ty đề nghị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Thuận. Lộc Trời cho biết, ông Thuận có thái độ né tránh, thiếu hợp tác trong việc bàn giao và có dấu hiệu tìm cách xuất cảnh ra nước ngoài để thoái thác trách nhiệm.
Trả lời văn bản, UBND tỉnh cho biết không có thẩm quyền giải quyết việc thu hồi thẻ APEC. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng cho rằng UBND tỉnh chỉ có thẩm quyền quyết định việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Thuận trong trường hợp ông là người bị cưỡng chế, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần ngăn chặn ngay người đó bỏ trốn.
Do đó, "việc Lộc Trời đề nghị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Thuận trong trường hợp này không thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh".
Trước khi làm Tổng Giám đốc Lộc Trời vào tháng 4/2020, ông Nguyễn Duy Thuận từng giữ vị trí Giám đốc Tài chính, Giám đốc Nhân sự, Phó Trưởng ban Điều hành các ngành Vật Tư Nông Nghiệp và Lương Thực tại tập đoàn từ tháng 6/2019.
Tuy nhiên đến ngày 15/7, Tập đoàn Lộc Trời đã miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc đối với ông Nguyễn Duy Thuận. Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch Hội đồng quản trị tạm thời điều hành hoạt động của doanh nghiệp cho tới khi bổ nhiệm lãnh đạo mới.
Thời gian qua Lộc Trời gặp một số khó khăn về dòng tiền, thậm chí phải nợ nông dân một số tỉnh miền Tây tiền thu mua lúa nhưng sau đó đã chi trả đủ. Tập đoàn này cũng gây phản ứng khi bỏ giá thấp hơn thị trường và thấp hơn giá chào mua của Indonesia để trúng hợp đồng cung ứng 100.000 tấn gạo cho nước này.
Tập đoàn cho biết đang gặp phải một số sự kiện bất khả kháng cần phải tăng cường ổn định dòng vốn hoạt động sản xuất kinh doanh, toàn bộ công ty phải tập trung vào việc xử lý các vấn đề tài chính trước mắt. Do đó Lộc Trời đã có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) xin tạm hoãn công bố báo cáo tài chính quý II/2024.
Trong quý I, công ty ghi nhận doanh thu 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên do giá vốn cao và chi phí lãi vay tăng mạnh nên công ty lỗ sau thuế 96 tỷ đồng.
Tình trạng thua lỗ đã khiến Tập đoàn Lộc Trời gặp khó khăn về dòng tiền. Cụ thể trên báo cáo dòng tiền quý 1/2024, Lộc Trời đang thu không đủ bù chi. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 434 tỷ đồng, cùng kỳ âm 2.710 tỷ đồng.
Điều đáng chú ý trong bức tranh tài chính của Lộc Trời là các khoản vay tín chấp. Cuối kỳ, tổng dư nợ vay của công ty hơn 6.320 tỷ đồng, trong đó hết 6.150 tỷ là vay từ ngân hàng. Hơn 30 tỷ là vay nhân viên. Các khoản này đều đến hạn trả trong năm 2024 này.
Ngân hàng cho vay nhiều nhất là Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà – Trung tâm Kinh Doanh với số tiền hơn 1.063 tỷ. Kế tiếp là MBBank với số tiền 720 tỷ đồng. Lãi suất các khoản vay này dao động 4,5% - 10,75%/năm.