Theo thông tin được tờ Sputnik đăng tải, công ty công nghệ JustAnswer có trụ sở ở San Francisco, đang bắt tay vào việc hỗ trợ Ukraine nâng cấp các tổ hợp phòng không của mình, tạo ra tổ hợp phòng thủ tên lửa "Iron Dome" của riêng nước này.
CEO của công ty JustAnswer cho biết, công nghệ của Ukraine hiện tại đã "cũ và chậm". Trả lời tờ Fox News, vị CEO này cho biết việc sử dụng các hệ thống máy tính cũ và lỗi thời, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng đánh chặn của tên lửa.
Công ty JustAnswer cũng lạc quan cho rằng, một khi có thể "đóng cửa" không phận Ukraine trước các máy bay Nga, Kiev sẽ có nhiều cơ hội hơn trong cuộc xung đột này.
Màn trình diễn ngoạn mục của tổ hợp Iron Dome tại Israel. Ảnh: Vox. |
Thực tế, tờ Fox News cho biết, công ty JustAnswer chỉ giúp Ukraine nâng cấp hệ thống máy tính dẫn đường tên lửa, chứ không trực tiếp tạo ra một loại tên lửa mới cho Kiev.
Việc sở hữu một hệ thống máy tính hiện đại với tốc độ tính toán nhanh hơn, có thể giúp khả năng khóa mục tiêu, tốc độ đánh chặn và tỷ lệ đánh trúng mục tiêu bay tăng lên đáng kể.
Kế hoạch của JustAnswer là giúp Ukraine nâng cấp 45 trạm phóng di động, qua đó giúp giảm tối đa thời gian để phản ứng kể từ khi "bắt" được mục tiêu bay của đối phương. JustAnswer hy vọng, với sự nâng cấp của mình, Ukraine có thể đánh chặn khoảng 1/5 lượng máy bay và tên lửa Nga bay trong không phận của mình.
Trước đó, Ukraine từng yêu cầu Israel cung cấp hệ thống phòng không Iron Dome cho nước này, để Kiev có thể chống đỡ lại các đợt tấn công bằng tên lửa hành trình của Moscow. Tuy nhiên kể từ năm 2021, Tel Aviv đã tuyên bố cấm vận vũ khí với Kiev, trước sức ép của Nga.
Về phía Mỹ, cho tới thời điểm hiện tại đã cung cấp cho Ukraine một loạt các loại tên lửa, trong đó bao gồm cả tên lửa phòng không Stinger. Tuy nhiên đây chỉ là vũ khí phòng không cá nhân tầm gần, khó có thể đối đầu với các loại tên lửa hành trình được Nga sử dụng.