PGS.TS Bùi Văn Nhơn, nguyên giảng viên cao cấp Học viện Hành chính cảnh báo như vậy nhân việc
Bộ GTVT thành lập 7 đoàn thanh tra do 7 thứ trưởng phụ trách đi thanh tra tại các tỉnh.
Hãy nghe dân, đừng nghe báo cáo
Bộ GTVT vừa ký quyết định thành lập 7 đoàn thanh tra do 7 thứ trưởng phụ trách đi thanh tra trực tiếp tại các địa phương về những tồn tại sai phạm trong ngành. Ông đánh giá thế nào về việc này?
Tốt thôi. Nhưng tính hiệu quả chắc không cao được. Chắc gì tai nạn giao thông đã giảm. Nhưng tôi thấy một số nơi dùng từ "vi hành" cho tình huống này là không đúng. Bản chất của hành động vi hành nghĩa là vua chúa, quan chức đóng vai bình dân đi thực tế nắm tính hình, trà trộn vào thực tế để tìm hiểu đời sống nhân dân. Việc đi thanh tra của ngành giao thông theo tôi chỉ là hình thức, khó giải quyết gốc rễ vấn đề.
Căn cứ vào đâu mà ông lại nói vậy?
Vì việc thanh tra gần như chỉ là ngồi nghe cấp dưới báo cáo. Mà thực trạng báo cáo của ta thì ai cũng biết, khó mà giải quyết được vấn đề gì.
Nhưng đây là lần đầu tiên có một Bộ đưa 7 thứ trưởng đi thanh tra tại các địa phương, hẳn nó phải là sự kiện đáng mừng?
Tôi cho là một việc làm táo bạo, là việc tốt đấy. Nhưng đó chỉ là hành động tốt, quan trọng là kết quả thế nào.
Nhưng rõ ràng trước cái thực trạng lãnh đạo chỉ ngồi bàn giấy chỉ đạo, giờ các vị ấy đã lăn xả vào thực tế để kiểm tra, thì đó là bước đột phá?
Đây là phản ứng kịp thời của Bộ về việc cần phải thoát ly bàn giấy xuống thực tế để lắng nghe tình hình. Vấn đề là kết quả như thế nào. Phải lắng nghe ý kiến của dân ra sao, chứ nếu chỉ thuần tuý nghe lãnh đạo địa phương báo cáo, giải trình, rút kinh nghiệm, thì sẽ khó mà thay đổi được điều gì.
PGS.TS Bùi Văn Nhơn, nguyên giảng viên cao cấp Học viện Hành chính. |
Họp khẩn bàn phương án đón đoàn thanh tra
Ông có dự đoán được hiệu quả thanh tra của 7 thứ trưởng lần này?
Cảm giác của tôi là 7 đoàn chứ có chục đoàn thì cũng thế thôi. Không xoay chuyển được tình hình đâu! Sẽ rất khó để có được một kết quả sáng sủa. Khi biết có đoàn kiểm tra xuống, các địa phương đã tổ chức họp khẩn cấp bàn cách đón tiếp thế nào, mời đi chơi chỗ nào. Nếu sai phạm quá rõ và quá nghiêm trọng thì họ đưa ra vài vụ xử làm vì thôi. Ngay cả các số liệu thống kê cũng đã phải thông qua được duyệt rồi mới trình thanh tra, thế thì lấy đâu ra sự trung thực? Các con số đều chỉnh sửa thật đẹp.
Tại sao ông lại nói vậy?
Vì cái sự rối ren, vì cái sự thanh tra và báo cáo lấy thành tích nó đã thành nghệ thuật, thành phổ biến rồi.
Căn cứ để ông đưa ra kết luận đó là gì?
Thì đấy! Doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước làm ăn thua lỗ, nhưng vẫn nói rằng đó là thành phần kinh tế quan trọng nhất, là đòn bẩy, thúc đẩy kinh tế. Người ta thừa hiểu như vậy là không đúng, nhưng lại vẫn nói thế. Không ít lãnh đạo thấy cái sai nhưng vẫn giơ tay ủng hộ.
Ông lý giải thế nào về việc họ biết thế là sai nhưng vẫn làm thế?
Bởi nếu họ phản đối thì họ cũng mất việc, thậm chí chẳng có gì mà "chén" nữa nên cứ hô vang ủng hộ thôi.
Vận dụng vào trường hợp cụ thể của 7 đoàn thanh tra xuống các tỉnh lần này sẽ là gì?
Sẽ có rất nhiều lời nói dối được chuẩn bị sẵn để đón các đoàn thanh tra. Đó là bệnh địa phương chủ nghĩa, bản vị. Nghĩa là họ giấu đi khuyết điểm, tranh giành quyền lợi cho ngành, địa phương mình. Hơn nữa, còn có một thực tế là mỗi lần nghe có đoàn thanh tra nọ kia về là họ sẽ lại nói đùa với nhau rằng: "Thanh tra thanh mẹ thanh trì - Cứ có phong bì là nó thanh kiu (thank you - cảm ơn)".
