Cổ phiếu Bích Chi có 'đấu lại' với Sa Giang?
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa nhận được bộ hồ sơ đăng ký niêm yết hơn 18 triệu cổ phiếu của CTCP Thực phẩm Bích Chi, tương ứng với vốn điều lệ 182 tỷ đồng.
Thực phẩm Bích Chi được thành lập năm 1966, tới năm 2011 mới chuyển thành cổ ty cổ phần. Thương hiệu Bích Chi vốn nổi tiếng với các sản phẩm truyền thống như bánh phồng tôm, các loại bột, cháo, phở, bún, mì ăn liền… với 200 mặt hàng.
Như vậy là sau bao năm lỡ hẹn với cổ đông, đến nay Thực phẩm Bích Chi mới chính thức lên sàn chứng khoán.
Được biết, Thực phẩm Bích Chi đã nộp hồ sơ niêm yết lên HNX từ năm 2010 nhưng sau đó “bặt tin” cho đến mỗi kỳ đại hội đồng cổ đông hàng năm sau đó cứ trình cổ đông kế hoạch lên sàn những vẫn bao lần lần lữa. Thậm chí có thời điểm ban lãnh đạo Bích Chi còn tuyên bố nếu VN-Index 800 điểm trở lên sẽ xem xét niêm yết chứng khoán lên sàn.
Có lẽ lời hứa lên sàn chứng khoán của Thực phẩm Bích Chi cũng tương tự như tuyên bố mua vào cổ phần của đối thủ cùng ngành là CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang (HNX: SGC) khi Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái vốn. Vẫn chỉ mãi là kế hoạch bởi SCIC đã liên tục đăng ký thoái vốn tại SGC trong thời gian gần đây nhưng “không có nhà đầu tư nào đăng ký mua”.
Tính tới cuối quý 2/2019, tổng tài sản Bích Chi đạt 280 tỷ đồng, vốn điều lệ công ty đạt 183,34 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông lớn của Bích Chi chủ yếu là các cá nhân, riêng chủ tịch Phạm Thanh Bình nắm giữ trực tiếp 14,2% vốn điều lệ công ty.
Cơ cấu cổ đông lớn của Bích Chi |
Còn Sa Giang, vốn điều lệ chỉ hơn 71 tỷ đồng (trong đó SCIC nắm chủ yếu với 49,89%) nhưng đến nay cổ phiếu SGC đã tăng tính bằng ngàn lần tức tới 1.126%, lên mức 128.800 đồng/cổ phiếu trong phiên 27/9. Do Nhà nước nắm là chủ yếu nên cổ phiếu Sa Giang hầu như không có giao dịch.
Với vốn điều lệ hơn gấp đôi, liệu Bích Chi có vượt qua được đối thủ Sa Giang trên sàn chứng khoán?
Sa Giang đang mang lại hiệu quả cao hơn cho cổ đông so với Bích Chi
Về tình hình hoạt động, không chỉ Bích Chi mà cả Sa Giang đang có chiều hướng giảm dần khi lợi nhuận của năm 2017 và 2018 cứ giảm dần đều.
Theo lý giải của Bích Chi, năm 2018 xuất khẩu thủy sản tăng trưởng nóng, do đó nguồn cung lao động gặp nhiều khó khăn.
Thêm vào đó, giá cả nguyên, nhiên liệu đều gia tăng từ 7-40% so với cùng kỳ. Cũng theo Bích Chi, trên thị trường có nhiều đầu mối cạnh tranh, trong đó là chiêu dùng giá sản phẩm để giành giật khách hàng, tạo ra áp lực giá bán giảm xuống. Trong khi giá thành có xu hướng tăng do các yếu tố trên thì giá bán sản phẩm lại giảm, tác động lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của Công ty.
Nửa đầu năm 2019 cũng không ngoại lệ khi Bích Chi ghi nhận doanh thu thuần 246 tỷ đồng, tăng 2,5% nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 7% so với cùng kỳ năm trước, còn 21,52 tỷ đồng.
Về chỉ tiêu năm 2019, Bích Chi đặt kế hoạch biên độ dao động khá lớn từ 480-540 tỷ đồng doanh thu; lợi nhuận trước thuế từ 42-50 tỷ đồng. Cổ tức từ 15-20%.
Còn Sa Giang, mục tiêu năm 2019 là 313 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận trước thuế 31 tỷ đồng; cổ tức bằng tiền tối thiểu 20%. Riêng trong 6 tháng 2019, doanh thu của Sa Giang ở mức gần 158 tỷ đồng, còn lợi nhuận trước thuế 20 tỷ đồng. Như vậy, kế hoạch năm 2019 của Sa Giang nằm trong tầm tay.
Một số chỉ tiêu của Bích Chi và Sa Giang |
Mặc dù lợi nhuận mang lại của Sa Giang thấp hơn Bích Chi nhưng lãi cơ bản trên mỗi cổ phần của Sa Giang đang mang lại lợi lớn hơn cho cổ đông khi năm 2017 và 2018 đều nhỉnh hơn đơn vị này.