Nữ đại gia Phú Yên"ngập" trong nợ
Theo báo cáo tài chính quý IV/2018, Công ty cổ phần Thuận Thảo của nữ đại gia Võ Thị Thanh cho thấy những khó khăn rất lớn về tài chính mà doanh nghiệp đang gặp phải khi chưa thể tiếp cận nguồn vốn mới từ ngân hàng.
Tính đến cuối năm 2018, tổng tài sản của công ty Thuận Thảo có giá trị khoảng 747 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả lên tới 1.542 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do khoản lỗ lũy kế tính đến cuối kỳ vừa qua của công ty này đã lên tới 1.241 tỷ đồng, và vốn chủ sở hữu âm gần 795 tỷ đồng.
Không thể tiếp cận nguồn vốn mới, công ty Thuận Thảo phải trông chờ vào các khoản vay từ chính ban lãnh đạo. Năm qua, bà Võ Thị Thanh đã phải tiếp tục cho chính doanh nghiệp của mình vay thêm 7,5 tỷ đồng, nâng tổng số cho vay lên gần 17 tỷ đồng.
Doanh nhân Võ Thị Thanh phải cho công ty Thuận Thảo vay hàng tỷ đồng để duy trì hoạt động. Ảnh: Vietnamnet. |
Để duy trì hoạt động của công ty, bà Thanh phải chi hàng chục tỷ đồng tiền túi cho công ty vay lại, chủ yếu đều không tính lãi. Hiện tại, ngoài 17 tỷ đồng vay trực tiếp, công ty Thuận Thảo còn đang nợ bà Thanh gần 17 tỷ đồng khác là tiền phải trả cổ tức, lương và thù lao.
Ngoài ra, công ty cũng đang nợ tiền lương và thù lao của 6 cổ đông sáng lập (chủ yếu là người thân của bà Thanh) với tổng số tiền gần 7 tỷ đồng.
Vận đen của đại gia buôn vàng số 1 Việt Nam
CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) của bà Cao Thị Ngọc Dung là một doanh nghiệp hàng đầu và nổi bật trong năm 2018 với kết quả kinh doanh ấn tượng. Tuy nhiên, những ngày giữa tháng 12/2018, giá cổ phiếu PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung trong những phiên giao dịch gần đây “bốc hơi” 5.000 đồng/cp. So với đỉnh cao hồi giữa tháng 10/2018, PNJ đã giảm gần 16.000 đồng/cp, từ mức 110.000 đồng xuống còn 94.000 đồng/cp.
Cùng thời điểm ông Trần Phương Bình lĩnh án chung thân, tài sản của bà Cao Thị Ngọc Dũng cũng đã giảm khoảng 470 tỷ đồng. Ảnh: Vietnamnet. |
Với mức giảm này, vốn hóa của PNJ đã bốc hơi khoảng 1.450 tỷ đồng. Trong khi đó, tài sản của bà Cao Thị Ngọc Dung cũng đã giảm khoảng 470 tỷ đồng.
Nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp bị bắt
Trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 không lâu, ngày 18/1/219, nữ đại gia bất động sản Dương Thị Bạch Diệp, Chủ tịch Công ty Bất động sản Diệp Bạch Dương đã bị khởi tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, xảy ra tại UBND TP.HCM, Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM, Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương và các ngân hàng và các cơ quan có liên quan.
Đại gia Dương Thị Bạch Diệp bị khởi tố ngày 18/1/2019. Ảnh: Đất Việt. |
Nữ doanh nhân Dương Thị Bạch Diệp nổi tiếng trong giới bất động sản TP.HCM từ những năm 90 của thế kỷ trước. Bà từng sở hữu rất nhiều đất vàng tại TP.HCM và chiếc xe Roll-Royce có biển số độc, có 1 không 2 tại Việt Nam.
Doanh nghiệp của bà Diệp sở hữu nhiều đất vàng, trong đó có dự án Khách sạn kết hợp trung tâm hội nghị, tiệc cưới cao cấp với tổng diện tích 3.100m2 tại 179 Bis, Hai Bà Trưng, quận 3, TP.HCM; dự án khách sạn 5 sao Diep Bach Duong’s Senla Boutique và nhiều mặt bằng tại đường Lê Duẩn, quận 1…
Cổ phiếu HSG của đại gia Lê Phước Vũ "lao dốc" mạnh
Cuối năm 2018, cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen chỉ còn giao dịch quanh mức 6.000 đồng/cp, giảm hơn 75% so với mức đỉnh 28.650 đồng/cổ phiếu. Điều này khiến tài sản của đại gia Lê Phước Vũ cũng giảm chỉ còn khoảng 231 tỷ đồng.
Cổ phiếu HSG giảm hơn 75% khiến tài sản của ông Lê Phước Vũ giảm mạnh. Ảnh: Dân Việt. |
Ngoài nguyên nhân do tình hình kinh doanh khó khăn, thì nợ vay chính là nguyên nhân khiến cổ phiếu HSG rớt sâu. Theo báo cáo tài chính quý III/2018, do vay nợ nhiều, lợi nhuận của HSG giảm mạnh, hàng tồn kho cao và các khoản phải thu ngắn hạn cũng ngất ngưởng.
Tính đến cuối quý III/2018, tổng dư nợ vay của HSG đã lên đến hơn 18.000 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngắn hạn hơn 12.000 tỷ đồng, tỷ số nợ phải trả trên tổng tài sản lên gần 78%.