Được đền bù và bán đất có trong tay hàng tỉ đồng, nhiều nông dân vùng ngoại thành “sốc” đến mức không biết dùng tiền làm gì ngoài ăn chơi, bài bạc và cá độ bóng đá. “Hết thời làm vua”, nhiều người lại ra vỉa hè, dựng lán mở quán nước, thậm chí đi nhặt đồng nát để kiếm tiền mưu sinh…
Cả nhà chị Sang trông chờ vào cửa hàng hoa quả đang mượn của người quen để mưu sinh. Ảnh: P.B |
Lại vui vẻ đi nhặt đồng nát
Đêm Hà Nội những ngày cuối năm trở lạnh khiến nhiều người không dám ra đường thì chị Nguyễn Thị Hương (SN 1972), ở phường Phú Đô vẫn phải cọc cạch trên chiếc xe đạp dạo khắp các điểm tập kết rác trên địa bàn quận Cầu Giấy. Chị làm cái công việc này đã 3, 4 năm nay. Đêm nào nhiều thì chị kiếm được trăm nghìn, ít thì được dăm ba chục.
Cách đây 10 năm, cuộc sống của chị không khổ cực, vất vả như bây giờ. “Cuộc đời không ai nói được chữ ngờ em ạ. 10 năm trước, cả gia đình chị chỉ biết rút tiền đi chợ, mua sắm, du lịch thì nay chị phải làm cái nghề này thấy cực quá. Nhưng nếu không mưu sinh kiểu này, hai đứa con của chị không biết lấy gì cho vào mồm. Thôi thì xác định nghề nào cũng là nghề, miễn là kiếm đồng tiền trong sạch”, vừa nói chị Hương vừa nhặt nhạnh những thứ chai lọ cho vào bao tải.
Tranh thủ một vài phút nghỉ ngơi, chị Hương tâm sự, hơn chục năm về trước, gia đình chị được đền bù đất khi giải phóng mặt bằng dọc tuyến Đại lộ Thăng Long. Gia đình sau đó bán đất với số tiền lên tới 5 tỉ đồng. Có tiền, hai vợ chồng xây được cái nhà hơn 1 tỉ, sau đó mua cái xe ô tô 800 triệu đồng cho chồng chạy khách.
Nhưng chả hiểu sao, từ đó anh chồng lại đâm ra đổ đốn, cặp bồ, cặp bịch với một cô sinh viên rồi về đòi ly hôn chị. Gia đình phản đối, anh lại càng đắm chìm vào thứ tình yêu mông muội đó. Có tiền anh mang đưa cho cô gái kia ăn chơi, bài bạc. Hết tiền tiết kiệm, anh mang cả nhà đi cắm nợ. Khổ quá chị đành đến tối lại bịt mặt, dạo khắp phố phường nhặt nhạnh đồng nát, bán lấy tiền cho hai đứa con ăn học.
Cũng ở phường Phú Đô, hoàn cảnh nhà chị Nguyễn Thị Sang cũng bi đát không kém. Vì anh chồng nghiện cờ bạc mà bao nhiêu đất cát cũng vào tay người khác. Đến giờ anh chị cùng các con phải thuê một túp lều của nhà người ta để ở.
Ngồi nói chuyện với tôi, chị Sang chỉ về phía ngôi nhà 4 tầng rộng khoảng gần 100m ở phía đối diện, bảo: “Ngày xưa tôi ở trong ngôi nhà đấy, nhưng giờ thì về tay người ta mất rồi. Chồng tôi nhà tầng không muốn ở lại muốn ở nhà tôn, sống yên ổn không thích lại thích bị bọn đầu gấu mang dao, mang kiếm đến siết nợ. Có đợt chúng còn ném mìn tự chế, ném mắm tôm thối vào nhà để dọa nạt”.
Vốn xuất thân từ một làng quê nghèo từ vùng đất Nam Định lên đây làm ăn, chị đã gặp và cưới người chồng hiện tại. Năm 2007, khi hàng loạt dự án được xây dựng trên địa bàn huyện Từ Liêm, gia đình chị cũng có chút ít tiền đền bù, cộng với việc chị bán một phần đất ông bà cho để xây dựng nhà cửa, trang trải cuộc sống. Kể từ đó, cuộc sống hai vợ chồng cũng khấm khá dần lên, không còn phải lo nghĩ từng đồng từng hào như trước kia.