Trong trường hơp này thì các đoàn kiểm tra phải làm thế nào để có kết quả thanh tra kiểm tốt?
Khó lắm. Cấp dưới họ sẽ che đậy, bằng mọi cách bưng bít lỗi. May ra thì xử được một vài vụ, nhất là những cái gì quá trắng trợn thôi chứ không giải quyết tận gốc được. Đó là quan điểm cá nhân của tôi.
Bầu tôi làm bộ trưởng tôi cũng không nhận
Ông thường di chuyển bằng phương tiện gì?
Tôi đi xe máy, giờ già rồi thì đi taxi. Nhưng nhiều khi đang đi taxi phải chuyển sang xe ôm vì đường tắc.
Cho đến thời điểm này. ông đánh giá thế nào về giao thông Việt Nam so với trước đây?
Tôi thấy nó phát triển không theo quy hoạch, không có tầm nhìn. Mà tầm nhìn thì lại loanh quanh vẫn là cơ chế nó thế. Lãnh đạo đi nước ngoài nhiều, họ thừa biết giao thông tổ chức thế nào là tốt, nhưng vì cái cơ chế này nó khó.
Nghĩa là lỗi do người quản lý chưa tốt?
Nếu lãnh đạo mà có tầm nhìn tốt thì làm gì có chuyện giao thông nát như hôm nay. Đến giờ thì rất khó để sửa. Không thể phá đi xây lại, nên đành phải chấp nhận, nghĩ ra cách để cải thiện tí chút thôi.
Nghe ông nói vậy thì chúng ta nên thương ông Bộ trưởng Bộ GTVT, vì ông ấy đã phải ngồi vào chiếc ghế nóng ấy để giải quyết cái hậu quả trước đó để lại.
Tôi cũng nghĩ là nên thương.
Nếu người ta bầu ông vào vị trí đó, ông có nhận không?
Không.
Vì sao ạ?
Tôi già rồi. Mà nếu còn trẻ thì tôi cũng không làm vì tôi không thông thạo lắm về lĩnh vực giao thông. Thứ nữa là tôi thấy mình bất lực trước cái thực tế ấy.
Nhưng nếu con cái tôi động viên: Bố cứ làm bộ trưởng đi. Bố không cần phải làm gì cả mà chỉ ngồi đó giữ chỗ thôi cho các con được nhờ thì có lẽ tôi làm (cười).
Đấy, tiêu cực đến thế cơ mà!
Không chỉ giao thông mà ở tất các cả ngành khác, dù có xảy ra nhiều chuyện tiêu cực thì hiếm khi nào thấy ai đó dám đứng ra nhận lỗi. Vì sao vậy?
Thì sợ mất chức, mất vị trí. Giờ mới đang hình thành văn hóa xin lỗi, chứ làm gì đã có văn hóa từ chức.
Thế thì thanh tra có làm sai lệch kết quả tí ti chắc cũng chẳng sao?
Tôi nghe nói có nhiều chuyện thanh tra tiêu cực lắm. Giả sử như thanh tra phát hiện ra đơn vị sai phạm 15 tỷ đồng. Họ sẽ bàn bạc với đơn vị sai phạm thế này nhé, thôi thì ta cứ bỏ 1 tỷ đồng ra ngoài sổ sách, coi như là bồi dưỡng cho đoàn. Số còn lại chia đôi. Thanh tra sẽ nhận 7 tỷ đồng cho cả đoàn, còn lại trên giấy tờ sổ sách thì sai phạm chỉ là 7 tỷ đồng. Thế thì đơn vị mừng quá chứ còn gì nữa?
Đấy chỉ là ông giả sử, còn thực tế liệu có tình trạng đó trong đợt thanh tra giao thông rầm rộ này?
Tôi không khẳng định, nhưng thường thì đoàn kiểm tra thanh tra nào cũng ăn uống ngủ nghỉ ở những khách sạn rất sang trọng. Còn có tiêu cực nữa hay không thì không biết. Nhiều người, được đi thanh tra là một phần thưởng. Tôi có người quen đã từng là thành viên trong đoàn thanh tra. Khi tôi hỏi là sắp tới có đi thanh tra ở đâu nữa không, họ trả lời là "Họ phân công cho mình được đi thanh tra một lần thế là sướng lắm rồi. Đời nào họ cho đi nữa". Đấy, tiêu cực đến thế cơ mà!
Tôi hy vọng thực trạng đó không quá phổ biến và không làm ảnh hưởng đến kết quả thanh tra lần này. Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bản chất của hành chính là quan liêu, chỉ có điều là quan liêu ít hay nhiều mà thôi. Ngồi bàn giấy ra chính sách ra chỉ thị, không sát với thực tế, đó chính là quan liêu. Nếu công chức, viên chức có ý thức không xa rời thực tiễn thì mức độ quan liêu giảm đi, chứ không mất được.