Nhiều tháng sau vụ thảm sát Bình Phước, những người từng chứng kiến 6 thân nhân bị sát hại đã dần dần nguôi ngoai nỗi đau. Trước thềm phiên xét xử phúc thẩm vụ án, PV báo GĐ&XH Cuối tuần đã tìm gặp ông Nguyễn Dinh (cha nạn nhân Nguyễn Lê Ánh Ngọc – PV) và được nghe nhiều câu chuyện xúc động về nỗ lực vượt qua nỗi đau của gia đình.
“Phải chấp nhận quá khứ...”
Đó là tâm sự của ông Dinh với người viết, ngay trước thời điểm ông chuẩn bị khăn gói xuống TP HCM dự phiên xét xử phúc thẩm. Ông bảo: “Nỗi đau mất đi cùng lúc 6 người thân thực sự không gì có thể lấp đầy. Nhưng nếu cứ mãi nghĩ về nó, ám ảnh với nó thì gia đình tôi có lẽ không thể sống tiếp được. Gia đình tôi cũng hiểu, những người đã ra đi không thể sống lại. Quan trọng nhất bây giờ là chăm lo cho bé Na (con nạn nhân Lê Văn Mỹ - PV). Hơn thế, những kẻ thủ ác trong vụ án cũng sắp phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc nhất của pháp luật”.
Ông Dinh trao đổi với người viết. |
Nói thêm về cuộc sống gia đình những ngày qua, ông Dinh cho biết từng rất lo về tinh thần và sức khỏe của vợ ông cùng chị Nguyễn Thị Ánh Nga (mẹ hai nạn nhân Vỹ và Tố Như – PV). Từng có giai đoạn, chị Nga hoảng loạn đến nỗi thường xuyên bỏ nhà đi lang thang. Gia đình phải cố hết sức tìm kiếm mới đưa được chị Nga trở về. Sau khi Tiến, Thoại, Dương bị bắt, gia đình đã nhờ cả bác sĩ tâm lý đến nhà điều trị, giúp chị Nga ổn định tinh thần. Đến giờ, chị Nga cũng đã chấp nhận sự thật, ngày ngày thay ông Dinh hương khói cho các nạn nhân. Đồng thời, chị cũng là người trực tiếp trông nom căn biệt thự - nơi xảy ra vụ thảm án.
Vợ ông Dinh bị phát hiện mắc bệnh ung thư buồng trứng. Khi vụ thảm án xảy ra, tinh thần bà suy sụp, khiến bệnh tình càng thêm trầm trọng. Nhưng từ lúc khép lại phiên tòa xét xử sơ thẩm, biết rõ các hung thủ bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc, bà có phấn chấn hơn. Ca phẫu thuật mới nhất của bà diễn ra chỉ sau phiên tòa nói trên một tháng. Và ngay cả ông Dinh lúc đó cũng không ngờ, vợ mình có thể vượt qua được. Tiếc là do khối u đã di căn, nên sau một thời gian khỏe lại thì cách đây ít ngày, vợ ông lại bị liệt hai chân, phải ngồi xe lăn. Phiên toà phúc thẩm sắp tới, vợ ông Dinh cũng sẽ không thể đi dự khán được.
Ông Dinh cũng chia sẻ, sau vụ án không lâu, đại gia đình ông đã họp, thống nhất giao tài sản, hoạt động kinh doanh của gia đình lại cho các em của chị Nga tạm giữ, duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh Công ty Quốc Anh. Ý định của gia đình ông Dinh là khi nào bé Na đủ 18 tuổi sẽ chuyển giao tài sản lại cho cháu. Lúc đó, gia đình giữ lại đến 70 công nhân làm việc. Thế nhưng trong thời gian gần đây, Công ty Quốc Anh gặp nhiều khó khăn nên phải thu gọn quy mô và hoạt động cầm chừng. Như ông Dinh giải thích, thì khi chủ của công ty mất, hầu hết các khách hàng cũ đều cắt hợp đồng hợp tác. Trong thời gian tới, gia đình ông sẽ bàn tính tới phương án vực lại công ty này. Ông Dinh khẳng định, gia đình ông sẽ làm mọi việc để Công ty Quốc Anh không rơi vào tình trạng phải đóng cửa, bởi đó là tài sản của vợ chồng con gái ông để lại cho người cháu.
Sửa nhà để tránh gợi lại chuyện cũ
Nhiều tháng sau vụ thảm sát, gia đình ông Dinh mới dọn về căn biệt thự của con gái để dọn dẹp, hương khói. Mọi sinh hoạt cũng đã dần dần ổn định. Với sự cảm thương sâu sắc, thời gian qua, gia đình ông cũng được đón nhận nhiều vị khách đến thắp hương, chia sẻ nỗi đau. Nhưng trước phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án, ông Dinh tiết lộ: “Tôi quyết định cho đập cổng nhà hình chữ L ngược từng khiến dư luận xôn xao. Đồng thời, cho sửa chữa thêm kiến trúc bên trong”.
Kể thêm về căn biệt thự của con gái, ông Dinh cho biết ngôi nhà trước kia được chính con trai út của ông thiết kế. Tuy nhiên, cánh cổng hình chữ L ngược thì do tự tay anh Mỹ vẽ và yêu cầu thợ xây dựng. Sau đại nạn, cánh cổng hình chữ L ngược ấy chính là thứ gợi lại nhiều ám ảnh nhất. Bởi vậy, các thành viên trong gia đình ông mới bàn bạc và đi đến thống nhất phá dỡ. Chị Nguyễn Thị Ánh Nga thậm chí đã đề xuất phá bỏ luôn cả căn biệt thự. Tuy nhiên theo ông Dinh và các thành viên, chỉ cần sửa lại hiện trạng căn nhà để tránh gợi lại ký ức cũ để tránh chi phí quá tốn kém.
Trở lại với nội dung phiên tòa vụ thảm sát ở Bình Phước sắp tới, ông Dinh cho biết gia đình sẽ tiếp tục kiến nghị về mức án dành cho bị cáo Trần Đình Thoại. Theo ông Dinh, gia đình vẫn giữ quan điểm: Thoại đáng phải chịu mức án nặng hơn, do hắn là người chủ động mua hung khí, bàn bạc với Dương về kế hoạch giết người cướp của. “Thoại cùng với Dương đã đến nhà con rể tôi. Chúng không thực hiện được kế hoạch là do không gọi được cháu Vỹ ra mở cửa”, ông Dinh nói. Với lý lẽ này, ngay trước phiên toà phúc thẩm, gia đình ông đã gửi đơn kháng nghị một phần bán án sơ thẩm dành cho Trần Định Thoại.
Trước đó, người thân của Thoại, Dương và Tiến nhiều lần chia sẻ nguyện vọng đến gặp thân nhân những người bị hại để xin lỗi và cầu xin sự tha thứ. Tuy nhiên theo ông Dinh thì tới thời điểm hiện tại, chưa một ai đến gặp gia đình ông.
Luật sư kiến nghị hoãn phiên tòa phúc thẩm
Ngày 16/3, luật sư Lê Văn Nam (bào chữa cho Vũ Văn Tiến –PV) đã nộp đơn kiến nghị đến TAND Cấp cao tại TP HCM xin hoãn phiên tòa phúc thẩm dự kiến diễn ra vào ngày 21/3. Theo ông Nam, Tiến và gia đình hiện không đồng ý luật sư mà TAND Cấp cao tại TP HCM chỉ định.