Nhưng khi có tiền, người chồng lại ham cái trò cá độ bóng đá, thế là bao nhiêu tài sản của gia đình đều rơi hết vào tay những kẻ cho vay nặng lãi. Bây giờ đất chẳng còn, đến túp lều ở ngoài ruộng cũng phải đi thuê người ta. Còn để có tiền mưu sinh, chị phải ngồi nhờ ở cổng của một người anh chồng để bán hoa quả kiếm tiền nuôi các con ăn học.
>>> Xem thêm clip về đại gia đồng nát xứ Thanh:
Rơi vào bi kịch vì… quá nhiều tiền
Trong những ngày thu thập tư liệu viết bài ở các làng ven đô thuộc Bắc Từ Liêm, tôi còn nghe được nhiều chuyện đau lòng khác nảy sinh từ ngày “tấc đất thành tấc vàng”. Tổ trưởng một tổ dân phố ở phường Mễ Trì than thở: Ở đây, nhiều gia đình, cả con trai lẫn con gái đều dính vào tệ nạn mà nhiều nhất là cá độ bóng đá, lô đề, cờ bạc. Bao nhiêu chuyện đau thương cũng đã xảy ra ở cái làng quê vốn rất yên bình này.
Chẳng hạn như câu chuyện về anh nông dân tên Hưng ở phường Mễ Trì. Nhưng kể từ ngày ruộng đất nhà anh nằm trong khu quy hoạch dự án và được đền bù, anh bỗng trở nên “giàu có và nổi tiếng”. Nhà Hưng nằm sát con đường lớn, đối diện bên kia là khu đô thị cao cấp The Manor, thuộc loại đồ sộ nhất xóm. Với cả ngàn mét đất, anh thu về đến hơn chục tỷ tiền đền bù.
Có tiền trong tay, anh đập nhà xây dựng biệt thự kiểu Pháp, sắm sửa đầy đủ tiện nghi trong nhà. Anh xây dựng một dãy phòng trọ 3 tầng cho sinh viên thuê để vợ ở nhà trông nom. Còn tiền anh góp vốn đầu tư mở công ty với một vài người bạn. Hưng còn sắm cả ôtô để chở vợ con đi chơi, thỉnh thoảng về thăm nhà ngoại cho tiện. Nhìn cảnh một anh nông dân bỗng dưng lên chức giám đốc, ngày ngày chỉ ký giấy tờ buôn bán thu tiền về, còn chị vợ thì cũng chỉ ở nhà ăn thu tiền sinh viên khiến nhiều người không khỏi suýt xoa, thèm muốn.
Thế nhưng, kể từ ngày có tiền, Hưng lại sinh ra nghiện cá độ bóng đá. Lúc đầu chỉ bắt "vài quả" cho vui, nhưng rồi càng chơi lại càng ham mê đến nỗi khi tiền đã hết mà chưa thể dứt ra được. Có lần anh đi cả xuống Hải Phòng bắt độ ngay trên sân với mấy "đại gia" đất Cảng. Chồng đã như vậy nhưng chị vợ cũng chẳng hề kém cạnh, ngày ngày đốt tiền cho mấy trò bài bạc.
Đam mê vào bài bạc, bỏ bê công việc, công ty của Hưng cũng đi đến bước phá sản, tiền nợ nần cũng lên đến vài tỉ đồng. Bước đường cùng, Hưng phải bán nhà, bán xe để trả nợ rồi hai vợ chồng lại xoay sang mở quán nước mía gần nhà mong kiếm được 100.000 - 200.000đồng mỗi ngày.
Công bằng mà nói, quá trình đô thị hóa đi qua nó đã mang tới hơi thở mới cho từng ngõ ngách của những vùng quê ven đô, đời sống người dân cũng nhờ đó mà thay đổi. Nhiều người đã thoát cảnh nhà tranh, vách đất, bốn bề gió lùa thông thống và cũng không còn cảnh chân lấm tay bùn, ngày ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nữa.
Tuy nhiên, chính từ cái sự đô thị hóa quá nhanh nhưng thiếu bền vững ấy đã khiến cho những người nông dân vốn thật thà, chất phác cảm thấy chông chênh và buồn hơn là rơi vào bi kịch không còn lối thoát.
(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)