Các thành viên trong gia đình không ai đồng ý với ông Thoại, đã đành, ngay cả mấy người hàng xóm cũng về hùa với bà vợ ông.
Ông Thoại năm nay đã hơn bảy mươi tuổi. Không làm thêm gì. Không tham gia hội hè như mấy ông, bà về hưu ở địa phương. Cũng xin nói, là ở “địa phương xóm” của ông Thoại, cũng phát sinh ra lắm thứ hội. Nói chính xác hơn, là câu lạc bộ.
Nào là câu lạc bộ thơ (trong câu lạc bộ thơ lại sinh ra nhánh thơ trào phúng, thơ trữ tình, thơ Đường luật…). Nào là câu lạc bộ cầu lông, câu lạc bộ cờ tướng, câu lạc bộ chơi chim, câu lạc bộ võ cổ truyền…Chưa kể chuyện đi lễ, đi chùa, cúng bái…, mọi người thường nói, chơi cho vui. Nhưng có ông, bà đã bỏ ra hàng chục triệu đồng để in thơ phú, đi chùa chiền, bảo là “cho vui” ấy.
Không tham gia hội hè thơ phú, nhưng ông Thoại có một nhược điểm. Đó là thói nghiện rượu. Coi uống rượu là thú vui không bỏ được.
Ảnh minh họa. |
Ở các quán này, bao giờ cũng có rượu chén cuốc lủi. Nó là mặt hàng cấm đấy, nhưng không gắt gao, không triệt để. Ấy là món khoái khẩu nhất của dân nghiện. Một cái chén sành đít bằng, thứ rượu hơi đùng đục, sóng sánh, tỏa ra mùi thơm đặc trưng của rượu gạo quê. Bên cạnh chén rượu, là một đĩa đựng lạc rang nông toen hoẻn, mỗi đĩa chỉ chừng hơn chục hạt lạc, được đong từ một cái chén hạt mít.
Thực khách đông nhất chỉ tới ba gã đàn ông. Thường thường là hai. Có khi một. Tợp hớp rượu, đủ mạnh để nhăn mặt, cảm thấy rất rõ dòng rượu lăn từ cổ họng đến dạ dày, cảm giác lâng lâng thật khó tả. Ấy chính là thú vui của những người đàn ông lấy chén rượu giải sầu. Một thú vui đơn sơ, ít tốn kém.
Khi hết thời bao cấp, xã hội khấm khá lên, mọi thứ đều bán mua thoải mái, thì chính ông Thoại lại không quen với sự thoải mái ấy. Ông dường như là một người hoài cổ, vẫn thích thứ rượu cuốc lủi xưa. Thật trớ trêu là bây giờ không cấm đoán, thì cái thứ cuốc lủi nguyên chất thơm lừng ngày xưa, lại vắng bóng dần. Thay vào đó là thứ rượu nấu đại trà, bày bán nhan nhản ở khắp các hàng quán, mọi ngõ ngách.
Muốn có rượu ngon, ông Thoại buộc phải đi tìm, đi lùng, để có được một hàng rượu ưng ý. Khi đã tìm được rồi, yên tâm có rượu ngon uống, thì cũng chỉ nửa năm sau, quán hàng đã lại chuyển nghề. Hỏi ra được biết, để nấu được mẻ rượu ngon, nó cầu kỳ, tốn kém, mà bán không thể giá quá cao. Còn giữ cái giá bình dân, ắt là càng nấu càng lỗ...
Hơn nữa, người sành ăn uống, lắm tiền, thì họ “chơi” rượu Tây cơ. Còn dân lao động, bán giá để khỏi bù lỗ, họ chê đắt. Vậy là phải giải nghệ. Ông Thoại lại phải cất công đi tìm nhà hàng khác. Có lần tìm được bà hàng nấu đặc biệt ngon, sợ ít lâu bà bỏ cuộc, ông vác hẳn cái can hai mươi lít, mua “dự trữ” khiến bà vợ mắt tròn mắt dẹt.
Rồi cũng từ lần ông vác hũ sành hai mươi lít về đựng rượu, thì cái tiếng nát rượu ai đó bỗng gán cho ông. Khốn nạn! Nào ông có uống nhiều? Nếu không có bạn bè đối ẩm, mỗi ngày ông chỉ uống phần tư chai sáu lăm, tức là cỡ một xị rượu. Vậy mà vẫn bị vợ con cằn nhằn là suốt ngày say xỉn. Đã có lần bà vợ chỉ thẳng vào mặt ông, đay nghiến: “Sao ông không đi đâu khuất mắt cho tôi nhờ?”.
Vào một buổi sáng Chủ nhật, người ta thấy ông Thoại ra khỏi nhà. Thì cũng nghĩ như mọi ngày bình thường, ông đi chơi, hoặc có hẹn với ai đó. Đến chiều không thấy ông về, bà vợ đoán ông sa vào cuộc nhậu rồi say xỉn. Chắc phải tối mới mò về. Tối. Rồi đêm. Tới ngày hôm sau, ở nhà bắt đầu lo lắng. Nếu ông vào nhà ai đó, chắc họ phải điện về cho bà. Vậy mà đã hai hôm. Ba hôm…
Đến hôm thứ sáu, ở nhà đã có thể đoan chắc rằng, chính câu nói lỡ lời của bà vợ, mà ông bỏ nhà đi. Nhưng ông đi đâu? Nào ai biết. Chỉ biết vào cái thời bao cấp, ông có khá nhiều bạn bè. Họ nghèo khổ cả, nhưng chân tình. Phần lớn họ trôi dạt lên vùng núi, sinh cơ lập nghiệp.
Người có nghề cơ khí thì mở lò rèn, sửa máy xay xát. Người có nghề xây, nghề mộc, thì theo đuổi các công trình. Vậy có thể ông Thoại đã tìm đến những người bạn ấy. Tính ông bất tử, ngang ngang nhưng tốt bụng. Các bạn thì quá rõ tính tình của nhau. Khổ nỗi, ai có phận nấy.
Từ tức giận chuyển sang lo lắng, bây giờ bà vợ ân hận thì sự đã rồi. Chỉ đến khi ông Trứ, anh họ ông Thoại sang chơi, bà vợ mới phần nào yên tâm. Ông Trứ nói: “Đã đến cái tuổi thất thập cổ lai hy, thì chứng nọ tật kia cũng là lẽ thường. Uống rượu nhưng không nát rượu, thì hà cớ gì phải cấm đoán? Người già đôi khi chỉ lấy chén rượu làm vui. Hãy để cho ông ấy uống thoải mái".
Ờ mà phải! Sao bà lại không thể độ lượng vì một thú vui nho nhỏ của chồng? Bà vợ thừ người, nghĩ vậy. Rồi bà lại than thở: “Ông ơi! Ở đâu, hãy về!”