CTCP Chứng khoán DSC (DSC) vừa công bố Nghị quyết HĐQT thông qua việc chuyển giao dịch cổ phiếu DSC từ hệ thống giao dịch UPCoM sang niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE).
Theo đó, gần 205 triệu cổ phiếu DSC sẽ giao dịch phiên cuối trên UPCoM vào ngày 14/10, sau đó sẽ hủy đăng ký giao dịch với lý do cổ phiếu đã được chấp thuận niêm yết tại HoSE.
Dự kiến lượng cổ phiếu này sẽ lên giao dịch trên HoSE trong phiên 24/10/2024. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên được xác định bằng bình quân giá tham chiếu cổ phiếu DSC của 30 phiên gần nhất tính đến ngày hủy đăng ký giao dịch (15/10).
Hiện tại, cổ phiếu DSC đang giao dịch trên UPCoM với thị giá 23.000 đồng/cp (đóng cửa phiên 7/10), tương ứng vốn hóa thị trường hơn 4.700 tỷ đồng.
Vốn điều lệ "thổi phồng" hơn cả Thánh Gióng
Trước đó, vào cuối tháng 9, HoSE đã công bố quyết định chấp thuận niêm yết cổ phiếu DSC của Chứng khoán DSC. Theo tìm hiểu, Chứng khoán DSC có tiền thân là CTCP Chứng khoán Đà Nẵng, được thành lập từ năm 2006 với vốn điều lệ ban đầu chỉ 22 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2021, công ty niêm yết cổ phiếu mã DSC trên sàn UPCoM và đổi tên thành Chứng khoán DSC. Trụ sở của công ty được chuyển ra Hà Nội đồng thời vốn điều lệ cũng "nhảy vọt" lên 1.000 tỷ đồng.
Bước sang năm 2023, dù đã có đợt tăng vốn cao gấp 50 lần trong năm trước đó, DSC lại một lần nữa tăng vốn bằng việc bán 100 triệu cổ phiếu ra công chúng và phát hành 5 triệu cổ phiếu ESOP.
Sau lần phát hành cổ phiếu này, vốn điều lệ của Chứng khoán DSC đã tăng vọt lên 2.048 tỷ đồng. Nếu so với ngày đầu, vốn DSC đã tăng gấp 93 lần.
Cơ cấu cổ đông tính đến cuối năm 2023 có 2 cổ đông lớn gồm 1 cổ đông tổ chức là CTCP Đầu tư NTP nắm gần 34,2% và 1 cổ đông cá nhân là ông Nguyễn Đức Anh - Chủ tịch HĐQT DSC nắm hơn 35,6%.
Đáng chú ý, Chủ tịch DSC Nguyễn Đức Anh (SN 1995) được biết đến thế hệ F2 của Tập đoàn Thành Công (TC Group) - một tập đoàn đa ngành có vị thế đặc biệt trong ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam. Ông Đức Anh là cháu của ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch TC Group.
DSC là công ty chứng khoán nằm trong hệ sinh thái của TC Group nổi tiếng với Hyundai Thành Công - thương hiệu lắp ráp và phân phối ô tô hàng đầu Việt Nam. Cùng với DSC, TC Group còn có một doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính khác, đó là Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng và Phát triển (PGBank). Tương tự như PGBank, DSC cũng được nhóm cổ đông liên quan TC Group mua lại và tái cơ cấu.
Tân binh DSC sắp lên sàn HoSE. |
Theo BCTC quý 2/2024, doanh thu hoạt động của DSC đạt 112 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lãi ghi nhận từ tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm 12% về 27 tỷ đồng, chiếm gần 1/4 tổng doanh thu.
Nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán và tư vấn tài chính cũng giảm mạnh 79% so với cùng kỳ, chỉ đạt hơn 5 tỷ đồng, chiếm chưa tới 5% cơ cấu doanh thu.
Ngược lại, lãi cho vay, phải thu mang lại doanh thu chính khi chiếm gần 46% tỷ trọng, đạt giá trị hơn 47 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ. Doanh thu môi giới nhích nhẹ 2%, đạt gần 36 tỷ đồng.
Doanh thu giảm nhưng chi phí vẫn tăng mạnh. Trong đó, chi phí hoạt động gấp gần 2,4 lần cùng kỳ, đạt 65 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất là lỗ tài sản tài chính FVTPL 28 tỷ đồng (gấp 122 lần) và chi phí môi giới 35 tỷ đồng (tăng 45%).
Chi phí quản lý cũng tăng mạnh 47% so với cùng kỳ, ghi nhận hơn 11 tỷ đồng. Chi phí tài chính được tiết giảm 64% về dưới 13 tỷ đồng.
Kết quả, Công ty báo lãi ròng quý 2 chỉ hơn 20 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ và lao dốc hơn 66% so với quý 1 trước đó.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, lãi trước thuế của DSC ở mức 98,5 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ và thực hiện được 49% kế hoạch năm (200 tỷ đồng). Lãi ròng ở mức gần 79 tỷ đồng, tăng 41%, được hỗ trợ từ kết quả tích cực quý 1 trước đó.
Tăng tỷ trọng chứng chỉ tiền gửi lên hơn 2.000 tỷ
Tại cuối quý 2, tổng tài sản của DSC ghi nhận hơn 4.305 tỷ đồng, tăng 123 tỷ đồng so với đầu năm (tăng hơn 4%). Hoạt động cho vay gia tăng tích cực với dư nợ cho vay ký quỹ (margin) và ứng trước tiền bán đạt 1.691 tỷ đồng, tăng 13%, trong đó dư nợ margin chiếm gần 93%.
Ngược lại, Công ty ghi nhận giảm hơn 420 tỷ đồng các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) về còn 20 tỷ đồng. Trong khi đó, giải ngân vào tiền gửi ngân hàng cho hoạt động của công ty chứng khoán với 205 tỷ đồng, gấp gần 3,3 lần thời điểm đầu năm.
Dù vậy, tài sản chủ yếu vẫn là tài sản tài chính FVTPL có giá trị gốc 2.359 tỷ đồng, tăng hơn 53% về quy mô so với đầu năm, và biến động không đáng kể so với giá thị trường. Theo dõi danh mục, Công ty “ôm” phần lớn chứng chỉ tiền gửi có giá 2.060 tỷ đồng, còn lại 299 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết.
Bên kia bảng kế toán, nợ phải trả tại ngày 30/06/2024 là 2.002 tỷ đồng, tăng gần 6% so với đầu năm. Hầu như toàn bộ là vay nợ ngắn hạn với 1,954 tỷ đồng, khoản vay lớn nhất từ BIDV ghi nhận hơn 1.336 tỷ đồng, VPBank hơn 599 tỷ đồng và Vietcombank 19 tỷ đồng.