HỎI: Tôi thấy: 1. Có nhà đến ngày giỗ, chỉ chưng hoa trái lên bàn thờ, thắp nhang khấn vái cầu nguyện cho ông bà siêu thoát. Còn con cháu họp mặt và quây quần dùng bữa cơm gia đình, không có bày mâm cỗ cúng kiếng. 2. Có nhà thì tổ chức cỗ bàn cúng kiếng quy mô. Sau khi cúng xong thì ăn nhậu thỏa thích, có khi anh em thân tộc còn gây gổ, đánh nhau làm mất tình cảm bà con dòng tộc. 3. Có nhà thì không cúng đúng vào ngày giỗ mà chọn ngày Chủ nhật để con cháu sum vầy. 4. Có nhà thì phân công mỗi người con làm giỗ một năm, khách ai thì nấy mời.
Vậy đối với người Phật tử, cách cúng giỗ nào là hợp lý nhất?
(DIỆU THÀNH, Minh Phụng, Q.6, TP.HCM)
Ảnh minh họa. Ảnh: Internet. |
ĐÁP:
Bạn Diệu Thành thân mến!
Lễ phẩm cúng giỗ biểu trưng cho tấm lòng hiếu thuận của con cháu, lễ bạc mà lòng thành, ngoài hoa trái hương đèn thì nên có mâm cỗ. Theo chúng tôi, nhà (1) cúng giỗ mà chỉ có hương hoa, không có mâm cỗ dâng cúng là chưa đủ lễ. Nhà (2) có điều kiện cúng kiếng lớn thì quá tốt. Tuy nhiên, là Phật tử thì nên lưu ý không sát hại sinh vật, không rượu chè say sưa. Nhà (3) chọn ngày Chủ nhật để cúng giỗ cho con cháu được sum vầy đầy đủ, trong tinh thần phương tiện cũng không có gì trở ngại. Tuy nhiên, cần nhắc lại chính xác ngày giỗ cho con cháu nghe để ghi nhớ. Nhà (4) đông anh em nên phân công mỗi người làm giỗ một năm cũng rất hay.
Đối với người Phật tử, đến ngày giỗ thì cũng tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể, tùy duyên mà tưởng niệm, cúng kiếng. Nếu hội đủ duyên lành, nên tập trung con cháu tụng một thời kinh cầu siêu, dâng cúng hương hoa và cỗ chay, làm phước thiện để hồi hướng công đức, bữa cơm gia đình cần thân mật và ấm cúng, thiết nghĩ nên nhắc lại lược sử của ông (bà), cha (mẹ) lúc sinh tiền để con cháu ghi nhớ và noi gương.
Chúc bạn tinh tấn!